Ở tuổi 22, Phan Thanh Bình đã cho người ta cái cảm giác anh là... lão tướng. Hơn nửa thập kỷ qua, anh xuất hiện liên tục trong các màu áo tuyển và nếm trải đủ mọi vinh quang cũng như cay đắng.
Khi rất nhiều đồng nghiệp cùng với Thanh Bình tham dự SEA Games 22 đã bước sang bên kia sự nghiệp thì anh vẫn đang ở tuổi U và vẫn còn một kỳ SEA Games nữa đang chờ đợi. Ai cũng bảo trong thế hệ của Bình năm đó, giờ chỉ còn mỗi Bình là "hên" nhất.
Thì đấy, Quốc Vượng, Văn Quyến, Văn Trương đang thụ án treo giò, Phúc Lâm, Đức Tuấn "mất dạng" cùng HN.ACB, Minh Phương, Tài Em, Hữu Thắng khốn khổ vì chấn thương, Thế Anh mâu thuẫn với ông Calisto mà chia tay đội tuyển... Chỉ có Bình vẫn đều đặn "cày" cho CLB, cho ĐTQG và cho cả ĐT Olympic nữa.
Chính sự xuất hiện liên tục và bền bỉ của Bình đã mang lại cho người hâm mộ cảm giác anh là lão tướng. "Lão" từ gương mặt khắc khổ, "lão" từ cái nhìn chín chắn, điềm đạm của người đã trưởng thành, "lão" đến cả cách chơi bóng ngày càng "khôn", ngày càng nhàn... Họ dường như quên mất Bình năm nay mới 22 tuổi, và anh tham dự giải đấu lớn đầu tiên khi chưa đầy 16.
SEA Games 2003 là giải đấu mà HLV Riedl tìm thấy một cậu học trò có khả năng "giải hạn" cho mình. Chính ông Riedl cũng nhiều lần thừa nhận Bình không phải là một cầu thủ quá xuất chúng, nhưng vào rất nhiều thời điểm khó khăn của ông thầy người Áo, Bình lại như từ dưới đất chui lên ghi những dấu ấn để đời.
SEA Games 2003, khi Malaysia san bằng tỷ số 3-3 trong cơn mưa tầm tã ở Mỹ Đình, Riedl và các cộng sự gần như chết sững. Cả một ván bài tưởng như đã cầm chắc phần thắng đứng trước nguy cơ xoá sổ. Thế mà ở đúng những giây cuối cùng, cái đầu của Bình "củi" lại bật cao hơn tất cả, gật bóng vào đúng góc không thể cản phá của thủ thành Syamsuri. Bàn thắng vàng năm ấy không chỉ đưa Việt Nam vào CK mà còn cứu cho ông Riedl khỏi một kết cục bi ai.
Trước SEA Games 2005, Bình lại có một trận đấu thăng hoa trước U-20 Nhật Bản tại Agribank Cup. Anh chơi như lên đồng, lập cú đúp, trong đó bàn thắng thứ 2 là một quả lốp bóng tinh tế, đầy cảm giác. Riedl hoan hỉ, còn trợ lý Lê Thuỵ Hải vung tay tựa như kiểu Lưu Bị thốt lên thời Tam quốc: "Bình củi mà đá được quả này khác gì Trương Phi cũng biết dùng mưu, ta không phải lo gì nữa".
Có lẽ chính nhờ những ký ức rất đẹp đó mà Bình luôn có một suất trong mọi ý tưởng của Riedl...
Lệ thường, sống lâu thì lên lão làng. Nhưng Bình không thế. Dù anh đã khoác chiếc áo tuyển Việt Nam nhiều hơn bất kỳ ai ở ĐT Olympic hiện nay, dù anh đã chơi nhiều trận chẳng thua kém ai ở ĐTQG hiện nay, nhưng tiếng nói của Bình trong tập thể thực ra vẫn không mang nhiều trọng lượng.
Từ trước đến giờ, trong tâm thế của tất cả các HLV, kể cả Riedl, hầu như ai cũng đều coi Bình là sự lựa chọn tất yếu, nhưng là số 2, trong các sơ đồ chiến thuật. Nếu chỉ đá 1 mũi nhọn thì vị trí đó sẽ được ưu tiên cho Văn Quyến ngày xưa hoặc Công Vinh hôm nay chứ không phải là Bình. Điều ấy cũng có nhiều nguyên do của nó. Về chuyên môn, Bình thuộc mẫu cầu thủ khoẻ, nhiệt, nhưng "cứng". Anh chỉ phù hợp với những pha bóng "tắc - bụp", nghĩa là chớp thời cơ để làm bàn chứ không mạnh trong khâu xoay trở hay tự tạo ra cơ hội. Chính vì thế mà anh rất khó "đứng" được một mình.
