Bóng đá nữ VN ầm ỹ chuyện ông Trưởng ban phản đối lãnh đạo VFF vì cái BHL mới của ĐTQG. Chỉ là chuyện "nhỏ", thế mà ông lại để tâm nhiều và làm lớn như thế, trong khi có rất nhiều chuyện lớn cần phải làm thì lại chẳng thấy can thiệp dùm.
Lớn như những câu chuyện đau lòng và bất công mà các cầu thủ nữ phải chịu đựng, không ít lần báo chí đề cập đến nhưng đáng tiếc những người có trách nhiệm ở VFF vẫn "không nghe, không biết".
Câu chuyện thứ nhất: Chuyện cái bình nóng lạnh
Một lần cánh phóng viên thể thao Hà Nội vào sân Hà Đông đá giao hữu với CLB Hà Tây. Khi vào khu tập thể dành cho đội bóng này ở, chúng tôi đã giật mình khi chứng kiến cảnh họ co ro trong cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa Đông miền Bắc.
Tiền vệ Nguyễn Thị Hương của Hà Nam đã tuyên bố dứt khoát xin nghỉ ĐTQG để đi học.
Do quy định của Khu tập thể, không được đun bếp than, không dùng bếp điện, không dùng sục đun nước, lại không có bình nóng lạnh nên các cầu thủ nữ, tập xong cứ thế nhắm mắt nhắm mũi dội ùm ùm nước lạnh lên người rồi thôi.
Một quan chức Sở hơi ngượng vì sự thật trần trụi, đã phân trần rằng sắp lắp nóng lạnh rồi. Vậy mà đến bây giờ, sau gần 2 năm, cái bình nước nóng để tắm mùa đông vẫn là ước mơ của các cầu thủ Hà Tây.
Một cái nhà tắm chưa đến 10 triệu, ấy thế mà bao ngày tháng người ta nhất quyết không làm. Cái đó, không phải sự thờ ơ, vô tâm đến tàn nhẫn của các chú, các bác lãnh đạo đi đâu cũng xe hơi, quần áo đầu tóc bóng mượt thì là cái gì.
Bởi vậy, thay vì có những ước mơ như các cầu thủ nam như là: mua nhà, tậu xế hộp…, thì các cô gái đá bóng của Hà Tây chỉ có một mơ ước nhỏ nhoi: Có cái bình nước nóng để tắm vào mùa đông.
Có một điều cần biết, Giám đốc Sở TDTT Hà Tây là ông Cấn Văn Nghĩa – Trưởng ban bóng đá nữ VFF và cũng là Trưởng đoàn bóng đá nữ VN tại SEA Games 24 vừa rồi.
Với một việc “bé con” như thế ở ngay chính đội bóng của mình mà ông Cấn Văn Nghĩa còn không giải quyết xong, thì chẳng hiểu với cương vị và trọng trách của mình đang mang trong các buổi họp của VFF, ông Nghĩa sẽ bàn đến các phương án giúp “bóng đá nữ VN phát triển” theo kiểu gì đây?
Câu chuyện thứ 2: "Thưởng Tết là cái gì ấy nhỉ?"
Mặc dù không chịu cảnh tắm nước lạnh giữa mùa đông buốt giá như đồng nghiệp ở đội Hà Tây nhưng môi trường mà các cầu thủ Hà Nội phải trải qua cũng khắc nghiệt không kém.
Chuyện khổ sở với các bài tập "hành xác" của chuyên gia người Triều Tiên Ri Hwi Choi là chuyện nhỏ phải chấp nhận, nhưng có những chuyện về đội bóng giàu có, chế độ cao nhất trong số các CLB bóng đá nữ thì đúng là "hiếm có khó tin".
Về chế độ đãi ngộ, Hà Nội là đội khá khẩm nhất. Lương được chia làm 3 loại A, B, C. Loại A là trường hợp các tuyển thủ với số tiền 1,2 triệu/tháng; loại B là các gương mặt “ít quan trọng” là 1 triệu/tháng và cuối cùng là loại C (dự bị) được 650 ngàn/tháng. Cộng với tiền ăn 35.000 đồng/người/ngày và…chấm hết. Nhưng không phải ai cũng nhận được toàn bộ số tiền lương?!
Ở đội Hà Nội có 2 chuyện cũng tương đối “ngộ”. Thứ nhất, các cầu thủ nữ HN (ở khu TT đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội chung với HP.HN và HN.ACB) thường “buồn” mỗi khi 2 đội bóng nam đi vắng.
