Ở Champions League, AS Roma là đại diện Serie A tiến được xa nhất: vào đến tứ kết và thua M.U trong cả 2 lượt đi - về. Giống như Roma, Inter và AC Milan cũng đều thua các đối thủ Anh ở Champions League. Serie A còn một đại diện nữa ở Champions League là Lazio, đứng chót bảng ở giai đoạn 1. Kể cả Squadra Azzurri phải dừng bước ở vòng tứ kết EURO 2008, bóng đá Italia coi như thất bại nặng nề trên đấu trường châu lục.
Đấy là thất bại của lối chơi, con người hay thời vận? Rất khó nói. Trước khi trắng tay ở VCK EURO 2008, Luca Toni vẫn là một trong những chân sút đáng sợ nhất trên sân cỏ châu Âu. Anh có một mùa bóng sáng ngời ở Bundesliga dưới màu áo Bayern Munich. Buffon vẫn là thủ môn số 1 thế giới. Và đấy không phải là những cầu thủ hiếm hoi của Italia tỏ rõ đẳng cấp cao. Về thời vận, Italia lọt vào giai đoạn knock-out ở VCK EURO vừa qua dù phải gặp Pháp, Hà Lan và Romania trong “bảng tử thần”. Nhưng Italia lại không qua nổi TBN ở vòng đấu tiếp theo. Điều quan trọng nhất khiến đội tuyển Italia và các đại diện Serie A thất bại trên sân cỏ châu Âu có lẽ là lối chơi. Nhưng chỗ này, chúng ta lại khó thống nhất: bóng đá Italia thất bại có phải vì lối chơi phòng ngự - phản công?
Khi Celtic vượt qua vòng bảng Champions League, hành trình xuất sắc của họ được mở ra bằng trận thắng AC Milan 2-1 và Celtic thắng trận ấy bằng con đường phòng ngự - phản công. Cũng với lối chơi ấy, Rangers giữ vững khung thành trong suốt 210 phút của 2 trận bán kết trước Fiorentina, rồi lấy vé dự trận chung kết UEFA Cup nhờ chiến thắng trên chấm luân lưu 11m. Có nghĩa, các đối thủ đàn em đã dùng chính sở trường phòng ngự - phản công của bóng đá Italia để thắng các đại diện Italia trên đấu trường châu lục. Khi Italia bị TBN qua mặt ở vòng tứ kết EURO thì thật ra, trận đấu cân tài cân sức chỉ được giải quyết bằng màn luân lưu 11m, với cả đôi bên đều trình diễn nghệ thuật phòng ngự - phản công ở mức độ hoàn hảo. Nhưng với lối chơi phòng ngự - phản công, Italia đã không thể thắng Romania và thua đậm Hà Lan ở vòng bảng. Azzurri thậm chí đã phải từ bỏ sở trường, chuyển sang lối đá cánh, chuyền dài lạ lẫm hòng thắng Romania, nhưng cũng chỉ hòa (thậm chí suýt thua).
Tóm lại là gì, khi bóng đá Italia không thể thắng bằng con đường phòng ngự - phản công, trong khi đối thủ lại thắng họ bằng chính con đường ấy? Và vấn đề đặt ra trước mùa bóng mới: phòng ngự - phản công có còn là kim chỉ nam của bóng đá Italia trước mùa bóng 08/09?
Lối chơi phụ thuộc vào yếu tố con người. Mà yếu tố con người trong bóng đá Italia thì không có những biến động lớn những năm gần đây. Do vậy, có lẽ người Italia vẫn phải bám chặt vào lối chơi phòng ngự - phản công sở trường. Mặt khác, đấy cũng là quan điểm của giới hâm mộ Italia trong vấn đề thưởng thức, khó mà thay đổi trong một sớm một chiều. Điều mấu chốt là: vì sao các đội bóng Italia (cả ĐTQG lẫn các CLB) thất bại với lối chơi phòng ngự - phản công, trong khi đối thủ của họ lại thắng lại bằng lối chơi ấy? Đấy là vì các “giáo sư phòng ngự” Italia không còn xuất sắc trong sở trường như trước nữa. Các “đường gươm phản công” của Italia cũng không còn sắc bén như thường thấy. Đấy không phải là thất bại của lối chơi, mà là thất bại ở khâu thực hiện. Khi Milan gặp Arsenal ở vòng 1/8 Champions League, họ mất bóng trên phần sân nhà khoảng 20 lần trong cả 2 lượt đi - về. Giới chuyên môn bình luận: nếu là các đội mạnh khác thay vì Arsenal, Milan có thể đã phải thua đến 10 bàn chứ không chỉ là 2 bàn. Còn với Azzurri, Luca Toni có đến 12 cơ hội dứt điểm trên sân cỏ EURO, nhưng không ghi được bàn nào. Người ta lại phán: cơ hội phản công mà nhiều như thế, các tiền đạo khác đã có thể ghi đến nửa tá bàn thắng.
Tất nhiên, Toni chơi bóng ở Đức khi trở lại đấu trường CLB. Nhưng vấn đề thì vẫn thế: mùa này, các đại diện Calcio vẫn sẽ phải chơi phòng ngự - phản công là chính. Và xem ra, đấy là bất lợi cho bóng đá Italia, vì phòng ngự - phản công không phải là "mốt" đáng theo trong bóng đá đỉnh cao hiện nay. Lối chơi tấn công, thiên về kỹ thuật, đã thắng lớn tại EURO 2008. Và sau một giải lớn như EURO, lối chơi đem lại chiến thắng khi nào cũng được các CLB áp dụng đại trà. Calcio đang đứng trước nguy cơ lạc hậu về lối chơi, dù suy cho cùng thì lối chơi không có lỗi.
(Theo Báo Bóng Đá)