(Bongda24h) - Vậy là MU đã một lần nữa khuất phục Roma ở Old Trafford, bằng một đội hình thiếu vắng 5 trụ cột, MU đã vượt qua đối thủ bằng tỉ số tối thiểu 1-0. Không biết đây là lần thứ bao nhiêu trong mùa giải MU thắng 1-0 nhưng có một điều chắc chắn rằng MU đã đi vào lịch sử với tư cách đội đầu tiên có 11 chiến thắng liên tiếp trên sân nhà ở Champions League.
Bài dự thi “Nếu bạn là chuyên gia“
Nguyễn Văn Đỉnh (Đại học Xây dựng Hà Nội)
Những người theo dõi trận đấu ở Old Trafford trong trận tiếp Roma vừa qua sẽ nhận ra MU với lối chơi rất khác so với những gì mà họ đã thể hiện trong suốt những năm qua, MU sẵn sàng bố trí một đội hình thấp, chơi lùi sâu để đảm bảo sự chắc chắn cho khung thành của Van der Sar để rồi ghi một bàn thắng theo kiểu chộp giật để kết liễu đối thủ. MU chỉ cần thắng 1-0 là đủ
Sự thay đổi về tư duy chiến thuật
Có một cái gì đó rất giống giữa cách MU hạ Roma trong cả hai lượt trận với cách Qủy Đỏ đè bẹp Liverpool ở vòng 31 Ngoại hạng Anh! Cũng là hàng tiền vệ 5 người với 3 tiền vệ đánh chặn ở giữa sân và một tiền đạo cắm chơi cắm duy nhất phía trên, vẫn là một lối chơi kín kẽ hầu như không có đường vào khung thành, vẫn là những cá nhân sẵn sàng chớp thời cơ, chộp giật, tỏa sáng và ghi bàn, vẫn là một bàn thắng trừng phạt sai lầm của hàng thủ đối phương. Chiến thắng của Manchester trước Roma là chiến thắng của bản lĩnh, sự lì lợm, thậm chí thực dụng nữa. Bố trí một đội hình chặt chẽ để không phải hứng chịu bàn thua, phản công sắc bén để có bàn thắng và bàn thắng dẫn trước lại tạo điều kiện cho họ chơi theo cách của mình. Trong 90 phút, MU bỗng biến thành một đội bóng Ý với sản phẩm catenaccio đã đi vào sách vở.
MU chiến thắng vì chơi hợp lí hơn Những người theo dõi cả hai trận đấu của MU với Roma có thể nói rằng MU đã chơi không thuyết phục, đã không đá với một thế trận đôi công, đã không dám dồn lên tấn công ồ ạt giống như cách họ vùi dập Aston Villa ở giải ngoại hạng. Đúng, MU đã chơi thực dụng và không phải đây là lần đầu tiên trong mùa giải MU chơi theo cách như thế để dành ưu thế cho mình. MU đã chơi thấp để hủy diệt Liverpool 3-0 ở Old Trafford, đã ru ngủ để cầm hòa Lyon 1-1 ở Gerland, đã cài bẫy để hạ chính Roma 1-0 ở vòng bảng… và MU sẽ tiếp tục chơi như thế trong những trận sắp tới. Những người không yêu MU và không dõi theo hành trình của MU trong nhiều năm sẽ rất khó chấp nhận cách chơi đó. Có phải MU không đủ lực để chơi tấn công? Hoàn toàn không phải như thế bởi MU đang là đội bóng sở hữu hàng công thuộc hàng khủng nhất châu Âu. Để trả lời câu hỏi này, phải đặt mình vào vị trí của Sir Alex Ferguson.
HLV Ferguson đã biết “chuyển thể cái đẹp” sang một dạng khác
Năm ngoái, ở Old Trafford, MU đã chơi tấn công hoa mỹ để nã 3 bàn vào lưới Milan nhưng cũng lọt lưới 2 bàn để rồi sau đó thua tan tác ở San Siro trong một đêm mưa tầm tã. 22 năm gắn bó cùng Qủy đỏ, Fergie đã trải qua bao nhiêu là vinh quang nhưng cũng không thiếu những đắng cay. Ngoài chức vô địch ở Nou Camp cách đây 9 năm, sir vẫn chưa một lần nở nụ cười chiến thắng ở châu Âu. Thành tích đó hoàn toàn không tương xứng với tầm vóc một kẻ thống trị giải quốc nội với 9 chức vô địch sau hơn 10 năm như MU. MU đã gục ngã trước vinh quang ở Leverkusen năm 2002, đã tủi nhục ở Porto năm 2004, đã cay đắng rời cuộc chơi ở San Siro năm 2005 và 2007, đã thua nhục nhã ở Lisbon năm 2006… Tất cả những thất bại ấy có một điểm chung, MU đã quá thiên về tấn công để rồi hứng chịu đòn hồi mã thương của đối thủ. Và do đó, không thể nói MU năm nay chơi tiêu cực được, một cách chính xác, họ đang chơi một cách hợp lí hơn nhưng hiệu quả hơn!
