(Bongda24h) - Trên sân cỏ, Italia là một thế lực đáng ngại ở châu Âu. Họ giành chức vô địch World Cup 2006 dù trong hoàn cảnh cả nền bóng đá chao đảo vì Calciopioli. Năm vừa rồi, AC Milan ngự trị trên đỉnh cao của bóng đá châu Âu, vượt qua một loạt các đối thủ được đánh giá cao hơn. Tuy nhiên, một thực tế trái ngược đã xảy ra: Serie A không còn là điểm đến của những ngôi sao hàng đầu thế giới.
Những ngôi sao như Kaka ngày càng ít đi ở Serie A
Trước kia, mọi cầu thủ muốn tạo dựng tên tuổi của mình đều đến Italia và coi đây là mảnh đất "màu mỡ" để phô diễn tài năng. Serie A đã trở thành sân khấu của những ngôi sao lớn nhất của bóng đá thế giới. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, mọi chuyện đã thay đổi. Với những bước chuyển mình mạnh mẽ của các giải đấu ở Tây Ban Nha, Anh hay Đức, Serie A đã không còn là "thiên đường" và ngày càng yếu thế. Các cầu thủ bây giờ thích đến đảo quốc sương mù hay vùng đất đầy nắng gió bên bờ Địa Trung Hải hơn là đến quốc gia hình chiếc ủng và luôn diễn ra tình trạng lộn xộn trong bóng đá.
Không những vậy, Italia còn không thể ngăn nổi tình trạng "chảy máu chất xám". Chỉ tính trong mùa hè này, đến thời điểm hiện tại, chân sút số 1 ĐT Italia, Luca Toni đã đi theo tiếng gọi của "Hùm xám" trong khi người hùng World Cup 2006, Fabio Grosso đã chuyển sang ĐKVĐ Pháp, Lyon. Hai thủ môn hàng đầu người Italia, Christian Abbiati và Morgan de Sanctis đã tới Tây Ban Nha. Biểu tượng của Livorno và là một trong những chân sút ổn định nhất Serie A những năm qua, Cristiano Lucarelli thậm chí còn di chuyển tới tận Ukraine để thi đấu cho Shakhtar Donetsk. Tiền đạo triển vọng của xứ sở mỳ ống, Rolando Bianchi, người được mệnh danh là "Christian Vieri" mới, đã không cưỡng lại nổi sức hút của những đồng bảng Anh của Manchester City.
Các đội bóng ở Italia cũng không chiêu mộ được siêu sao nào thực sự có tên tuổi. Tiago, Giuly hay Andrade không thể coi là những cầu thủ ở đẳng cấp cao nhất châu lục. Trong khi những nỗ lực theo đuổi Ronaldinho, Eto'o của AC Milan đều bất thành. Quả thực, Serie A đã mất dần sức hút của mình. Nguyên nhân của điều này?
Sự hấp dẫn
Serie A vốn nổi tiếng là giải đấu khắc nghiệt, mang đậm những tính toán chiến thuật và sự chặt chẽ. Nó không có cái tốc độ chóng mặt và diễn biến sôi động đến phút chót của Premiership hay lối đá hào hoa, đẹp mắt với chất Latinh của La Liga. Trước kia, người ta còn thấy hứng thú với các cuộc đua tranh quyết liệt giữa những đại gia ở Italia như Juventus, AC Milan, Inter Milan hay AS Roma.
Mùa giải trước, Inter lên ngôi mà không gặp phải sự phản kháng nào
Còn bây giờ thì sao? Mùa giải trước, Inter "một mình một ngựa" đăng quang ở Serie A mà không vấp phải sự kháng cự đáng kể nào. Chưa kể người ta đã phát giác ra nền bóng đá này là do một thế lực ngầm đứng đứng sau chi phối mà scandal Calciopioli là đỉnh điểm. Nhiều khi kết quả trên sân đấu lại không do các cầu thủ quyết định. Người ta đã gọi bóng đá ở Italia là nền "bóng đá chính trị". Các thế lực, đảng phái coi bóng đá là công cụ để tăng sự ảnh hưởng ở đất nước này nên không mấy quan tâm nhiều đến chất lượng của nó.
Chính vì thế, khán giả đã dần cảm thấy chán ngấy và quay lưng lại với Serie A. 9 mùa giải gần đây, số khán giả đến SVĐ liên tục sụt giảm. Mùa vừa rồi, trung bình mỗi trận đấu chỉ còn có 19.511 khán giả, thấp hơn rất nhiều Premiership và La Liga. Ngoại trừ trận đấu thuộc vào diện kinh điển của bóng đá thế giới giữa 2 đội bóng cùng thành phố: AC Milan và Inter, các trận còn lại đều vắng như chùa bà đanh.
