Tháng 3/2007, Huy Hoàng tuyên bố chia tay với đội tuyển. Lời chia tay ấy không chính thức mà chỉ là thông qua một người bạn làm phóng viên thể thao. Lúc ấy, nhiều người cảm thấy “sốc” vì biết chắc đội tuyển Việt Nam rất cần những cầu thủ như Huy Hoàng.
Bây giờ, một lần nữa Huy Hoàng nói lời chia tay sau khi đã cống hiến hết mình ở một sân chơi tầm châu lục…
Vẫn là một lời chia tay chưa chính thức vì anh cũng chỉ mới tuyên bố với báo chí nhưng thực sự đây là một thời điểm tốt cho chính Huy Hoàng và cho cả SLNA.
Một thủ lĩnh, một chiến binh
Thực tế thì Huy Hoàng cũng đã có những danh hiệu cá nhân riêng: Đó là danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất U18 năm 1999 và Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm 2001. Dù vậy, đó cũng là những danh hiệu dễ làm người ta phai nhòa.
So với thế hệ đàn anh, Huy Hoàng là một người đặc biệt, đặc biệt ở chỗ sự nổi tiếng và tai tiếng cứ song hành với nhau tạo ra một Huy Hoàng ẩn chứa quá nhiều điều chưa biết.
Tai tiếng ấy có từ những thất bại cay đắng của U23 Việt Nam tại SEA Games 21, Huy Hoàng đã bị đặt trong sự nghi ngờ. Rồi việc Huy Hoàng đã “ký thay” cho vài đồng đội trong lá đơn xin giảm án cho Như Thành sau vụ việc ở JVC Cup 2003, việc Huy Hoàng làm đơn vận động thay HLV ở SLNA, cú chạm tay ở ASIAD 15, rồi gần nhất chính là những lá đơn nặc danh tố cáo Huy Hoàng “bán độ” cho HPHN ở trận đấu tại V-League...
Những sự kiện liên tiếp ấy đã khiến không ít người vừa nhìn Huy Hoàng với con mắt nể phục về chuyên môn vừa có cái gì đó e dè.
Lần đầu Huy Hoàng xin giã từ đội tuyển với lý do chấn thương ở bàn chân anh chỉ cho phép Huy Hoàng phải chọn, hoặc đội tuyển, hoặc SLNA. Huy Hoàng đã chọn SLNA như một cách để trả ơn. Khi ấy đã có dư luận cho rằng không chỉ cái chân Hoàng đau mà cái đầu Huy Hoàng không còn muốn cống hiến cho đội tuyển nữa đã khiến anh đưa ra quyết định trên.
Nhưng ở ASIAN Cup 2007, dư luận ấy đã được trả lời. Cái chân Hoàng vẫn đau và ngày càng đau thêm nhưng cái đầu Huy Hoàng thì vẫn đầy lửa thi đấu, chiến đấu như một chiến binh.
Sống cho cái tình
Nhiều anh em cầu thủ ở SLNA không ngần ngại nói rằng, sở dĩ Huy Hoàng được đồng đội nể phục không chỉ là chuyên môn mà chính là cái tình Huy Hoàng dành cho các cầu thủ đàn em. Ở SLNA, các cầu thủ vẫn cho rằng Hoàng là mẫu cầu thủ biết sống.
Điều ấy lý giải tại sao Huy Hoàng luôn từ chối những lời mời hấp dẫn, mức lương cao ngất để vẫn tiếp tục bám trụ SLNA, lý giải tại sao Huy Hoàng làm đơn xin giảm án cho Như Thành, là người dám bỏ qua dị nghị để tiếp cận Văn Quyến, giúp đỡ người nhà Quốc Vượng khi cầu thủ này lâm nạn...
Biết rằng với cái tình ấy, tai tiếng sẽ đến nhưng Huy Hoàng là thế, sống biết điều, có tình và xứng đáng là một thủ lĩnh kiểu “đàn anh”.
Bóng đá mang lại cho Huy Hoàng nhiều nhưng lấy đi của anh cũng nhiều. Năm 2002, Hoàng cùng đội tuyển đá ASIAD 14, ở nhà bố bị bệnh mất. Hình ảnh cầu thủ này ngay sau khi xuống sân bay đã vội vã thuê taxi phóng về Vinh rồi nhao ra mộ cha xin tạ lỗi rõ ràng là một hình ảnh rất cảm động.
Năm 1999, sau SEA Games 20, Công Minh giã từ đội tuyển để rồi năm đó đoạt danh hiệu Quả bóng Vàng. Đó cũng là năm mà danh hiệu Quả bóng Vàng được quyết định bằng cái tình nhiều hơn yếu tố chuyên môn và đã có người nhận định rằng nếu Công Minh không có quyết định giã từ đội tuyển thì chưa chắc đã đoạt Quả bóng Vàng.
Bây giờ là Huy Hoàng, giã từ ở tuổi 26, tuổi chín nhất của sự nghiệp cầu thủ. Để đưa ra quyết định ấy, hẳn Huy Hoàng đã cân nhắc rất kỹ càng và đã đến lúc cần phải tôn trọng quyết định ấy sau những gì Huy Hoàng đóng góp.
Chỉ có điều, liệu Huy Hoàng có còn được nhớ đến trong cuộc bầu chọn danh hiệu Quả bóng Vàng năm 2007? Vẫn còn nhiều sự kiện và thời gian cho việc bầu chọn nhưng ở xét ở mọi góc độ, Huy Hoàng là một trong số ít những người đáng được tôn vinh ở mùa bóng năm nay.
(Theo Tiền Phong)