Thứ Ba, 16/04/2024Mới nhất
Zalo

Sau trận "Super Sunday": Đôi lời với K+

Thứ Hai 16/08/2010 22:04(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) – Kể từ cái ngày mà K+ tuyên bố độc quyền phát sóng những trận đấu giải ngoại hạng Anh vào chủ nhật, không những thế, còn cả La Lige và Serie A, người hâm mộ bóng đá Việt Nam lại có thêm một chủ đề tranh luận rất sôi nổi.

Mỗi người có một góc nhìn, một lí lẽ riêng, phần đa thì cho rằng đó là sự ích kỉ, cá nhân, vụ lợi, … nhưng cũng có những quan điểm cho rằng đó chẳng qua cũng chỉ vì mục đích kinh doanh chính đáng, và người ta có cả quyền và có cả lợi trong đó. Thật ra, trong một sự việc thì ranh giới giữa đúng và sai khó có thể phân định rạch ròi, đến bản thân tôi cũng khó có thể khẳng định, tuy nhiên, vẫn xin viết ra đôi dòng ý kiến, hi vọng sẽ có một số người nhận ra cái gì nên làm vì lợi ích chung của mọi người.

Ai cũng hiểu điều quyết định làm nên yếu tố thành công của một doanh nghiệp là uy tín và thương hiệu. Nhưng thật buồn là K+ lại chọn cách xây dựng thương hiệu giống như kiểu mà một vài nghệ sĩ trước đây đã từng làm, đó là tạo ra một scandal để đánh bóng thương hiệu. Nhưng than ôi, làm kinh tế đâu giống nghệ thuật, K+ đã xây dựng trong mắt người tiêu dùng một hình ảnh độc đoán, ích kỉ và có phần tham lam. Họ cậy vào việc mình có được sự độc quyền mà muốn làm gì thì làm, không chịu chia sẻ với ai, vậy thương hiệu K+ trong mắt nhiều người tiêu dùng hiện nay như thế nào chắc không khó để tìm ra câu trả lời. Uy tín chỉ tồn tại khi thương hiệu vững mạnh, nhưng ngay cả giữ được một hình ảnh đẹp hiện nay còn khó khăn nói gì đến chuyện tạo dựng uy tín với khách hàng. Vậy một doanh nghiệp uy tín thấp, thương hiệu không mạnh liệu có thể ăn nên làm ra? Đó là câu hỏi chẳng khó để trả lời.

Premier League là miếng bánh độc quyền mà K+ dùng để thu hút khách hàng

Tất nhiên nói đi cũng phải nói lại, nhiều ý kiến cho rằng do người Việt Nam quen dùng miễn phí, nên khi phải dùng truyền hình trả tiền thì khó chấp nhận, thậm chí còn nói thẳng rằng nên tự trách sao mình không giầu. Vậy cũng xin hỏi lại rằng vậy bao năm nay, chẳng nhẽ người Việt Nam chỉ xem mấy kênh truyền hình quảng bá hay sao, vậy những trung tâm truyền hình cáp, rồi đầu thu tín hiệu số, v.v… đều chết đói cả hay sao. Nói thẳng ra nếu truyền hình trả tiền ở Việt Nam không được chấp nhận thì chắc chắn một điều K+ cũng chẳng tự nhiên bỏ ra một đống tiền để mua về hai chữ độc quyền. Người Việt Nam hiện nay đâu còn ở cái thời ăn no mặc ấm nữa, giờ đây ai chẳng quan tâm đến ăn ngon mặc đẹp, mà khi đã thỏa mãn về vật chất rồi thì nhu cầu giải trí mới càng ngày càng tăng lên kéo theo các dịch vụ đi kèm. Vậy có phải nhiều người quay lưng với K+ chỉ vì chuyện trả tiền truyền hình? Có khó để trả lời không?

Xin nhắc lại một chút về thời trước, cái thời tem phiếu sổ gạo, vâng là thời bao cấp. Đó có phải là một hình thức độc quyền? Vậy dân ta sống trong thời kì ấy ra sao? Nếu các bạn hỏi cha mẹ, ông bà thì ai cũng có thể cho bạn câu trả lời. Nhưng lạ một điều K+ đang học theo cái cơ chế bao cấp ấy, cái gì chỉ mình tôi có thì muốn làm ra sao là việc của tôi, mua thì mua không mua thì thôi. Nhưng xin thưa cái thời ấy đã là lịch sử, chẳng nhẽ lại muốn đi ngược với bánh xe lịch sử hay sao, mà số phận những người muốn quay ngược bánh xe lịch sử thì ai cũng hiểu rõ.

Dân Việt Nam hiện nay còn nghèo, phải, vẫn nghèo, nhưng không nghèo đến mức không trả nổi tiền truyền hình, nhưng cậy độc quyền để đưa ra mức giá gấp mấy lần những nhà đài khác  thì dân ta không thể chấp nhận được. Riêng phần tôi, mỗi tháng tôi cũng có thể trả tiền cho K+ để được xem bóng đá, nhưng vì sao tôi không làm thế? Là vì trong khi ở những vùng sâu xa còn biết bao nhiêu người còn không có điện, không có tivi mà xem, vậy mà lại phí phạm bỏ tiền ra chỉ để xem bóng đá sao, như vậy tôi cảm thấy có lỗi với đồng bào, những người không có điều kiện như mình. Hơn nữa đâu phải mình tôi, vừa rồi một loạt những nghệ sĩ, những người nổi tiếng đã nêu lên quan điểm của họ, và rất mừng là tôi có cùng quan điểm với họ. Vậy K+ có hiểu vì sao mình bị chỉ trích không?

Xin nhắc lại một chút về vụ công ty Vedan Việt Nam làm ô nhiễm nguồn nước rồi không chịu đền bù thỏa đáng cho những nông dân phải chịu thiệt hại, phải đợi đến khi người tiêu dùng tẩy chay sản phẩn Vedan thì họ mới ngay lập tức phải chấp nhận bồi thường. Vậy K+ có cần phải đợi đến khi người tiêu dùng tẩy chay mới chịu thay đổi hay không?

  • Như Đạt

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X