Người ta mãi nói về Ronaldinho và vụ chuyển nhượng từ Barcelona sang AC Milan mà quên mất một điều rằng có không ít cầu thủ người Brazil khác đang âm thâm đến với miền đất hứa ở châu Âu, trong đó phải kể đến Renato Augusto, được ví như một “Kaka mới”.
Trở lại với “hàng Brazil”
Mùa Hè trước, với việc thanh lý những cầu thủ Brazil cuối cùng còn sót lại trong đội hình, gồm trung vệ Rouqe Junior và hậu vệ cánh trái Athirson, Leverkusen đã chấm dứt kỷ nguyên của các “Vũ công Samba” tại BayArena. Tuy nhiên, chỉ sau một năm vắng bóng những lính lê dương đến từ quốc gia Nam Mỹ có đội tuyển bóng đá mạnh nhất thế giới, Leverkusen đã nhận ra sự hụt hẫng. Suốt hơn 2 thập kỷ qua, kể từ ngày tiền đạo Tita đặt chân đến BayArena, cầu thủ Brazil là một phần không thể thiếu trong đội hình của đội bóng thuộc sở hữu của hãng dược phẩm Bayer. Ảnh hưởng của “Vũ công Samba” lớn đến mức mà trong đội hình thế kỷ của Leverkusen, được bầu ra vào ngày 21/5/2004, có đến 5 cầu thủ người Brazil, gồm hậu vệ Jorginho, Lucio, Juan và tiền vệ Ze Roberto, Emerson.
Kể từ mùa giải 1992-1993 cho đến 2006-2007, cầu thủ Brazil luôn góp mặt trong những bước thăng trầm của Leverkusen. 15 năm trước, một cái tên thường xuyên được nhắc đến là Paolo Sergio, một tiền đạo đồng thời có thể đá tốt tiền vệ cánh. Sergio từng là thành viên của đội tuyển Brazil vô địch thế giới năm 1994 tại Mỹ, đã khoác áo Leverkusen từ 1993 đến 1997. Sau 2 năm quá giang ở AS Roma, Sergio trở lại Bundesliga trong màu áo Bayern Munich, từ 1999 đến 2002. Tổng cộng, anh đã đá 196 trận và ghi được 68 bàn thắng ở giải VĐQG Đức cho cả Leverkusen lẫn Bayern.
Nhưng Sergio đã có phần thuộc về quá khứ. Những cái tên gần đây gợi nhớ về thành công của cầu thủ Brazil tại Leverkusen có Lucio, Emerson và Ze Roberto. Từ bệ phóng Leverkusen, Emerson đã đến với Roma với phí chuyển nhượng kỷ lục của đội bóng Đức, lên đến 20 triệu euro, sau đó bước tiếp sang Juventus, Real Madrid và AC Milan – những đội bóng danh giá bậc nhất châu Âu. Cũng từ Leverkusen, Lucio và Ze Roberto có chỗ đứng vững chắc tại Bayern, giành được không ít thành công trong phạm vi nước Đức.
“Kaka mới”
Sinh sau đẻ muộn so với các bậc đàn anh, song Renato được đánh giá là một trong những tài năng rất triển vọng của bóng đá Brazil. Phẩm chất của anh được phát lộ một phần qua giải vô địch U20 thế giới tổ chức ở Canada vào năm 2007, nơi mà đồng đội Pato đã tỏa sáng để giờ đây đang giữ một suất đá chính ở AC Milan. Tại Flamengo, Renato là một cầu thủ rất đa năng và được so sánh với Kaka, người vừa giành cú đúp với Quả bóng Vàng châu Âu của tạp chí France Football và Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới của FIFA năm 2007. Ngoài sở trường đá tiền vệ tấn công, chiếm lĩnh khu vực trung tâm, khi cần thì có thể dạt ra hai cánh.
Để có được chữ ký của Renato, Leverkusen phải bỏ ra khoản tiền 10 triệu euro. Cũng như nhiều cầu thủ Nam Mỹ khác, Flamengo không phải đơn vị duy nhất sở hữu Renato. Trên thực tế, đội bóng Brazil chỉ có quyền sở hữu 60% giá trị của Renato, 40% còn lại thuộc về hai tập đoàn Traffic và MFD. Giành được Renato là một chiến thắng quan trọng của Leverkusen nói riêng và bóng đá Đức nói chung, khi mà hàng loạt đội bóng lớn ở châu Âu đều ráo riết săn lùng tài năng trẻ này.
Một kỷ nguyên vinh quang với cầu thủ Brazil tưởng chừng đã khép lại với Leverkusen, nhưng ngay lập tức nó lại mở ra, với bản hợp đồng mua “Vũ công Samba” đắt giá thứ hai trong lịch sử, chỉ kém vụ Ze Roberto, cũng đến từ Flamengo năm 1998.
Người Brazil thứ 16 ở Leverkusen
Trong lịch sử, đã có 15 cầu thủ Brazil gia nhập Leverkusen, từ người đầu tiên là tiền đạo Tita, đến từ Vasco da Gama năm 1987, đến người gần nhất (không kể Renato) là hậu vệ Athirson, đến từ Cruzeiro năm 2005. Tổng số tiền mà đội bóng Đức đã chi ra để mua 15 “vũ công Samba” này là 53 triệu euro. Sau một thời gian khai thác, họ bán lại được tổng cộng 68 triệu, lãi đúng 15 triệu, tương đương mỗi cầu thủ mang lại khoản lợi nhuận 1 triệu euro. Xét về khía cạnh thương mại, đó không phải là con số thành công. Emerson, mua từ Gremio với giá 5,5 triệu euro vào năm 1997, sau đó bán lại cho Roma vào năm 2000 với giá 20 triệu euro, là bản hợp đồng thành công đáng kể, nhưng rất hiếm hoi.
Trái ngược với trường hợp của Emerson là vụ chuyển nhượng tiền đạo Franca. Chân sút này được Leverkusen mua từ Sao Paulo với giá 9 triệu euro vào mùa Hè năm 2002. Ba năm sau, đội bóng Đức cắn răng đẩy anh sang Nhật Bản, gia nhập Kashiwa Reysol với giá chỉ vẻn vẹn 900.000 euro, tức lỗ hơn 8 triệu euro. Điều đó cho thấy, không phải món hàng Brazil nào cũng mang lại hiệu quả kinh tế nếu không biết chọn lựa kỹ càng giữa một rừng cầu thủ đến từ xứ sở Samba.
Tuy nhiên, đóng góp của các cầu thủ Brazil trên phương diện thể thao thì lớn hơn rất nhiêu và không thể tính bằng những con số cụ thể. Nhờ có Lucio và Ze Roberto mà Leverkusen đã có mặt ở chung kết Champions League năm 2002, thua Real Madrid, trong mùa giải mà họ luôn về nhì ở mọi mặt trận. Trước đó nữa, Tita là người đã mở đường cho những thành công của cầu thủ Brazil tại Leverkusen, góp phần quan trọng vào danh hiệu vô địch Cúp UEFA năm 1988.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)