Khi đội tuyển tập trung, hay nói đúng hơn là khi Lương được lên tuyển, lúc ấy niềm hạnh phúc chơi bóng, tập luyện mới đến. Cả một mùa giải ở HNACB, không chỉ Lương mà những cầu thủ muốn chơi bóng một cách tử tế, muốn lấy chiến thắng làm động lực nghề nghiệp đều cảm thấy thật khó.
Nhưng nhiều khi, sự chờ đợi đến ngày đội tuyển tập trung kéo dài cả mùa quá đủ để làm con người ta héo khô và cùn đi, nhất là khi bóng đá là cuộc chơi vận động liên tục. Đứng lại cũng đồng nghĩa với tụt hậu. Thực tế, mùa này, cầu thủ nổi bật nhất ở giải hạng Nhất không phải là Lương, mà là Đinh Thanh Trung của HPHN, dù Lương là 1 trong 3 tuyển thủ chơi ở giải đấu này (cùng Max và Mykola). Đúng là môi trường có thể thúc đẩy một cầu thủ tiềm năng và môi trường cũng có thể đưa một tài năng trở lại vạch xuất phát.
Ngày Thành Lương đặt bút tái ký hợp đồng với HNACB, người ta bảo, ở lại để giúp gây dựng lại đội bóng, để biến mỗi trận đấu thành một niềm vui. Câu nói ấy cộng với sự ràng buộc bằng một điều khoản khá kỳ quặc trong hợp đồng là bắt buộc phải ký thêm 2 năm sau khi 23 tuổi (dù hợp đồng ấy hết hạn từ tháng 4-2009, thời điểm Lương mới 21 tuổi) đã khiến Lương ký một bản hợp đồng mới có thời hạn 3 năm (từ 2009-2011).
Thành Lương (phải) được chọn là thủ quân của U23 nhờ là tuyển thủ ĐTVN chứ không phải vì thành tích ở CLB |
HNACB sẽ thay đổi hay vẫn thế là câu hỏi và cũng là thách thức. Nhưng tới khi nó giống với một đội bóng chuyên nghiệp, thay vì còn xộc xệch hơn cả đội bóng phủi hiện nay thì tất cả những cầu thủ đang đầu quân ở đó đều treo giày. HNACB ở mùa này như một cái chợ, nơi người ta nói đến chuyện “mua bán” nhiều hơn là chuyện tập tành và chiến thuật. Cái tình, sợi dây gắn kết các cá nhân cầu thủ ở đó, mùa này cũng “nhão” ra sau khi những cầu thủ lớn tuổi nhất và có tư chất nhất đã treo giày sau sự kiện rớt hạng.
Thực tế ấy chỉ ra một điều, ngay cả Thành Lương chứ không chỉ ông chủ đội bóng, tin rằng một cá nhân có thể cứu được cả một tập thể chính là sai lầm. Bởi, con tàu đang chìm tất sẽ kéo theo mọi cá thể trên đó chìm theo.
Sự tất yếu đó dẫn tới một điều tất yếu khác: Thành Lương cần phải ra đi và càng sớm càng tốt. Tạo điều kiện cho một cầu thủ có đam mê chơi bóng và thèm muốn một thứ bóng đá tử tế được ra đi có lẽ mới chính là một nghĩa cử.
Tự giải cứu
Nhưng nguyện vọng ra đi ấy từng rất nhiều lần được đề đạt và cũng đã bị gạt đi. Thế nên, có lẽ Thành Lương phải tự giải cứu, dù đó là một việc rất khó đối với một cầu thủ vẫn còn rất trẻ và hầu như từ trước tới nay chỉ biết mỗi việc tìm cách né tránh những đòn triệt hạ của các hậu vệ.
Bản hợp đồng tái ký hồi đầu mùa 2009 với HNACB cho phép Thành Lương được ra đi nếu anh chồng đủ 3 tỉ đồng để mua lấy sự tự do của mình.
Bản hợp đồng cũ (trước khi tái ký) cũng có những điều khoản tương tự. Thậm chí, cái giá để giải phóng khỏi HNACB lúc đó còn rẻ hơn rất nhiều, chỉ là 2 tháng lương đền bù và một khoảng thời gian thông báo là đủ. Rất nhiều CLB đã muốn tận dụng điều khoản ấy, VFF cũng đã từng trả lời cho một số CLB là vụ chuyển nhượng ấy nếu có là hợp lệ. Cản trở là đã không có ai dám kéo Thành Lương ra khỏi tay HNACB.
Nhưng như đã nói, vấn đề ở đây không hẳn là tiền (dù cái giá 3 tỉ so với 30 triệu là một trời một vực). Cốt lõi của nó là tương lai và số phận của một cầu thủ, hoặc là ra đi hoặc là sẽ mai một.
Có lẽ, đã đến lúc rất cần một sự dũng cảm và quyết đoán!
(Theo Thể Thao Văn Hóa)