(Bongda24h) - “Tuổi già sẽ chỉ đến khi bạn nói rằng tôi không còn cảm thấy trẻ trung nữa.” Câu nói của nhà văn nổi tiếng người Pháp, Jules Renard có thể được dành cho Roger Milla - một huyền thoại của bóng đá thế giới. Niềm tự hào của bóng đá Cameroon nói riêng và châu Phi nói chung. Một cầu thủ mỗi khi nhắc đến, người ta đều nghĩ ngay đến một con sư tử dũng mãnh, lao lên như bão táp và kết liễu đối phương thật lạnh lùng.
Cầu thủ xuất sắc nhất châu Phi năm 1976 |
Hành trình CLB
Hiện nay, Roger Milla vẫn đang là người giữ kỷ lục “cầu thủ lớn tuổi nhất tham dự một vòng chung kết cúp thế giới”. Cùng với thành tích đó là niềm vinh dự khi ông là nhân tố chính giúp cho Cameroon trở thành đội bóng châu Phi đầu tiên trong lịch sử lọt vào đến trận tứ kết World Cup. Đó là kỳ World Cup năm 1990 được tổ chức ở Italia. Khi đó, Đức lên ngôi vô địch và Milla đã 38 tuổi, nhưng ông vẫn ghi được tới 4 bàn thắng vào lưới đối phương. Một thành tích mà không phải cầu thủ nào ở độ tuổi đó cũng làm được. Không dừng lại ở đó, ông còn tiếp tục tham gia ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh sau đó 4 năm được tổ chức ở Mỹ.
Bố của Milla là một nhân viên xe lửa, đồng nghĩa với việc ông cùng gia đình phải chuyển nhà liên miên theo đòi hỏi công việc của bố. Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng đến khả năng chơi bóng của ông. Mỗi khi dừng chân ở đâu đó, ông lại cùng các bạn vui đùa với trái bóng. Cùng kỹ thuật điêu luyện và khả năng ghi bàn tuyệt vời của mình, ông được mọi người ưu ái đặt cho biệt danh là Pele. Một Pele của Cameroon, một Pele của châu Phi dũng mãnh. Sau này, khi đã trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp, bằng tài năng của mình Roger Milla đã cho mọi người thấy ông rất xứng đáng với cái biệt danh khi còn nhỏ. Năm 18 tuổi, ông chơi bóng cho CLB mạnh nhất Cameroon thời bấy giờ - Leopard de Douala. Sau khi cùng đội bóng này giành danh hiệu vô địch Cameroon vào năm 1972, ông chuyển đến chơi cho Tonnerre Club de Yaounde, và thành công lại tiếp tục đến với Roger Milla.
Thời điểm mà tên tuổi Roger Milla được biết đến rộng rãi, đó là vào năm 1976, khi ông cùng với Tonnerre Club de Yaounde đoạt cúp C2 châu Phi. Đó là thành tích với tập thể, còn cá nhân ông vinh dự được nhận danh hiệu “quả bóng vàng châu Phi” năm đó. Một năm sau, người Pháp đưa ông vượt Địa Trung Hải sang châu Âu đầu quân cho CLB Valenciennes. Nhưng những tháng ngày đầu tiên trên đất Pháp không thật sự hoàn hảo với Roger Milla. Chỉ ghi được 6 bàn trong tổng số 28 lần ra sân, ông không để lại nhiều ấn tượng với đội bóng này. Hai năm sau, Monaco là đội bóng dang tay đón ông về. Nhưng lại một lần nữa, thảm kịch xảy đến với Milla. Chấn thương liên miên đã khiến “chú sư tử bất khuất” không thể hiện được mình. Hai bàn thắng trong số 17 lần ra sân đã nói lên điều đó.
Huyền thoại của châu Phi luôn thể hiện một sức mạnh phi thường trên sân cỏ |
Tài năng của ông chỉ được chứng minh khi chia tay đội bóng của công quốc Monaco để đầu quân cho Bastia. 35 bàn thắng trong tổng số 113 lần ra sân phần nào lấy lại được hình ảnh vốn dĩ nhạt nhòa của ông trong lòng những người hâm mộ nơi quê nhà. Sau 4 năm thi đấu cho đội bóng này, Milla tiếp tục cuộc phiêu lưu của mình ở Saint-Etienne. Đó là vào năm 1984, khi ông có một sự lựa chọn mang lại cho mình quãng thời gian thành công nhất trong sự nghiệp thi đấu ở các CLB. Trong 2 năm ít ỏi ở đây, ông đã mang về cho đội bóng này 31 bàn thắng với 59 lần được ra sân. Cuộc đời của Milla tiếp tục trôi nổi ở các CLB của Pháp. Đó là vào năm 1986, ông chuyển đến chơi cho Montpellier. Ở đây, Roger Milla đã kịp ghi 37 bàn thắng trong tổng số 95 lần ra sân, trước khi làm cồng tác huấn luyện ở các CLB như JS Saint-Pierroise, Tonnerre Yaounde và cuối cùng là Pelita Jaya. Như vậy, kết thúc sự nghiệp trong màu áo các CLB của mình, Roger Milla đã có được “chút vốn” với 275 bàn thắng tất cả.
(Còn nữa)
Sơn Lâm (Theo Fifa)