Tiếng nói lịch sử
Những năm đầu thế kỷ 19, bóng đá được hiểu đơn giản là cách để người ta tìm kiếm những bàn thắng. Chẳng thế mà không ít đội bóng từng chơi với chiến thuật có tới 6, 7, thậm chí là 8 tiền đạo. Công việc của những cầu thủ phòng ngự chỉ là đưa bóng về phía khung thành đối phương nhanh nhất có thể, và nhiệm vụ ghi bàn sẽ là của những cầu thủ còn lại, bằng một cách nào đó để đưa bóng vào lưới.
Nhưng kể từ khi xuất hiện cái gọi là “đội hình chiến thuật” một cách đúng nghĩa, chiến thuật đầu tiên được ghi nhận là 2-3-5 với 5 tiền đạo. Theo thời gian, các chiến thuật hình WM và MW cũng được áp dụng và từng có thời gian rất thịnh hành. Sự thay đổi rõ ràng nhất được ghi nhận là việc chuyển giao từ lối chơi tấn công sang phòng ngự tại World Cup 1974, khi Hà Lan (tấn công tổng lực) để thua trước Đức (phòng ngự với libero) tại trận chung kết.
Những đội như Chelsea đã nâng phòng ngự lên tầm nghệ thuật
Cũng kể từ đó, phòng ngự mới bắt đầu đóng vai trò quan trọng trong lối chơi của các đội bóng. Những chiến thuật khác tôn vinh hàng phòng ngự cũng xuất hiện như 3-6-1, 4-6-0 hay 4-5-1, chiến thuật thịnh hành nhất ở thời điểm hiện tại.
Có rất nhiều... Chelsea khác!
Thất bại của Chelsea trước Barcelona tại Champions League được ghi nhận là thất bại giữa bóng đá phòng ngự và bóng đá tấn công. Đó là dựa vào kết quả. Thực tế, cái để người ta nghĩ nhiều nhất, tiếc nuối nhiều nhất chính là lối chơi phòng ngự của Chelsea. Đó có lẽ cũng là lúc mà nhiều người cảm nhận hết được vẻ đẹp riêng của phòng ngự, vẻ đẹp trong cách bày binh bố trận, vẻ đẹp trong sự đồng nhất của một tập thể.
Sở dĩ phòng ngự đang trở nên thịnh hành hơn, bởi bóng đá phòng ngự có những ưu điểm riêng giúp nó tồn tại bền vững. Nếu trong lối chơi tấn công, đội bóng cần phải tìm được độ hưng phấn thì trong lối chơi phòng ngự, việc tuân thủ những yêu cầu chiến thuật đã nắm tới hơn 50% cơ hội chiến thắng. Đó có lẽ chính là câu trả lời thích hợp nhất cho sự lên ngôi của bóng đá phòng ngự thời gian qua, nhất là khi giá cầu thủ tấn công luôn đắt hơn các cầu thủ phòng ngự, khi áp lực chiến thắng (hoặc không để thua) trong các trận đấu ngày một khủng khiếp.
Sẽ là sai lầm nếu coi trận chung kết Champions League năm nay giữa Man Utd và Barcelona là một trận chung kết giữa hai đội bóng chơi tấn công. Thực tế cho thấy, thành công của Man Utd những mùa qua được xây dựng dựa trên nền tảng phòng ngự. Ferguson từng thành công trong mùa 07/08 với sơ đồ không tiền đạo (4-6-0) hay như ở mùa này, Man Utd đã lập kỷ lục 1.311 phút không để thủng lưới tại Premiership. Chính những điều đó cùng với thành công của Chelsea trong việc chế ngự lối chơi tấn công của Barcelona là một bài học tuyệt vời cho chiến lược gia lắm mưu nhiều mẹo Ferguson. Không đâu xa, Man Utd sẽ là một... Chelsea trong trận chung kết Champions League sắp tới.
Bernd Schuster (Cựu HLV Real Madrid): “Đây là thời điểm của bóng đá phòng ngự và Barcelona có lẽ chỉ là một ngoại lệ lý thú. Những chiến thuật phòng ngự ngày càng đa dạng hơn, hoàn hảo hơn và việc ghi bàn cũng vì thế trở nên khó khăn hơn nhiều so với cách đây một đến hai thập niên”.
Giovanni Trapattoni (ĐTQG CH Ireland): “Việc ghi bàn đang ngày một khó hơn bởi những cầu thủ phòng ngự giỏi đang áp đảo những cầu thủ tấn công xuất sắc”.
Ottmar Hitzfeld (ĐTQG Thụy Sỹ): “Người ta nói nhiều đến bóng đá tấn công, nhưng phòng ngự mới là điều quan trọng nhất để hướng tới chiến thắng. Tôi rất ấn tượng với những thành công của Man Utd, đội bóng có lối chơi biến hóa nhưng luôn giữ được sự chắc chắn trong phòng ngự”.
Jose Mourinho (HLV Inter Milan): “Tại sao bóng đá phòng ngự trở nên thịnh hành? Bởi không để thủng lưới là một nửa của chiến thắng, bởi phòng ngự luôn dễ hơn tấn công và bởi sự phân hóa trong bóng đá ngày càng trở nên rõ ràng. Một đội bóng yếu khi chơi trước đội bóng mạnh hơn họ nhiều lần thì giải pháp duy nhất là phòng ngự và tìm cơ hội phản công”.
(Theo báo Bóng Đá)