Hiếm có một người nào đào tạo được nhiều tài năng bóng đá cho nước nhà như ông. Nhưng nghiệt ngã của bóng đá đã đưa ông vào vòng lao lý. Mãi đến sau Tết Mậu Tý năm nay ông mới có thời gian ngồi ngẫm lại những vui buồn cùng trái bóng tròn.
Đội Sông Lam Nghệ An khi có đủ các bộ Huy chương, từ ở chiếu dưới leo lên hàng anh chị trong làng bóng đá nước ta. Cũng lúc đó những người làm bóng đá của tỉnh bắt đầu tranh công, xem thường nhau.
Người nào cũng cho mình có công lớn đem bóng đá tỉnh nhà lên tới đỉnh vinh quang. Cũng trong thời gian này nước ta bắt đầu thực hiện bóng đá chuyên nghiệp, đội có nhà tài trợ.
Ông Vinh khi bị bắt tạm giam tại TP.HCM
Cũng vì thu nhập, cán bộ đua nhau có chân làm ở đội. Chính vì thế càng ngày nội bộ càng xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Nhưng mâu thuẫn gay gắt nhất giữa lãnh đạo Sở thể dục thể thao với lãnh đạo CLB và một số người trong ban huấn luyện đội Sông Lam Nghệ An là không chịu nhau, không khâm phục nhau.
Mỗi bên đều tranh thủ lôi kéo người ủng hộ mình, càng đông càng tốt. Vô hình trung, trong cơ quan Sở thể dục thể thao và CLB bóng đá Sông Lam Nghệ An hình thành 2 phe, ngấm ngầm chống nhau. Trong đó ban huấn luyện cũng chia thành 2 phe.
Mâu thuẫn lên cao là mùa bóng năm 2004 đội Sông Lam Nghệ An nhiều trận thi đấu không bình thường. Ban huấn luyện họp chiến thuật một đường ra sân cầu thủ đá một nẻo. Thậm chí có trận HLV trưởng hô tấn công thì cầu thủ lại kéo về phòng thủ.
Đỉnh điểm là trận bán kết Cúp quốc gia trên sân Vinh giữa đội Thể Công và Sông Lam Nghệ An như giọt nước tràn ly.
Trong trận này Sông Lam Nghệ An ban huấn luyện có quyết tâm rất cao, mục tiêu phải thắng để vào chung kết. Việc thắng Thể Công trong tầm tay, bởi về ý chí Thể công đang chán nản vì vừa mới rớt hạng, chuyên môn thì thua kém hẳn đội chủ nhà.
Nhưng ra sân quân không đá như thầy chỉ đạo, các tuyến rệu rã, để Thể Công chơi áp đảo toàn sân. Một điều tồi tệ xảy ra, vào phút cuối hiệp 2 thủ môn Hồng Sơn cố tình đá Nhật Thanh trong vòng cấm để nhận thẻ đỏ, chịu quả phạt đền.
Bị Thể Công hạ 1-0, trong lòng ông Vinh buồn tê tái, khán giả tẩy chay Sông Lam Nghệ An ra mặt. Ông không ngờ học trò lại phản mình. Sau trận đó Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo phải kiểm điểm. Nhân cơ hội này, Sở thể dục thể thao "làm một cuộc cách mạng", gọi là làm trong sạch nội bộ.
Ông Vinh xin nghỉ chờ hưu. Nhưng máu bóng đá trong ông vẫn đang sôi sục nên đã chấp nhận lời mời vào dẫn dắt đội Ngân hàng Đông Á, cũng vừa mới xuống hạng. Ngày 16/8/2004, ông rời thành phố Vinh bay vào TP.HCM.
Dưới sự dẫn dắt của ông mùa bóng năm 2005 đội Ngân hàng Đông Á thi đấu đạt thành tích cao. Trận cuối cùng vào ngày mồng 6/8/2005 thắng Cần Thơ, Ngân hàng Đông Á được thăng hạng, trở lại làng bóng đá chuyên nghiệp. Mấy ngày sau đó cả CLB vui như hội, ông Vinh ngây ngất trong men say chiến thắng. Trong lúc đó trọng tài Phạm Công Đức xin tiền, ông cho 40 triệu đồng, trích từ tiền thưởng cá nhân. Niềm vui chưa được bao nhiêu thì ngày 10/11/2005 ông rời Trung tâm thể dục thể thao Đạt Đức vào trại tạm giam vì tối hối lộ trọng tài. Khi vào trong trại giam rồi ngồi suy ngẫm lại một chuỗi thông tin các trọng tài ăn chia số tiền mình cho mới vỡ ra, họ lợi dụng lòng tốt để đưa ông vào bẫy. Khi các ông Nguyễn Hồng Thanh và Nguyễn Thành Vinh rời khỏi CLB bóng đá Sông Lam Nghệ An thì trong nội bộ có đơn kiện là năm 2001, CLB đưa tiền đi mua chức vô địch. Lại một lần nữa Cục 14, Bộ Công an vào cuộc. Trong đơn nêu rõ Hữu Thắng lúc đó HLV phó kiêm đội trưởng Sông Lam Nghệ An được lãnh đạo giao đưa tiền vào hối lộ đội Cảng Sài Gòn để đá thắng Nam Định trên sân Thống Nhất. Thế là ông Vinh mắc thêm tội thứ 2. Nhưng ngồi trong tù, ông vẫn đinh ninh một ngày nào đó mình sẽ được minh