Thủ môn Dương Hồng Sơn giá 1.7 tỷ, Hữu Thắng lập kỉ lục với cái giá chuyển nhượng 3 tỷ (1.5 tỷ trả cho CLB chủ quản Bình Dương và 1.5 tỷ lót tay Hữu Thắng), thậm chí một cầu thủ chưa thực sự lên đỉnh như Cao Xuân Thắng cũng được lót tay 1.3 tỷ …
Dù vậy tất cả vẫn còn thua xa con số 1 triệu USD mà SLNA thách giá Công Vinh. Giá cầu thủ đang tăng một cách phi mã. Đây có lẽ là một điều tất yếu khi hàng nội chất lượng quá khan hiếm, trong khi lại có không ít đại gia sẵn sàng bạo chi. Bỏ qua vấn đề giá cầu thủ ảo đã được báo giới nhắc quá nhiều trong thời gian qua. Ở đây người viết muốn nói đến khía cạnh khác trong những thương vụ bạc tỷ kia. Đó là TIỀN LÓT TAY cho cầu thủ.
Trong bóng đá (kể cả trên thế giới) tiền lót tay cầu thủ khi kí hợp đồng là một điều hoàn toàn hợp lệ. Tuy nhiên cần biết là trên thế giới khoản tiền lót tay cầu thủ thường thấp hơn phí chuyển nhượng và luôn luôn thấp hơn tổng số thu nhập từ lương mà cầu thủ đó nhận được rất nhiều. Ví dụ như Ballack khi đến Chelsea anh được lót tay từ khoảng 5-7 triệu USD, số tiền lót tay này chỉ bằng 1/3-1/4 khoản lương mà tiền vệ người Đức này sẽ nhận được trong 1 năm ở The Blues (khoảng 121 nghìn Bảng/tuần tương đương 20.5 triệu USD/năm). Qua đó để thấy, với bóng đá quốc tế khoản lót tay này không mang nhiều ý nghĩa (khi so sánh với thu nhập).
Trên thế giới, khoản tiền lót tay mà một cầu thủ siêu sao như Ballack nhận được là không đáng kế |
Còn hoàn toàn ngược lại, ở Việt Nam khoản lót tay này lại cao gấp nhiều lần khoản lương mà cầu thủ có thể nhận được. Một CLB tuyên bố sẵn sàng lót tay Công Vinh 5 tỷ cùng mức lương trên 30 triệu/tháng. Có nghĩa là khi hoàn thành bản HĐ 5 năm với CLB tiền đạo này cũng sẽ chỉ nhận được khoảng 1.8 tỷ - chưa bằng 1/3 số tiền lót tay kia. Đây rõ ràng là một nghịch lí hết sức nguy hiểm. Số tiền lót tay khổng lồ vượt xa mức thu nhập này xét về bản chất nó không khác nhiều so với một khoản đưa hối lộ (mà mục đích ở đây là để kéo cầu thủ về phía mình). Nó ít nhiều khiến cầu thủ nhấp nhổm, khó toàn tâm toàn ý với CLB chủ quản, thậm chí gây áp lực để ra đi (vì lương thấp hơn quá nhiều so với khoản lót tay). Ngoài ra, việc chỉ kí hợp đồng đã có ngay một khoản tiền kếch xù vượt xa nỗ lực của nhiều năm còn lại, rất có thể làm cho cầu thủ tự mãn, không còn nhiều động lực thi đấu.
Điều này về lâu dài, không chỉ ảnh hưởng đến tính ổn định của các CLB (rộng ra là của nền bóng đá), mà khi tự nhiên dúi vào tay cầu thủ một cục tiền khổng lồ trong bối cảnh mặt bằng văn hóa của cầu thủ không cao thì ai dám chắc khoản tiền đó không làm hư họ?
Vì thế thay vì muốn ăn sổi, để tiền chảy vào túi cầu thủ một cách quá đáng (phải lót tay thật nhiều để lôi kéo được cầu thủ), nên chăng để nó chảy vào các CLB sở hữu? Hãy để bóng đá nuôi bóng đá. Nhất là trong thời điểm hiện nay chưa 1 CLB nào của VN có thể tự nuôi được chính mình. Điều gì sẽ xảy ra khi bầu sữa tài chính từ những công ty đỡ đầu cạn kiệt. Ôi chao, sợ chẳng dám nghĩ đến quả bong bóng đó!
Bài dự thi: Nếu bạn là chuyên gia
Vũ Thiều Linh, lớp Kế Toán – ĐH Lao đông-Thương binh-Xã Hội