Không những vậy, các CĐV còn dồn sự bực bội, ức chế của mình do những nguyên do không chỉ dính dáng đến bóng đá lên các trận đấu khiến cho các vụ náo động trên khán đài liên tục nổ ra. Đỉnh cao là vụ bạo loạn sau trận đấu giữa 2 đội bóng ở đảo Sicily, Catania và Palermo hồi tháng 2 dẫn đến cái chết của một viên cảnh sát. "Cơn bão" đó đã khiến Serie A bị ngừng trệ 2 tuần và nhiều trận phải thi đấu trên những khán đài trống vắng.
Vụ bạo loạn tồi tệ nhất mùa giải vừa qua ở Italia
Trên thế giới, người ta cũng biết đến Premiership và La Liga nhiều hơn là Serie A. Không chỉ vì lối chơi ở đây thiếu hấp dẫn mà các CLB của Italia cũng không có các chiến dịch PR thương hiệu cho mình thông qua các chuyến du đấu. Mà cầu thủ bóng đá nào chả muốn được chơi trong một sân đấu đầy ắp khán giả với sự cuồng nhiệt và cổ vũ hết mình cũng như tên tuổi của họ nổi danh khắp toàn cầu. Bây giờ, ở Italia, cảnh tượng đó chỉ có trong những giấc mơ. Cựu cầu thủ Italia, Gianfranco Zola, từng có quãng thời gian 7 năm khó quên ở Chelsea, đã nói: "Tiền cũng quan trọng nhưng bạn chơi bóng bởi vì sự lôi cuốn của nó. Các SVĐ ở Anh, Italia hay Tây Ban Nha luôn đầy ắp khán giả và họ thực sự yêu thích nó". Có lẽ câu nói này đã đủ nói lên tất cả.
Rào cản tài chính
Những năm trước kia, các đại gia ở Serie A "làm mưa làm gió" trên thị trường chuyển nhượng. Họ không ngần ngại bỏ ra các khoản tiền kếch xù để lôi kéo các siêu sao của bóng đá thế giới về đầu quân. Hàng năm, những vụ chuyển nhượng đình đám nhất đều thuộc về các CLB từ Italia. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã thay đổi. Những ông lớn của Serie A không còn dám chi mạnh tay như trước mà trở nên dè dặt hơn. Trong khi các đối thủ từ Anh hay Tây Ban Nha, luôn sẵn sàng móc hầu bao những khoản không nhỏ để bổ sung lực lượng. Tình hình tài chính của các đội bóng Serie A "tiêu điều" đến nỗi mỗi khi mùa giải mới bắt đầu, tất cả các đội không loại trừ những đại gia, lại cuống cuồng lên tìm mọi cách để đáp ứng yêu cầu về tài chính nhằm đủ điều kiện thi đấu ở Serie A kể cả bằng những "thủ thuật" không mấy trong sạch.
Chính tình trạng chi tiêu quá mức trong thời gian trước kia cùng với các cuộc khủng hoảng ở các công ty chủ quản khiến các CLB rơi vào "thảm cảnh" này. Parma từng là một trong những đội bóng hàng đầu Serie A dưới sự bảo trợ của hãng Parmalat. Nhưng kể từ khi công ty này tuyên bố phá sản, Parma tụt ngay xuống nhóm có nguy cơ rớt hạng. Lazio cũng vậy. Hãng Cirio từng đổ hàng đống tiền vào đội bóng thành Rome, khiến họ lột xác từ một con vịt xấu xí trở thành chú thiên nga đẹp lộng lẫy. Và rồi khi Cirio lâm vào khủng hoảng, Lazio cũng tụt dốc theo và phải trầy trật khẳng định hình ảnh của mình.
Riêng Inter và AC Milan sở dĩ vẫn tỏ ra "xông xênh" vì họ được sự hậu thuẫn của những trùm "tài phiệt" ở Italia. Cựu thủ tướng Italia, Berlusconi là một trong những người giàu nhất Italia với tổng tài sản lên tới gần chục tỷ Euro còn Moratti là "ông trùm" dầu lửa ở xứ mỳ ống và chưa bao giờ tiếc tiền với CLB mà ông đã dành trọn cả con tim.
