Trưởng đoàn Hoàng Vĩnh Giang nhấn mạnh như vậy về thành tích của thể thao Việt Nam tại Đại hội Đông Nam Á năm nay. Ông cũng bày tỏ quan điểm về sự yếu kém của đội bóng đá U23 quốc gia.
- Khởi đầu tốt ở SEA Games 24, nhưng đến giai đoạn cuối, Việt Nam chững lại và mất vị trí thứ nhì vào tay Malaysia. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
- Có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, việc đưa ra chỉ tiêu hơi thấp so với thực lực nên lãnh đạo, HLV và vận động viên ở các bộ môn chưa cố gắng hết sức sau khi đã giành đủ số huy chương dự tính. Thứ hai, chúng ta chưa đánh giá đúng mức thực lực cũng như sự chuẩn bị của các đối thủ, các nước tham dự với lực lượng hùng hậu và tham gia tranh tài ở hầu hết các môn. Hãy lấy Malaysia làm ví dụ, họ cử một số lượng VĐV lớn (820 người, so với 624 của Việt Nam). Hơn nữa, họ cũng rất khéo khi đưa người vào các tổ chức thể thao quan trọng ở khu vực và thế giới.
- Điều gì khiến ông tâm đắc nhất tại SEA Games 24?
- Đó là sự ổn định của các môn thể thao thế mạnh. Các vận động viên karatedo, điền kinh, bắn súng, wushu, thể dục dụng cụ đều đạt thành tích rất thuyết phục trước đối thủ. Vật của chúng ta cũng vậy, tôi có thể nói rằng có chờ 10 năm nữa, các đối thủ trong khu vực cũng khó lòng đuổi kịp Việt Nam. Tôi cùng lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam cũng rất vui khi bắn cung của chúng ta có một HC vàng tại Đại hội lần này. Một số trường hợp không đoạt HC vàng nhưng cũng rất đáng quý, như Nguyễn Tiến Minh - VĐV cầu lông đoạt huy chương đồng.
- Ông nhìn nhận ra sao về đội U23 quốc gia?
- Tại SEA Games lần này, tôi được phân công quản lý chung tới hơn 30 môn, nhưng chủ yếu đặc trách các môn võ, còn bóng đá thì người khác quản lý. Nhưng tôi cho rằng thất bại của bóng đá có thể xuất phát từ nhiều phía. Có thể chúng ta đã giao cho HLV Riedl quá nhiều nhiệm vụ, cả ở vòng loại Olympic, Asian Cup rồi SEA Games. Nếu chỉ tập trung cho SEA Games - sân chơi vừa sức nhất của bóng đá Việt Nam - có lẽ thành tích của đội U23 sẽ không như bây giờ. Tôi cũng thấy đáng tiếc khi chúng ta lần đầu tiên phải thay HLV bóng đá ngay khi SEA Games còn tranh tài.
- Nếu làm bóng đá, ông sẽ có những phương án nào để nâng tầm bóng đá Việt Nam?
- Bóng đá là môn thể thao được quan tâm và hấp dẫn nhất thế giới, nên chúng ta phải tập trung đầu tư không chỉ cho mục tiêu khu vực mà còn hướng ra tầm châu lục và cả Olympic. Chúng ta cũng phải phát hiện, đào tạo được những nhân tài, loại bỏ những yếu tố "không sạch" khỏi bóng đá. Nhưng thành thật, làm bóng đá khó và phức tạp lắm. Tôi từng nói rằng nếu cho tôi làm chủ tịch VFF thì tôi cũng xin thua.
- Từ xưa đến nay, SEA Games vẫn được xem là sân chơi của thể thao vùng trũng. Là một nhà quản lý thể thao, theo ông cần phải làm gì để nâng tầm sân chơi này?
- Ai đó có suy nghĩ cần nâng tầm SEA Games là chưa chuẩn. Hội làng vẫn là hội làng. Đại hội này đã tồn tại được gần nửa thế kỷ với tiêu chí trao quyền cho các nước chủ nhà để phát triển thể thao nói chung cho chính quốc gia đó cũng như cả khu vực. Thể thao đâu chỉ mục tiêu giành huy chương, mà còn phải tạo điều kiện cho người dân tham gia chơi nữa chứ.
- Qua SEA Games lần này, thể thao Việt Nam rút ra những bài học gì thưa ông?
- Những môn thế mạnh, trọng điểm đều đã thi đấu thành công, nên có lẽ thất bại sẽ giúp chúng ta thấy rõ hơn đâu là khiếm khuyết, hạn chế của mình. Việc nhà vô địch cử tạ châu Á Hoàng Anh Tuấn chỉ đoạt HC bạc cũng là bài học tốt cho cậu ta. Từ Đại hội năm nay, chúng tôi đã phần nào nhận ra điểm mạnh của các đối thủ, cũng như điểm còn yếu của bản thân. Điều đó là hết sức cần thiết, để chọn hướng, tiến lùi, đúng chỗ, đúng lúc.
- Theo ông, triển vọng của thể thao Việt Nam ở Olympic Bắc Kinh năm tới sẽ như thế nào?
- Cùng lúc không thể thực hiện được nhiều mục tiêu. Trước mắt, chúng ta phải cố gắng vượt khỏi "vùng trũng" Đông Nam Á. Tiếp đến, chúng ta sẽ hướng đến ASIAD, xa hơn nữa mới là Olympic.
(Theo Vnexpress)