Thực ra thì Vượng đã xin về Hà Tĩnh, chứ không phải là HLV Nguyễn Văn Sỹ hay ông bầu ở đó phải ngược xuôi Hà Nội để săn được chữ ký cho cầu thủ này.
5 năm không chơi bóng, không tập luyện và một chấn thương nghiêm trọng tới mức các bác sĩ ở Việt Nam (Viện 108) khi phẫu thuật cho cầu thủ này xong còn phải nghi ngờ, không hiểu là Vượng có thể đi lại bình thường hay không, chứ đừng nói là đá được bóng.
Ca phẫu thuật ở Singapore với những phương pháp của một nền y học phát triển hơn, đã xua đi những bi quan về chấn thương ở cổ chân của Vượng. Vượng ở mùa 2009 đã ra sân 1 lần, đá 45 phút khi Thể Công thảm bại ở Quân khu 4, rồi chấn thương lại nghiêm trọng hơn và phải tiếp tục phẫu thuật. Nhưng từ đó người ta bắt đầu hoài nghi về một khía cạnh khác: lối sống, sinh hoạt và hầu như không tập luyện suốt hơn nửa năm vừa qua của Vượng.
Dù không còn phong độ và thể lực như ngày xưa nhưng Quốc Vượng vẫn có sức hút nhất định. |
Ngày Thể Công bị đem bán cho Thanh Hóa, Vượng chỉ xuất hiện ở sân tập Thanh Hóa đúng vài phút, để cáo chấn thương không tập và từ đấy Lam Sơn Thanh Hóa không hay biết gì về Vượng nữa. Vượng ở Hà Nội và làm gì cả giới bóng đá không hề hay biết, ngoài một sự khẳng định của số đông là cứ đà này thì tiền vệ từng khoác áo U23 VN này sẽ không sút nổi quả bóng đi 50m.
Thế nên, giới cầu thủ Việt Nam ai cũng sốc khi đọc tin Vượng được trả 5 tỉ đồng tiền lót tay, dù họ đoán chắc, sự khéo ăn khéo nói với các sếp ở Viettel có thể giúp cầu thủ này không phải tốn tới 1 tỉ đồng để thanh lý hợp đồng như một số trường hợp khác.
Một cầu thủ đã xin về Hà Tĩnh để được tập luyện và ăn lương 15 triệu/tháng, hòng cứu vãn cả cuộc đời (chứ không chỉ sự nghiệp), để dứt ra khỏi những “bóng ma” hay tệ nạn ám ảnh, có lẽ sẽ không thể đắt hơn bao nhiêu so với những cầu thủ như Thành Dũng (cựu đội trưởng Thanh Hóa), hậu vệ có chút tiềm năng Hà Đức (cũng Thanh Hóa) có giá chỉ vài trăm triệu đồng như Hà Tĩnh đã trả mới đây.
Nhưng như đã nói ở trên, tiếng tăm của Quốc Vượng vẫn có giá. Kể cả tai tiếng, bởi như giới showbiz, scandal cũng có thể làm cho các “ngôi sao” giải trí được nhiều đối tượng săn lùng tin, ảnh, clip trên Internet hơn.
Một cái giá ngất ngưởng, đủ để tạo nên kỷ lục này, kỷ lục kia cũng sẽ tạo ra nhiều ép-phê cho một thương vụ quảng cáo với một đội bóng có thể nói là cách nay chừng 1 tháng vẫn còn vô danh như Xi măng Hà Tĩnh.
Cũng xin nói thêm là đội bóng này từng muốn mua lại suất chơi của Thanh Hóa ở giải hạng Nhất nhưng bất thành vì họ trả quá thấp, 5 tỉ đồng, so với 15 tỉ mà phía bán yêu cầu không bớt 1 xu.
Nếu thực sự là Vượng không phải có giá 5 tỉ đồng mà chỉ vài trăm triệu, thì đó là một sự thiệt thòi của cá nhân cầu thủ này, vì nói nôm na là “có tiếng mà không có miếng”. Nhưng sự “hy sinh” ấy suy cho cùng cũng đổi lại cho Vượng một cơ hội được chơi bóng trở lại và có một khoản tiền mà với anh và cả gia đình anh là rất có ý nghĩa.
Hy vọng là trong câu chuyện này, Vượng sẽ trở lại chơi bóng một cách bình thường như trong anh có một phép màu, và cũng mong là người Hà Tĩnh sẽ có một đội bóng thực thụ chứ không phải là ai đó chỉ tranh thủ làm thương hiệu chốc lát bằng những cái tin tiền tỉ xong rồi thôi.
(Theo Thể thao & Văn hóa)