Những ông chủ lắm tiền như Berlusconi ở Serie A không nhiều
Sự khó khăn về tài chính còn dẫn tới việc các CLB không thể dành cho các cầu thủ những mức lương cao ngất ngưởng. Hiện tại, các cầu thủ được trả lương cao nhất thế giới đều ở Anh hoặc Tây Ban Nha chứ không phải là Italia. Gánh nặng về tiền lương luôn chiếm phần lớn trong chi tiêu của một đội bóng. Ở Italia, một CLB cũng không kiếm được nhiều như ở những nơi khác nên hạn chế chi tiêu là điều không có gì khó hiểu. Các đội buộc phải đề ra mức trần về thu nhập và không mấy khi phá vỡ nó trừ khi có "trường hợp" thật đặc biệt.
Lấy một ví dụ của Lazio Roma. Với khả năng tài chính hiện tại, Lazio buộc phải đề ra và tuân thủ chặt chẽ quy định mức lương của một cầu thủ sẽ không được quá 500.000 Euro/năm và thưởng cũng không vượt 50% mức lương. Mức này là quá thấp nếu so với một đội bóng ở cùng vị thế với Lazio ở Anh hay Tây Ban Nha. Nên không có gì ngạc nhiên khi các cầu thủ không lựa chọn đội bóng này làm bến đỗ nếu muốn "kiếm tiền". Thủ thành triển vọng của bóng đá Italia, Marco Amelia chỉ nhất quyết muốn ra nước ngoài thi đấu chứ không muốn gia nhập Biancocelesti (biệt danh của Lazio) để hy vọng có mức thu nhập cao hơn. Việc này khiến họ phải chuyển hướng sang một thủ môn khác nhằm thay thế cho Angelo Peruzzi mới nghỉ hưu.
Thêm nữa, cơ chế và các quy định về tài chính ở Italia không được thông thoáng như ở Anh hay Tây Ban Nha. Một minh chứng rất rõ ràng đã được phó chủ tịch Milan, Adriano Galliani đưa ra. Ông nói: "Điểm khác biệt nằm ở chế độ tài chính. Chúng tôi đã rất gần đến việc có được chữ ký của Henry và không gặp phải vấn đề gì khi đáp ứng yêu cầu về mức phí của Arsenal. Tuy nhiên, chúng tôi không thể kham nổi mức thu nhập ròng 10 triệu Euro 1 năm. Nói một cách dễ hiểu, với cùng một mức lương của Henry, Barca chỉ phải chi ra tổng cộng (bao gồm thu nhập và thuế) chưa đến 15 triệu Euro còn đối với chúng tôi, số tiền này phải lên tới 20 triệu Euro".
Henry tới Barca vì La Liga “hấp dẫn“ hơn Serie A
Như vậy, có thể hiểu mức thuế thu nhập cá nhân ở Italia là quá cao khiến các đội bóng phải chi thêm một khoản đáng kể nếu chiêu mộ các ngôi sao lớn. Mà chắc hẳn, những cầu thủ cũng chả đời nào chấp nhận là người chi trả các khoản thuế này. Chưa kể, ở Tây Ban Nha, người nước ngoài còn được giảm trừ thuế khiến quốc gia này trở thành "thiên đường" cho các cầu thủ bóng đá ngày nay.
Một viễn cảnh ảm đạm của bóng đá Italia đang trở nên rõ nét. Nếu cứ như vậy, Italia chả mấy chốc sẽ tụt lại đằng sau Anh hay Tây Ban Nha. Nhưng ở chân trời, vẫn xuất hiện những "tia nắng" của hy vọng. Mùa giải năm nay, Juventus đã trở lại Serie A khiến cuộc đua tranh đến ngôi vô địch sẽ căng thẳng hơn rất nhiều và không còn tồn tại vị vua "độc tôn" Inter Milan. Thiên hạ giờ đã được tái tạo lại thế chân vạc: Inter - AC Milan - Juventus.
Bên cạnh đó, Napoli và Genoa, 2 đội bóng có thành tích đáng nể ở Italia cũng đã quay về mái nhà xưa. Với 3 "tân binh" mạnh này, một vài trận derby lớn giữa các đội cùng thành phố ở Serie A đã "tái xuất". Nhưng quan trọng hơn, khả năng sinh lợi của giải đấu này cũng đã được nâng lên. Theo tính toán của hãng kiểm toán Deloitte, thu nhập từ bản quyền truyền hình, khán giả và bán hàng sẽ tăng thêm 360 triệu Euro trong năm tới. Đây chính là sự khởi đầu không đến nỗi nào cho con đường lấy lại vị thế của mình của Serie A - sân khấu của những huyền thoại.
Thuý Nga