Anh em nhà Bryan ăn mừng |
Kể từ khi hiện diện trong đội hình tuyển Mỹ tham dự Davis Cup (kể từ năm 2003 cho đến nay), anh em nhà Bryan hầu như là bất khả chiến bại trong các trận đấu đôi. Họ đã thắng cả thảy 13 trận và chỉ để thua đúng một trận duy nhất tại vòng 1 Davis Cup 2005 (trước bộ đôi Mario Ancic và Ivan Ljubicic của Croatia) - sau đó, Croatia đã đăng quang ngôi vô địch Davis Cup lần đầu tiên. Nghĩa là, hầu như anh em nhà Bryan luôn đảm bảo cho tuyển Mỹ ít nhất là một trận thắng trong hành trang các kỳ Davis Cup. Sức mạnh của họ luôn khiến các đối thủ của tuyển Mỹ phải nản chí, và tìm ra các mục tiêu "mềm" hơn để chọc vào - như lợi dụng sự thất thường của Roddick và các tay vợt đơn mà anh này dẫn dắt. Thế nên, phải xem vai trò của anh em nhà Bryan là một vai trò tiên quyết.
Sau chiến thắng đã 3 ngày, tâm trạng của anh em nhà Bryan vẫn còn rất ngất ngây. Bob Bryan (người thuận tay trái) nói trên Reuters: "Thành công này là một đỉnh cao. Tôi sẽ sẵn sàng xóa sạch tất cả các danh hiệu trong sự nghiệp của mình để giành lấy danh hiệu tại Davis Cup. Tôi sẵn sàng mang cho tất cả các thành tích, chỉ để đổi lấy ngôi vô địch này". Anh em nhà Bryan từng chiếm ưu thế khá áp đảo trong các giải đôi của ATP. Họ từng thắng 44 danh hiệu đôi, trong đó có 5 danh hiệu đôi ở Grand Slam. Ở mùa giải năm nay, họ đã hoàn tất với vị trí đôi số 1 thế giới. Chỉ có chấn thương bất ngờ của Mike Bryan mới khiến anh em nhà này không thể tham gia Masters Cup tại Thượng Hải. Bob Bryan còn tỏ ra khá hài lòng khi anh em họ được xếp cùng hạng với các huyền thoại chuyên đánh đơn của nước Mỹ như Pete Sampras, Andre Agassi…
Với Mike Bryan (người thuận tay phải), danh hiệu Davis Cup còn là một thành công tuyệt vời hơn khi nó được trao cho một tay vợt chuyên đánh đôi. Anh cho biết: "Những tay vợt đánh đơn, họ chơi trên truyền hình hàng tuần. Họ luôn có được đấu trường rộng lớn. Với các tay vợt đánh đôi, Davis Cup chính là một đấu trường rộng lớn… cả ngày, bạn được đấu dưới sự chú ý của đông đảo khán giả, được hiện diện trên truyền hình. Ngay khi chuyển sang chơi chuyên nghiệp, tôi đã biết mình muốn có mặt trong đội hình tuyển Mỹ để tham dự các kỳ Davis Cup. Ngay bây giờ, chúng tôi đã có thể chết trong hạnh phúc".
Với họ, áp lực và sức ép, sự mong chờ của khán giả tại các kỳ Davis Cup còn khiến họ căng thẳng hơn ở bất kỳ một Grand Slam nào. Bob Bryan thừa nhận: "Ở đây, tại Davis Cup mà tôi đã tham gia từ năm 2003, tôi luôn có sự lo lắng còn nhiều hơn khi tham gia bất kỳ trận chung kết Grand Slam nào. Nó cũng khó khăn khi bạn biết bạn sẽ mang lại điểm quyết định cho đội tuyển. Đây là việc bạn phải lường trước mình sẽ làm gì, đặt cơ thể mình ra ngoài sân đấu, giữ cho thể lực khoẻ mạnh thật sự… Điều đó mang lại cho bạn sự lo lắng, và câu hỏi rằng bạn sẽ thi đấu như thế nào trên sân".
Mike thì cho biết những ký ức ở Grand Slam đầu tiên phần nào giúp anh vượt qua áp lực khi chơi trận đôi trên sân Memorial Coliseum: "Khi tôi ở trên sân đấu, tôi đã thật sự nghĩ đến Roland Garros 2003 vì áp lực lúc đó rất lớn, và cũng tương tự. Ở Roland Garros 2003, tôi đã bước ra sân đấu với đôi chân run rẩy, tôi cảm thấy sự sợ hãi gia tăng sau mỗi cú đánh và rất khó tập trung. Tôi luôn phải nhìn quanh khán đài, xem khán giả. Vì thế, ở đây tôi đã bắt đầu nghĩ đặt trường hợp của mình như ở Paris hồi năm 2003. Giành được chiến thắng ở Davis Cup cũng vinh dự như lần đầu tiên đăng quang tại Grand Slam".
(Theo SGGP)