oan vì không có tội. Ông tâm sự: "13 tháng ngồi trong trại giam T16 của Bộ Công an, cơm không thể nuốt được, nhưng may họ cho mua bằng sổ lưu ký nên trong những ngày ngồi tù tôi chuyên ăn mì tôm, chỉ một thời gian ngắn mà đã sụt mất gần 8 kg. Hôm cậu con trai trưởng vào trại xin phép bố cho được cưới vợ, tôi dằn lòng mãi mới cầm được nước mắt. Tôi bảo với con: "bố đồng ý nhưng đừng làm rầm rộ quá người ta cười cho, cũng không nên ủi xùi để bên nhà gái họ trách nhà mình". Con tôi rất ngoan về tổ chức đúng như bố dặn dò". Ngày 21/12/2006, ông được tại ngoại. Ông không ngờ khi rời khỏi cửa nhà tù người hâm mộ vẫn quý mến mình như xưa. Tình cảm của họ vẫn chảy bóng như những lần đội Sông Lam nghệ An đoạt chức vô địch. Ngày 31/1/2008 ông cùng Hữu Thắng có quyết định của Viện kiểm sát tối cao đình chỉ điều tra. Đã lâu lắm rồi ông mới được hưởng cái Tết trọn vẹn niềm vui như Tết Mậu Tý năm nay. Bởi 10 năm làm cầu thủ, hơn 25 làm HLV chưa một lần ông cùng gia đình ăn Tết trọn vẹn. Khi mọi người đi sắm tết thì đội chuẩn bị cho trận đấu cuối năm, có mùa giải đá xong đội về đến nhà đã 30 Tết. Trong lúc mọi người đang vui với Xuân thì thầy trò đã ra sân tập luyện. Bởi vậy, Tết nào ông cũng phó thác cho vợ về quê ở Hưng Long, Hưng Nguyên thắp hương nhà thờ họ, ông bà tổ tiên. Gần 40 năm lăn lộn cùng bóng đá chưa một lần đi sắm Tết cho vợ con. Gặp chúng tôi sau Tết Mậu Tý không kìm được lòng mình ông thốt lên: "Vợ tôi hy sinh cho bóng đá nhiều quá. Từ ngày được tại ngoại đến giờ tôi mới có thời gian bù đắp lại cho vợ. Anh biết không có lần giỗ mẹ, chiều hôm đó đội thi đấu trên sân Vinh thế là tôi về thắp hương lạy mẹ, chào bà con rồi vội vàng vào đội ăn cơm cùng anh em. Mình vắng mặt không ăn anh em dị nghị, ảnh hưởng tâm lý cầu thủ ngay tức khắc". Hiếm có người như ông đã đào tạo ra được nhiều cầu thủ tài hoa cho đất nước. Tiêu biểu như : Hữu Thắng, Văn Sĩ Hùng, Phan Thanh Tuấn, Phi Hùng. Lớp cầu thủ hiện nay đang đá có: Công Vinh, Văn Quyến, Công Minh, Huy Hoàng, Minh Đức, Quang Cường ... Người hâm mộ tiếc tài năng của ông, tuổi mới hơn 60, còn cống hiến được nhiều cho bóng đá nước nhà. Một số CLB mới đây đã mời ông về, nhiều người đề nghị ông nhanh chóng trở lại với bóng đá. Ông nói: "Bóng đá nó đã thấm vào máu thịt của tôi. Nhưng làm bóng đá luôn chịu áp lực, những ngày không làm bóng đá tôi cảm thấy thoải mái vô cùng. Hiện nay tôi nghỉ ngơi một thời gian cho hồi phục sức khỏe, sẽ trở lại với bóng đá khi thuận lợi". Người hâm mộ cảm phục ông lúc vinh quang đến tột đỉnh, cũng như lúc cuộc đời rơi vào tình cảnh bi đát nhất, rất ít nói về mình, không nói xấu đồng nghiệp, trung thực, giúp người hết mình. Thậm chí có học trò nhờ ông chuyên tâm dạy dỗ, mà đạt tới đỉnh vinh quang, tiền bạc nhiều, không bao lâu quay lại phản thầy. Ông không hề chê bai học trò hư, mà tự trách mình: dạy chưa đến nơi đến chốn. Nhiều lần đội thi đấu không thành công, cấp trên ý định thay, ông không xin xỏ, cầu cạnh. Điển hình như giải vô địch quốc gia năm 1997 đội thi đấu thua 6 trận liên tiếp, chỉ hòa một trận với Hải Quan. Khi về đến Vinh, Giám đốc Sở thể dục thể thao Nguyễn Hoàng Thụ trao cho một bức thư người hâm mộ mà chẳng nói một câu. Trong thư người hâm mộ đề nghị... thay ông ngay lập tức. Ông biết ý định cấp trên muốn thay mình nhưng không phân bua, chỉ bấm bụng làm cho tốt. Quả thực 9 trận sau đó đội thắng liên tục, xếp thứ nhì giải. Mười ba tháng ngồi tù nay vô tội, ông chỉ nói "đó là nạn nghề nghiệp, nghề nào mà không có tai nạn". Đó là nạn nghề nghiệp, nghề nào mà không có tai nạn.
Cơ quan điều tra làm việc căng thẳng vô cùng. Ông giám đốc bệnh viện Bắc Ninh vào đây một hôm mà tóc bạc trắng cả đầu. Ông Trần Minh giám đốc xăng dầu hàng không, định tự tử mấy lần anh em khuyên không nổi.
(Theo VTC)