Đó là quan điểm mà tờ Times (Anh) đưa ra trong bài bình luận trước thềm giải đấu số một Italy mùa mới, dựa trên thực tế các đại gia xứ mỳ ống đua nhau tậu những ngôi sao lớn tuổi hoặc không còn được đánh giá cao.
Đã có thời giới bóng đá nhìn nhận Ngoại hạng Anh như nơi trú ngụ của những ngôi sao sắp bước vào tuổi xế bóng hoặc những cầu thủ tài năng nhưng chưa được nhìn nhận đúng mực ở Italy. Đó là vào cuối thập niên 1990, khi Serie A hưng thịnh chứng kiến một làn sóng di cư ồ ạt sang Anh, mà tiêu biểu là 6 cái tên Vialli (Juventus), Di Matteo, Casiraghi (Lazio), Zola (Parma) hay Festa (Inter), Ravanelli (Juventus). Với những gì mà sáu danh thủ này làm được ở xứ sương mù, không ít nhà chuyên môn phải thay đổi quan điểm.
Trừ Casiraghi đen đủi vì dính chấn thương, cả 5 cái tên còn lại đều chứng tỏ họ còn nguyên khát vọng và trên thực tế đã thành công khi để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng người hâm mộ Anh. Vialli, Di Matteo và Zola trở thành trụ cột của một Chelsea ngổ ngáo tại giải Ngoại hạng và các Cup châu Âu giai đoạn cuối những năm 1990 đầu 2000, mà chiến tích đỉnh cao là chiếc Cup C2 mùa 1997-1998. Trong khi đó, nhờ những bàn thắng của tiền đạo Ravanelli và tài chỉ huy hàng phòng ngự của hậu vệ đa năng Festa, một Middlesbrough mới chân ướt chân ráo lên hạng trở thành hiện tượng trong làng bóng đá Anh khi vào đến trận chung kết Cup Liên đoàn và Cup FA mùa 1996-1997.Việc những ngôi sao như Shevchenko trở lại đã cho thấy sự sa sút của Serie A
Một thập niên sau làn sóng di cư ấy, cán cân quyền lực và tiền bạc của các giải VĐQG hàng đầu châu Âu đã có sự thay đổi đáng kể. Nhờ những bản hợp đồng truyền hình béo bở và hầu bao không đáy của các nhà tài phiệt ngoại quốc, Ngoại hạng Anh từ nhiều năm gần đây đã vươn lên vị thế số một. Sức mạnh tài chính cho phép họ chiêu mộ những ngôi sao sáng giá nhất và nhờ đó cải thiện dần thành tích ở mặt trận châu lục. Chỉ tính riêng hai mùa gần nhất, họ đều có đến 3 CLB vào bán kết Champions League và mùa trước, thậm chí còn biến trận chung kết đấu trường này thành trận derby nước Anh với Chelsea và MU là hai đội tham dự.
Serie A thì ngược lại. Những năm tháng vung tiền một cách vô tội vạ đã để lại di chứng nặng nề là cuộc khủng hoảng kinh tế trong bóng đá, đẩy hàng loạt CLB vào cảnh nợ nần, hoặc tệ hơn, xuống hạng. Trong khi đó, việc Lega Calcio - Ban tổ chức các hạng đấu bóng đá Italy - cho phép các đội thương lượng bản quyền truyền hình riêng rẽ từ năm 1998 đã làm sự phân cực giàu nghèo giữa các đại gia và những đội nhỏ hơn ngày một rõ rệt. Khả năng cạnh tranh và sự hấp dẫn của Serie A cũng vì thế bị triệt tiêu đáng kể. Scandal dàn xếp tỷ số hè năm 2006, các vụ bạo động của tifosi cũng làm uy tín của giải đấu này sứt mẻ nghiêm trọng, mà chức vô địch World Cup 2006 (tuyển Italy) cùng 2 danh hiệu Champions League (Milan 2003 và 2007) không thể bù đắp được.
Trong bối cảnh ấy, khó có thể hy vọng Serie A 2008-2009 sắp khai mạc có sự khởi sắc hoặc đột biến về chuyên môn, bất chấp thực tế các CLB lớn nhất Italy vừa trải qua một kỳ chuyển nhượng hè bận rộn và tốn kém nhất trong nhiều năm trở lại đây. Về lý thuyết, Ronaldinho, Sheva, Zambrotta, Senderos (Milan), Poulsen, Mellberg, (Juventus) hay Risse, Baptista (Roma) đều là những bản hợp đồng được bảo chứng về danh tiếng. Nhưng như Times bình luận, xét đến việc họ đều là những cầu thủ hoặc đã sang bên kia triền dốc của sự nghiệp, hoặc chưa thuộc hàng siêu sao ở các CLB cũ, khả năng số tân binh kể trên góp phần nâng tầm Serie A vẫn là một dấu hỏi lớn.
Cũng theo nhật báo uy tín hàng đầu ở Anh, các tifosi cần phải thực tế khi nhìn nhận vấn đề. Nếu không có 2 năm xuống dốc không phanh trong màu áo Barca và Chelsea, liệu Ronaldinho và Shevchenko có đến Serie A như bây giờ hay không? Dù được xem là một tài năng đầy hứa hẹn, nhưng Senderos cũng chỉ chia tay Arsenal để sang Milan vì không tìm được chỗ đứng trong đội hình của HLV Wenger. Tương tự như vậy, Rolando Bianchi, chân sút trưởng thành từ chính Serie A và được quá nửa số CLB dự giải đấu này săn đón trong hè vừa 2008 trước khi gia nhập Torino, hay Riise - tân binh của Roma - cũng chỉ là người thừa ở Man City và Liverpool.
Tờ Times kết luận: "Bóng đá Anh không có ý tự hào sảng, nhưng rõ ràng giữa giải Ngoại hạng với Serie A đang tồn tại một khoảng cách xa vời vợi về trình độ chuyên môn. Giải đấu số một xứ mỳ ống cũng kém xa giải Ngoại hạng hay La Liga, xét trên khía cạnh tính hấp dẫn và sự độc đáo, cho dù một số CLB Serie A, chẳng hạn như Inter của HLV Mourinho, vẫn là một quyền lực ở cấp độ châu lục. Hãy chờ xem Senderos, Bianchi, Riise, Shevchenko hay Ronaldinho ... sẽ đem lại những gì tốt đẹp cho Serie A".
(Theo Vnexpress)