Vòng đấu bảng Champions League đã đi qua mà không có một bất ngờ quá lớn nào xảy ra. Những trật tự cũ kĩ lại một lần nữa tái diễn ở đấu trường danh giá nhất châu Âu khi các “ông lớn” đều giành được những chiếc vé quý giá để bước vào vòng knock-out.
1. Ngài chủ tịch UEFA Michael Platini vốn nổi tiếng là một con người lịch lãm và giàu tư chất lãnh đạo. Kể từ ngày lên nắm quyền ở UEFA, ông đã làm được rất nhiều điều cho nền bóng đá của lục địa già. Đó chắc chắn là một điều đáng để trân trọng.
Thế nhưng, cái tham vọng nhằm thu hẹp khoảng cách về trình độ giữa các nền bóng đá ở châu Âu của Platini có lẽ chẳng bao giờ thành hiện thực nếu nhìn vào những kết quả sau 6 lượt trận ở Champions League vừa qua.
Zilina tỏ ra quá yếu so với Chelsea hay Marseille
Platini có thể dành phần ưu ái trong việc phân cặp vòng loại để những Zilina hay Hapoel Tel-Aviv được “hít thở” bầu không khí Champions League thay vì những Sevilla, Sampdoria, Zenit đấy. Nhưng dù có cố gắng đến mấy, vị chủ tịch người Pháp cũng đành đứng nhìn các “hạt tiêu” này chia tay ngay ở vòng bảng sau những thảm bại tan nát, kiểu như cách Marseille vùi dập Zilina đến 7 bàn trắng ngay tại Slovakia hay Valencia bắn hạ Bursaspor với tỉ số của 1 set tennis 6-1!
Thậm chí, người ta còn có quyền đặt câu hỏi với Platini bởi Champions League mặc nhiên phải là giải đấu của những kẻ mạnh nhất và xứng đáng nhất. Đừng vì cái danh “vô địch” mà thay đổi tiền lệ đó.
Zilina có thể là nhà vô địch ở Slovikia thật, nhưng quán quân cái giải VĐQG nhỏ bé ấy làm sao sánh được với Sampdoria hay Sevilla, dẫu họ chỉ về đích thứ 3 hay thứ 4 ở Serie A, La Liga. Nếu phải chạm trán với Sevilla thay vì Sparta Praha ở vòng play-off, liệu Zilina có sống sót nổi để làm “bia tập bắn” cho Chelsea hay Marseille sau đó?
2. Và cuối cùng, những cái kết vốn đã thành quy luật ở Champions League lại tái diễn. Không mất quá nhiều sức, các “ông lớn” Barcelona, Real Madrid, MU, Chelsea, Bayern Munich đều hùng dũng bước qua vòng bảng với vị trí đầu tiên. Cũng như thường lệ, cuộc chơi của họ sớm hạ màn chỉ sau 4 lượt đấu, có chăng phần còn lại chỉ là đấu tranh cho ngôi đầu bảng hoặc tạo điều kiện cho những “kép phụ” có cơ hội thử lửa.
Không mất quá nhiều sức, MU vẫn đường hoàng bước qua vòng bảng với ngôi đầu
Mà thậm chí, cái ngôi đầu đó cũng gần như được mặc định rồi! Valencia có chiến đấu đến cùng như thế hay cố gắng hơn nữa thì họ cũng chẳng thể nào vượt qua một “đại gia” giàu truyền thống lẫn kinh nghiệm như MU. Hay có nằm mơ người ta cũng không tưởng tượng ra cái cảnh Barca hoặc Chelsea không về nhất trong những bảng đấu dễ dàng của họ.
Ở chiều ngược lại, hành trình ở Champions League cũng nhanh chóng đi đến hồi kết với những Bursaspor, Zilina hay Partizan Belgrade. Partizan chia tay cuộc chơi sau 6 trận liên tiếp phải rời sân cùng với những thất bại đậm đà. Zilina thậm chí còn “bi thảm” hơn khi “phơi áo” cả 6 trận và chỉ ghi được vẻn vẹn 3 bàn trong khi để lọt lưới đến 19 bàn!
Dẫu có đôi chút khó khăn nhưng cuối cùng cả Arsenal, AS Roma hay Marseille đều giành vé trên chuyến tàu muộn tới vòng 1/16. Những cuộc chiến cho vị trí thứ 3 để cập bến Europa League cũng kết thúc với thắng lợi dành cho các đội bóng tên tuổi hơn như Ajax, Benfica...
3. Nếu có những bất ngờ thú vị thì đó chính là trường hợp của Tottenham hay Shakhtar. Spurs đã mang đến một làn gió mới trong lần đầu tiên có vinh dự tham gia đấu trường danh giá nhất châu Âu khi xuất sắc đánh bại cả ĐKVĐ Inter Milan, Bremen hay Twente một cách thuyết phục.
"Làn gió mới" mang tên Tottenham với những màn trình diễn ấn tượng
Shakhtar cũng xuất sắc kết thúc vòng bảng H với vị trí dẫn đầu, vượt trên cả Arsenal. Hơn nữa, với thành tích giành 5 chiến thắng qua 6 trận đấu, đại diện đến từ Ukraine còn có số điểm nhiều hơn cả MU hay Barca.
Bên cạnh đó, cái cách những đội bóng vốn “có số có má” kiểu Bremen, Panathinaikos dừng cuộc chơi cũng đem đến những bất ngờ nhưng là ở chiều hướng khác. Với vị trí bét bảng cùng một loạt những màn trình diễn thiếu sức sống, những sự chia tay này cũng không mang lại nhiều nuối tiếc cho các tín đồ của túc cầu giáo.
(Theo Dân trí)