Trong bóng đá cổ điển, hậu vệ có vai trò đơn điệu là cắm chốt ở phần sân nhà, ngăn cản không cho đối phương làm bàn. Sự hiện diện của họ trong trận đấu là rất dễ nhận ra, nhưng chủ yếu bị coi là những con người âm thầm không nổi danh. Người ta thường tụng ca các chân sút chứ hiếm khi tôn vinh hàng phòng ngự. Nhưng rồi, bóng đá thay đổi…
Dần dần, khái niệm hậu vệ không chỉ gói gọn vào những cú tắc, phá đường chuyển, nhảy lên tranh chấp bóng theo kiểu 50-50 nữa. Họ trở thành những cầu thủ khéo léo hơn và mang tố chất điền kinh nhiều hơn để đóng một vai trò không thể thiếu trong cả chiến thuật tấn công của toàn đội.
Bóng đá hiện đại ngày càng chứng kiến sự linh hoạt hơn của hậu vệ. Và danh sách các gương mặt huyền thoại dưới đây chính là những cầu thủ phòng ngự đi tiên phong cho cuộc cách mạng đó. Nói một cách khác, họ là những hậu vệ luôn hướng về phía trước. Đừng ngạc nhiên khi danh sách này không phải là Top 10 như thường lệ mà là “chẵn chòi” một đội hình tới 11 huyền thoại. Lí do đơn giản: Thật khó loại bỏ một ai trong số họ!
1. Nilton Santos
ĐT Brazil (1940-1976)
Botafogo (1940 - 1976)
Nilton Santos (trái) xoạc bóng trong chân của Ferenc Pukas trong trận Brazil thắng Tây Ban Nha 2-1 ở World Cup 1962 tại Chile |
Santos là một trong những hậu vệ đầu tiên khai phá khái niệm tấn công, mở rộng phạm vi bên ngoài phần sân nhà như quan điểm chung thời đó. Ông có một bàn thắng để đời trong lịch sử World Cup khi dắt bóng gần hết chiều dài sân, khéo léo sút tung lưới Áo năm 1958.
Nilton Santos cùng với người cùng họ là Djalma Santos tạo thành bộ đôi ấn tượng trong hàng phòng ngự, là chỗ dựa vững chắc cho Brazil giúp vũ điệu samba xóa đi ấn tượng về một tuyến dưới thủng lỗ chỗ trước đó. Santos cùng Brazil đoạt 2 chức vô địch World Cup (1958 và 1962), 1 danh hiệu Copa America còn với Botafogo, ông chơi 1.004 trận, 6 lần đoạt danh hiệu Campeonato Carioca và vô địch giải Rio/Sao Paulo 3 lần.
Sau khi giải nghệ, Santos mới thực sự được tôn vinh xứng đáng khi hiện diện trong đội hình Xuất sắc nhất thế giới của thế kỷ 20 của cuộc bình chọn uy tín do Mastercard tài trợ. Muộn, nhưng hoàn toàn xứng đáng với những đóng góp của ông cho sự phát triển của vai trò hậu vệ trong bóng đá hiện đại.
2. Bobby Moore
ĐT Anh (1958-1978)
West Ham (1958-1974), Fulham (1974-1977), San Antonio Thunder (1976), Seattle Sounders (1978)
Bobby Moore (giương cúp) có khả năng đọc trận đấu siêu đẳng, khóa chặt đối phương như gọng kìm và tham gia tích cực vào tấn công |
Không những thế, Moore nổi bật với vai trò thủ lĩnh mà minh chứng cụ thể là World Cup 1966 khi ông dẫn dắt ĐT Anh lên đỉnh cao thế giới lần đầu tiên (và cũng là duy nhất cho đến tận bây giờ). Trong trận chung kết lịch sử với Tây Đức, Moore chứng tỏ ông không chỉ biết phòng ngự khi kiến tạo bàn đầu tiên cũng như bàn thứ 4 ấn định vinh quang.
Ở cấp CLB, Moore cũng thành công không kém khi là yếu tố chính giúp West Ham đoạt Cúp FA năm 1974 và sau đó ông có thêm chiếc Cúp C2 năm 1975. Tuy nhiên, bên cạnh hình ảnh đầy kỷ luật trên sân, người ta còn biết đến một Moore tai tiếng thích la cà tại các hộp đêm và tửu lượng kha khá. Mặc dù vậy, sáng hôm sau, ông vẫn luôn có bộ mặt tươi tỉnh và đến khu tập luyện của đội từ rất sớm. Một bức tượng của Moore đặt trang trọng phía ngoài SVĐ Wembley nói lên tất cả.
ĐT Italia (1960-1978)
Inter Milan (1960 - 1978)
Xương sống của kỷ nguyên “La Grande Inter”. Ông chơi được mọi vị trí ở hàng phòng ngự. Từ cánh trái, kỹ thuật dắt và chuyền bóng của Facchetti cùng tầm hoạt động không mệt mỏi là một phần không thể thiếu trong các phương án tấn công của Inter. Facchetti cũng chơi trung vệ rất tốt với chiều cao, những cú tắc bóng hoàn hảo biến ông thành ác mộng của mọi tiền đạo. Không những thế, huyền thoại này còn thính nhạy trong việc ghi bàn mà cụ thể là 59 bàn trong sự nghiệp cho Inter Milan và 3 bàn cho ĐTQG.