Không phải họ buồn vì trung tâm vắng người mà buồn vì mâm cơm của họ “hẻo” đi trông thấy do không được “ké” phần thức ăn của nhà bếp khi nấu cho HN.ACB, HP.HN nữa. Thường thì "thương mấy đứa con gái ăn uống khổ sở, gắp quá tay là hết thức ăn", nhà bếp hay linh hoạt cho "công bằng".
Thứ hai, ở đội Hà Nội, cầu thủ nào mà léng phéng đề nghị hay xin được đi học ĐH là “liệu hồn” với “các chú, các anh”.
Ngày bình thường khổ sở thì không sao, nhưng đến những ngày Tết mới buồn vì “tay không mà về nhà ăn Tết với gia đình cho…vui vẻ”. Chẳng hạn đợt Tết “Tây” rồi, các cầu thủ Hà Nội được nghỉ phép 3 ngày để về thăm nhà mà rất nhiều người trong túi không có nhiều hơn 50.000 đồng, còn số khác thì chạy vạy mượn tiền bạn bè để ít nhất, còn có ít bánh kẹo rởm mang về nhà làm quà cho gia đình.
Câu chuyện thứ 3: Nuôi quân không nổi, dứt áo cho đi
Đó là trường hợp của 2 đội bóng đá nữ Thái Nguyên và Hà Nam. Đều là 2 tỉnh nghèo, nguồn kinh phí được cấp ít ỏi như nước nhỏ giọt nênn để duy trì được đội bóng cả Thái Nguyên lẫn Hà Nam đều hết sức chật vật nhưng sức nào cũng có hạn.
Ở đội Thái Nguyên cũng vì không đủ sức kham nổi các chế độ lương, tiền ăn cho các cầu thủ (dù chẳng bao nhiêu) nên họ cũng dứt áo để các trụ cột là tuyển thủ như Âu Thị Thu Quế. Dương Thị Phương Thảo... đầu quân cho nơi khác (Hà Nội).
Trong khi đó, ở đội nữ Hà Nam, với tâm huyết của người thầy, cách đây 6-7 HLV Phạm Hải Anh đã bỏ công đi “nhặt” những cô bé quê mùa về dạy bóng đá để tạo nên một lứa cầu thủ tài năng như Văn Thị Thanh, Nguyễn Thị Hương, Thanh Huyền, Hải Anh, Khánh Thu, Vũ Thị Ánh…
Thế nhưng, ngày này qua tháng khác lăn lộn cùng quả bóng tròn các cầu thủ nữ ngày càng lớn tuổi nhưng tương lai càng... mờ mịt. HLV Phạm Hải Anh đau lòng đành phải cho cho 8 học trò, cũng là 8 trụ cột đi học ĐH TDTT Từ Sơn.
Đau một chỗ, khi các cầu thủ này đi học, họ phải buộc cắt hợp đồng và chế độ của CLB vì Sở TDTT không đủ tiền “nuôi không” cầu thủ đi học và để tiền này nuôi các đàn em.
Và 1 câu hỏi dành cho các chú, các bác
Sự chật vật về tài chính đến của các CLB và sự tồn tại thoi thóp của các đội bóng này, liệu VFF có biết không? Xin thưa, VFF còn biết rõ hơn ai hết nhưng thử hỏi họ đã làm gì để giúp các CLB ngoài mấy lời động viên suông.
Mà cũng mới đây thôi, việc các trụ cột sau khi dự SEA Games 24 xong đã xin rút lui để lo cho việc học hành dở dang nhưng vẫn bị VFF “kéo” lên cho bằng được để vá lỗ thủng về lực lượng hậu bị.
Cũng phải thôi, chuyện học hành của các cầu thủ có đứt gánh thì “các cháu dốt chứ có phải con em các chú, các bác dốt đâu mà các bác, các chú phải lo”.
Một chuyện lớn như chuyện các cầu thủ xin thôi không đá ĐTQG vì nếu tập trung là bị đuổi học, chẳng thấy ông quan chức nào lên tiếp can thiệp hay giúp đỡ. Ấy thế mà có mỗi chuyện thay trợ lý BHL. thực chất chỉ là chuyện dây này dây kia ưu ái cho người của mình vào ĐTQG mà cứ ầm ỹ hết cả lên.
Thế mới tài!
(Theo Thể Thao và Cuộc sống)