(Bongda24h) - Tiền chỉ mua được du thuyền, chứ chưa chắc đã mua được thành công. Đó là bài học với rất nhiều trọc phú làm bóng đá. Song có một thực tế trong bóng đá hiện đại, nếu không có tiền thì rất khó để tồn tại. Thế nhưng ở sân Upton Park lại đang diễn ra một điều thần kì, không tiền, thậm chí phải bán tống bán tháo đi những ngôi sao nhưng West Ham vẫn đang lừng lững tiến lên như một cỗ máy chiến thắng...
Bài viết tham dự cuộc thi: "Nếu bạn là chuyên gia"
Vũ Thiều Linh, lớp Kế Toán – ĐH Lao đông-Thương binh-Xã Hội
Khác với nhiều CLB thường lên như diều khi được chuyển giao vào tay những ông chủ nước ngoài, thì West Ham lại bước vào mùa giải 2008/2009 với muôn vàn khốn khó. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã mang đến cho Gudmundsson – chủ sở hữu The Hammers quá nhiều trái đắng. Tháng 10/2008, ngân hàng Landsbanki, một trong những ngân hàng lớn nhất Iceland (nơi Gudmundsson chiếm tới 41% cổ phần) đã chính thức phá sản, và buộc phải chuyển giao lại cho Ủy ban kiểm soát tài chính Iceland điều hành. Không những thế, ở thời điểm hiện tại công ty Hansa – một công ty khác của nhà Gudmundsson ở quê nhà cũng đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Nếu không thanh toán được khoản nợ quá hạn lên tới 50 triệu Bảng trước hạn chót ngày 6/3, công ty Hansa sẽ bị phát mãi. Chính tình hình tài chính cực kì bi đát của chủ sở hữu khiến West Ham phải gánh chịu rất nhiều khó khăn.
Đã có thời điểm các cầu thủ West Ham thi đấu với những chiếc áo không có tên nhà tài trợ |
Chẳng những không được tăng cường lực lượng một cách xứng đáng (trong mùa hè chỉ có 2 cái tên thực sự sáng giá hạ cánh xuống Upton Park là Di Michele và Behrami), West Ham còn phải tiễn đưa hàng loạt tên tuổi lớn của mình (cắt hợp đồng với Ljungberg, để Anton Ferdinand, Zamora, Solano, Lee Bowyer… ra đi) nhằm giảm quĩ lương, cũng như để kiếm tiền trang trải nợ nần. Không những thế, họa vô đơn chí, West Ham còn gặp rất nhiều rắc rối bên ngoài sân bóng. Đầu tiên là việc hãng Quần áo thể thao XL chấm dứt HĐ tài trợ trước thời hạn với đội bóng (phải đến đầu tháng 12 vừa qua, đội bóng thành London mới tìm được đối tác thay thế là hãng cá cược Sbobet của Philippines), kế đó là khoản bồi thường có thể lên tới 50 triệu bảng mà tòa án xử cho Sheffield Utd thắng kiện xung quanh những rắc rối liên quan đến vụ chuyển nhượng Carlos Tevez.
Bởi thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi trong kì chuyện nhượng mùa Đông, West Ham vẫn đang phải thực hành chính sách thắt lưng buộc bụng. HLV Zola đã phải chấp nhận mất đi 3 con bài rất quan trọng trong hệ thống của mình là tiền vệ Mullins, cầu thủ chạy cánh Etherington và tiền đạo chủ lực Bellamy. Đổi lại đội chủ sân Upton Park mới chỉ có sự bổ sung duy nhất là chân sút Savio Nsereko. Tuy được nhìn nhận là một tài năng triển vọng, nhưng dù sao đây cũng mới chỉ là một cầu thủ mới 18 tuổi và chưa hề có kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao (trước đó đá cho Brescia ở Serie B). Vì thế rõ ràng rất khó để chờ đợi quá nhiều vào tiền đạo người Đức này ngay ở mùa giải đầu tiên anh trình làng. Nhiều người đã ví West Ham như một ngọn đèn leo lắt trước gió, chẳng biết sẽ tắt khi nào. Tuy nhiên, khó khăn là vậy,…
Nhưng West Ham vẫn thành công….