Giacinto Facchetti, xương sống của kỷ nguyên La Grande Inter. |
Chính phong cách tấn công mới mẻ mà Facchetti thể hiện ở vị trí hậu vệ trái đã làm sửng sốt một Serie A luôn đặt nặng phòng ngự. Ông góp công không nhỏ giúp Inter đoạt 4 Scudetto, 1 Coppa Italia và những chiếc cúp châu Âu liên tiếp năm 1964, 1965. Trong 94 lần khoác áo Thiên Thanh (một kỷ lục thời đó) thì 70 lần, Facchetti đeo băng đội trưởng). Ông tham dự 3 kỳ World Cup mà thành tích tốt nhất là ngôi Á quân thế giới năm 1970. Trước đó, Facchetti đã được nếm hương vị ngọt ngào của chức vô địch EURO 1968 trên sân nhà.
Ấn tượng hơn nữa, Facchetti là mẫu hậu vệ fair-play đến hoàn hảo khi cả sự nghiệp chỉ một lần bị nhận thẻ đỏ. Sau khi giải nghệ, Facchetti tiếp tục gắn bó với bóng đá và Inter Milan trong vai trò quan chức CLB (được bầu làm Chủ tịch năm 2004). Ông mất vì ung thư tuyến tụy và để tôn vinh ông, Inter Milan treo vĩnh viễn chiếc áo số 3 của Facchetti.
ĐT Brazil (1963-1982)
Fluminense (1963-1966, 1974-1977), Santos (1966-1974), Flamengo (1977), New York Cosmos (1977-1980, 1982), California Surf (1981)
Carlos Alberto chính là mẫu hậu vệ tiên phong cho một định nghĩa mới về họ: nguy hiểm trong tấn công chẳng kém trong phòng ngự |
Đóng góp ấn tượng nhất của Torres là ở World Cup khi ghi được một bàn thắng thuộc loại kinh điển vào lưới Italia trong trận chung kết. Quan trọng hơn cả, dù đồng đội xung quanh là một dàn sao với những tên tuổi như Pele, Clodoaldo, Gerson, Roberto Rivelino…, chính Torres là người đầu tiên tự hào giơ cao chiếc cúp thế giới với vai trò đội trưởng.
Ở giải quốc nội, Torres cũng gặt hái vô số danh hiệu với 3 chức vô địch Campeonato Carioca cùng Fluminese, 2 lần vô địch Paulista Championship cùng Santos và khi phiêu lưu sang Mỹ, ông bổ sung thêm 4 chiếc cúp NASL với Cosmos. Torres chính là mẫu hậu vệ tiên phong cho một định nghĩa mới về họ: nguy hiểm trong tấn công chẳng kém trong phòng ngự.
5. Franz Beckenbauer
ĐT Đức (1964-1983)
Bayern Munich (1964-1977), New York Cosmos (1977-1980, 1983), Hamburg (1980-1982)
Beckenbauer là đầu tàu của một số đội hình vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá khi ông khoác áo Bayern Munich. Cùng với những tên tuổi huyền thoại khác là Sepp Maier và Gerd Muller, Beckenbauer đoạt 4 chức vô địch Bundesliga, 4 Cup Liên đoàn bóng đá Đức (DFB), 1 Cúp C2 và đáng kể nhất là 3 Cúp C1 liên tiếp từ 1973 đến 1976. Thậm chí khi rời Bayern Munich, vinh quang vẫn tiếp tục theo chân ông. Beckenbauer đoạt thêm 1 chức vô địch Bundesliga cùng Hamburg năm 1982 và 3 chức vô địch NASL với Cosmos ở Mỹ.
Hoàng đế, chỉ biệt danh đó thôi đủ nói lên nhiều điều. Beckenbauer là cầu thủ Đức vĩ đại nhất trong lịch sử |
Đấu trường quốc tế còn chứng kiến “Hoàng đế” rực rỡ hơn. Beckenbauer là đội trưởng Tây Đức vô địch EURO 1972 và World Cup 1974. Đặc biệt, trận chung kết năm 1974 là màn trình diễn có lẽ xuất sắc nhất sự nghiệp của ông. Khi đó, Tây Đức bị coi là lép vế trước một “cơn lốc màu Da Cam” của Johan Cruyff đang trình diễn thứ bóng đá tổng lực hớp hồn thế giới. Nhưng Beckenbauer, Berti Vogts và các tuyển thủ Đức đã “trói” thành công “Thánh Johan”, khiến Hà Lan chỉ có được 1 bàn từ chấm phạt đền (thua Tây Đức 1-2).
Beckenbauer không chỉ là một người chiến thắng. Ông còn là một người tiên phong, làm thay đổi khái niệm về hậu vệ khi sản sinh ra vị trí “libero”. Sau này, rất nhiều đội bóng học tập theo mô hình libero của “Hoàng đế” và không ít tên tuổi cũng nổi danh như Scirea và Baresi của Italia hay Lothar Matthaus của Đức (cũng góp mặt trong danh sách này). Nhưng tất cả đều chung kết luận: Chỉ có một và chỉ một Beckenbauer mà thôi!
Giải nghệ, Beckenbauer tiếp tục là một nhân vật đầy ảnh hưởng với bóng đá Đức và hiện đang là Chủ tịch Bayern Munich và Phó Chủ tịch DFB. Tên ông thường xuất hiện trên báo chí đi kèm những lời phê phán một loạt cầu thủ hay HLV Đức. Và với những gì đã đạt được, ông có thừa quyền chỉ trích đó…
(Theo Thể Thao Văn Hóa)