Còn nếu xét ở khía cạnh ngoài chuyên môn thì lại càng khó cho Bình. Cách sống của Bình giản dị và khép kín, đúng như tính khí của những người nông dân hiền lành, chất phác vùng Tháp Mười. Anh hầu như không giao du, rất hạn chế chơi bời, ít tiêu tiền và cũng ngại cả nói chuyện. Anh em cầu thủ đều bảo Bình "chắc", và không có nhiều người thân thiện với Bình.
Đã có thời trong đội tuyển râm ran bàn tán về mâu thuẫn của Bình với Công Vinh. Ai cũng muốn là số 1. Ai cũng muốn ghi bàn. Và không ai chịu hy sinh cho ai cả. Rốt cuộc là cả Bình và Vinh đều chơi dưới sức.
Nhưng trong cuộc ganh đua này, Bình là người thua thiệt hơn. Anh đã mang tiếng được ông Riedl ưu ái, lại thêm quả sút penalty hỏng trong trận gặp Thái Lan ở AFF Cup 2006-2007 nữa, bỗng trở thành tâm điểm của búa rìu dư luận. Hồi đó, thua Thái Lan trên sân nhà là điều tủi hổ, và mọi chê trách hầu như dồn hết cho Bình.
"Thần tài" trở về CLB trong nỗi tủi cực. Nhưng anh không phải mẫu người buông xuôi, sự nghiệp của anh còn rất dài. Ở tuổi Bình năm 2007, nhiều cầu thủ khác mới chỉ bắt đầu... Bình hiểu, và anh làm lại.
Tình cảnh khó khăn của Bình vẫn tiếp diễn dưới thời ông Calisto. Từ khi ông Tô lên làm HLV trưởng ĐTQG, Bình chỉ được trọng dụng ít phút rồi mất hút. Anh thậm chí còn không được tin dùng bằng Quang Hải, Ngọc Thanh và Việt Thắng, và sau đó được... chuyển giao cho ĐT U-22 của ông Mai Đức Chung.
Về danh nghĩa thì bị hạ cấp, nhưng về thực chất thì Bình lại lên hương. Về đội U-22, Bình dĩ nhiên được tin dùng, được giao trọng trách thủ lĩnh hàng công. Anh được phân nhiều vai khác nhau chứ không đơn thuần chỉ là "ngồi không ăn sẵn" như cách hiểu của nhiều người trước kia. Bình đá cắm hay đá lùi, tự mình ghi bàn hay làm nhiệm vụ kiến thiết, tự nhiên mọi chuyện với anh đều suôn sẻ.
"Đối với một cầu thủ, dù đã chơi bóng nhiều năm, cũng không thể nói là tâm lý không quan trọng. Nếu được tin tưởng tuyệt đối và lại được đặt vào một tập thể đầy quyết tâm, chắc chắn phong độ sẽ tốt" - Bình "tổng kết" thực tiễn qua gần chục năm kinh nghiệm, cũng là cách lý giải về sự khởi sắc của anh, từ vị thế của "kẻ bị vứt đi" trở thành người hùng Merdeka Cup.
Năm 2009, ĐT U-22 của Bình sẽ lớn thêm một tuổi, và sẽ dự SEA Games 25. Đó sẽ là SEA Games thứ 4 của Bình, cơ hội cuối cùng để anh có được một tấm huy chương vàng cho sự nghiệp tuổi U.
Năm 2009 cũng là năm đầu tiên của Bình với HA.GL. Bản hợp đồng đưa Bình lên phố núi không "hầm hố" cỡ tiền tỉ hoành tráng như Công Vinh, Hữu Thắng hay Tiến Thành, nhưng với Bình, thế cũng đã là cả một sự đổi đời. Lương tháng của Bình sẽ gần gấp đôi ở Đồng Tháp. Môi trường có cạnh tranh hơn, nhưng cũng nhiều tham vọng, nhiều mục tiêu để phấn đấu hơn. Từ đây, Bình hy vọng sẽ rũ bỏ được nỗi lo trụ hạng thường niên...
(Theo Thể Thao Văn Hóa)