Chiến thắng thuyết phục 2-0 trước Hull City đã là trận đấu thứ 7 bất bại liên tiếp của West Ham trên tất cả các mặt trận (2 ở Cup FA), càng ấn tượng hơn khi trong 7 trận đấu đó, thày trò HLV Zola còn đã có tới 6 chiến thắng. Nếu tính riêng ở giải Ngoại Hạng, West Ham đã 5 trận liền chỉ biết đến thắng và thắng. Một thành tích quá ấn tượng đỗi ấn tượng với một đội bóng phải “chạy ăn từng bữa” như The Hammers (nên nhớ rằng những gã nhà giàu như Man City, Tottenham… đều đang ngậm ngùi đứng dưới West Ham trên BXH. Tất nhiên, thành công không phải tự nhiên mà có. Ở đây không thể không nhắc đến vai trò của Gianfranco Zola.
Zola có thể coi là vị cứu tinh của The Hammers |
Khi HLV lão làng Alan Curbishley chán nản “rời tàu” và Zola được bổ nhiệm thay thế, đã có rất nhiều dấu hỏi xung quanh sự lựa chọn này của BLĐ West Ham. Thứ nhất, Zola chưa hề có kinh nghiệm huấn luyện (đây mới là lần đầu tiên trong sự nghiệp cựu tiền đạo người Italia này đảm nhiệm trọng trách HLV trưởng). Thứ hai, West Ham vẫn nổi tiếng là một đội bóng tôn thờ những giá trị truyền thống. Đội chủ sân Upton Park sở hữu một lò đào tạo bậc nhất nước Anh, và luôn tạo ra những ngôi sao cho riêng mình. Mùa giải 1964-1965, West Ham đăng quang tại Cup UEFA bằng một đội ngũ thuần Anh, mà thậm chí không chỉ là những người đàn ông Anh quốc chính hiệu, hầu hết họ còn là nguồn gốc London (CLB West Ham ở London). Đáng nói hơn, trong 113 năm tồn tại của CLB này chưa bao giờ một HLV ngoại nào chen chân được vào băng ghế huấn luyện của West Ham (Lou Maccari là chiến lược gia không phải người Anh duy nhất từng dẫn dắt West Ham, nhưng ông này lại là một người Scotland – tức là vẫn thuộc Vương quốc Anh).
Phân tích thế để thấy, trọng trách và sức ép đối với Zola tại Upton Park là rất lớn. Dường như 7 năm gắn bó trong màu áo Chelsea đã giúp HLV 42 tuổi này hiểu rõ giải Ngoại hạng đến chân tơ kẽ tóc. Dưới thời mình, Zola đã xây dựng cho West Ham một lối đá nhỏ, kỹ thuật mang tính đồng đội cao (đây vẫn được xem khắc tinh với các đội bóng Anh), nhưng lại không hề rườm rà, mà mang dáng dấp hiện đại. Chính nhờ lối chơi này mà hàng công của The Hammers trở nên đặc biệt đáng sợ, trong 7 trận vừa qua, trận nào West Ham cũng khai hỏa ít nhất 2 bàn/trận. Ngoài ra, Zola còn đã làm thức tỉnh tiềm năng của rất nhiều học trò. Điển hình như Carlton Cole, chân sút đã có lúc bị coi là hết thời ở tuổi 25 này lại đang có những ngày tháng chói sáng nhất trong sự nghiệp (đã ghi tới 6 bàn/7 trận mà anh ra sân gần đây).
Ở Upton Park, người ta đang thấy có điều kỳ diệu |
Có thể nhà Gudmundsson vẫn chìm trong những rắc rối tài chính, có thể những ngôi sao sẽ tiếp tục rời bỏ West Ham, tuy nhiên với sự hiện diện của Gianfranco Zola những người yêu mến The Hammers vẫn hoàn toàn có thể tin tưởng phép màu vẫn sẽ ở lại Upton Park.