Samuel Eto'o nói "Barca cần phải chơi thực dụng hơn để chiến thắng", và thực tế, Barca đã chơi tử thủ để vượt qua Schalke với 2 thắng lợi 1-0. Van Persie cũng phải lên tiếng "Arsenal chơi đẹp mắt để làm gì nếu không chiến thắng". Hai con người, hai câu lạc bộ, hai giải đấu cùng lên tiếng về một vấn đề và thực tế đang diễn ra là minh chứng hùng hồn cho phát biểu của họ. Arsenal và Barcelona là hai đội có lối chơi đẹp nhất châu Âu hiện nay nhưng họ đang ở đâu trong bảng xếp hạng ở giải VĐQG. Ở Premiership, Arsenal đang đứng thứ ba với khoảng cách 6 điểm với MU trong khi Barcelona còn tệ hơn khi kém Real tới 9 điểm ở La Liga. Eto'o (trái) cũng muốn Barca cần chơi thực dụng hơn
Nếu để tới tiến trình của bóng đá thế giới những năm gần đây, chúng ta thấy thực dụng chính là xu hướng không chỉ của riêng ai. Hy Lạp đăng quang ở EURO 2004 bằng món catenaccio của người Ý trong giải đấu chứng kiến sự thăng hoa của lối chơi tấn công. Italia tái khẳng định sức mạnh của catenaccio bằng chức vô địch World Cup 2006. Inter của Mancini, Real của Capello, Chelsky của Mourinho… Ngay cả một Brazil luôn chơi hoa mỹ cũng bắt đầu biết phòng ngự chặt chẽ dưới thời Carlos Dunga. Còn rất nhiều, rất nhiều ví dụ sống động minh họa cho một vấn đề: Bóng đá thực dụng đang lên ngôi! Vậy phải chăng, bóng đá đẹp đang chết?
Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy chú ý tới tiến trình lịch sử của bóng đá thế giới. Bóng đá ra đời ở Anh và được truyền bá vào Brazil đầu tiên, nơi đường phố biến thành những sân bóng và nghệ sĩ là những đứa trẻ lang thang. Bóng đá trở thành một môn nghệ thuật thu hút người xem, cho tới khi trường phái catenaccio ra đời vào thập niên 60 ở Italy. Trong giai đoạn đó, lịch sử nghệ thuật thế giới đặt ra câu hỏi "Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh?" và câu trả lời chiếm đa số là "Nghệ thuật vị nhân sinh?". Sự ra đời của catenaccio giúp người ta nhận ra bóng đá là một môn thể thao, và do đó bóng đá phải giống một môn thể thao nhiều hơn là một môn nghệ thuật. Người ta thấy “nghệ sĩ Samba” Denilson lạc lõng ở Betis và được ví như con mèo chỉ biết vờn cục len cho tới khi thất bại và phải trở về Brazil năm 2000, người ta thấy Veron thất bại như thế nào trong nỗ lực latin hóa, Nam Mỹ hóa Premiership… trong khi đó, những “vũ công Samba” Ronaldo, Kaka, Ronaldinho… đạt được những thành công vượt bậc ở châu Âu. Điều đó cho thấy nghệ sĩ sẽ chỉ là một nghệ sĩ thuần túy và xơ cứng (pur et dur) nếu không biết cách kết hợp chất nghệ sĩ với tính hiệu quả trong lối chơi.
Tóm lại, theo ý kiến chủ quan của người viết bài này thì bóng đá đẹp không hẳn đã chết mà nó chỉ chuyển thể sang những hình thái khác đa dạng hơn. Ở một góc độ nào đó, những gì MU thể hiện vẫn nên được coi là biểu hiện của lối chơi đẹp được hình thành từ sự tổng hòa giữa chất Anglo-Saxon truyền thống, chất Nam Mỹ và latin Nam Âu. Một người hoài cổ có thể vẫn mơ về một Brazil của Worldcup 1970 hay một Hà Lan của Johan Cruyff nhưng những thứ bóng đá ấy sẽ không bao giờ được tái hiện, đó là hệ quả của quá trình toàn cầu hóa gắn liền với thương mại hóa bóng đá, nơi mà giá trị của những chiến thắng luôn được cân đong đo đếm bằng tiền.
Đến “bậc thầy về hoa mỹ” cũng đang đi theo lối hiệu quả hơn |
Có một điều mà ai cũng dễ dàng nhận thấy, đó là nếu không có khán giả thì không có bóng đá. Sự phát triển mạnh mẽ của truyền hình và công nghệ truyền thông đưa bóng đá tới mọi nơi, mọi ngõ ngách, mọi quốc gia trên khắp thế giới, đồng thời thu lại là những hợp đồng thương mại béo bở. Khán giả là người bỏ tiền ra để "mua" bóng đá thì luôn yêu cầu đội bóng mà mình yêu thích phải chiến thắng nhưng lại luôn hoài niệm vì những giá trị đẹp của bóng đá đã mất đi. Hoàn toàn mâu thuẫn! Do đó, những người yêu bóng đá đẹp cần phải hòa mình vào dòng chảy của bóng đá hiện đại, phải nhìn nhận cái đẹp của bóng đá dưới một góc độ rộng mở hơn, nơi mà những sự chặt chẽ trong phòng ngự hay sự khoa học về đấu pháp cũng phải được coi là một phần của vẻ đẹp bóng đá! Bóng đá đẹp không chết, chỉ có những quan điểm xưa cũ về cái đẹp mới chết mà thôi!