Không có đội bóng nghèo nào mà lại vô địch V-League. Sông Lam của những năm đầu tiên thừa tiền chiêu đãi trọng tài như thết Vua thì không phải là nghèo. Cảng Sài Gòn 7 năm về trước dưới thời của “tướng bà” Xuân Thái đã đãi ngộ tới mức bóng đá Sài thành không rỉ máu tài năng, cũng không thể nghèo. 6 năm qua, 3 đội vô địch cũng là những đội bóng giàu có bậc nhất của BĐVN (HAGL, ĐTLA và Bình Dương). Thế cho nên, cuộc chơi của ngày hôm nay và ngày mai sẽ vẫn là cuộc chơi của tiền bạc.
Quân khu 4, một ngoại lệ
Nhưng trước khi nói về các đội bóng đầu tư mạnh mẽ hay phân tích về cuộc chơi của tiền bạc ấy, hãy nói về Quân khu 4, một đội bóng không chơi bằng tiền bạc, nhưng lại đang khá thành công với vị trí thứ 3 sau 13 lượt đấu.
Và để nói tới trường hợp này thì cũng cần những so sánh. HAGL đầu tư gấp hàng chục lần so với Quân khu 4, lương của Lee Nguyễn và Thonglao ở Pleiku đủ để trả cho cả đội bóng Quân đội. Sự chênh lệch nếu cần có một con số cụ thể thì nó vào khoảng 30 tỉ đồng HAGL chi nhiều hơn số tiền QK4 có.
Khác biệt 30 tỉ đồng chỉ giúp HAGL giành nhiều hơn 1 điểm so với Quân khu 4. Hàng tỉ đồng tiền thưởng những trận thắng cũng chỉ giúp HAGL giành được 7 niềm vui so với QK4.
Quân khu 4, một đội bóng không chơi bằng tiền bạc, nhưng lại đang khá thành công với vị trí thứ 3 sau 13 lượt đấu |
Chính bởi thế, Quân khu 4 khiến người ta phải kinh ngạc, và khâm phục. Kinh ngạc về kết quả mà họ giành được. Khâm phục về ý chí và khả năng vượt qua những khó khăn và hạn chế. Như việc Quân khu 4 đã ăn Tết Nguyên đán ở trung tâm thể thao Thành Long (TPHCM) để tập luyện. Như việc họ ra sân tập từ lúc 2 giờ chiều mỗi ngày dưới cái nắng của miền Trung hòng có thể coi cái nắng của những nơi khác như là thời tiết râm mát. Và đặc biệt, kinh ngạc trước việc các cầu thủ của đội bóng này cho tới hôm nay vẫn chưa nửa lời ca thán về việc vật chất dành cho họ chỉ bằng cái móng tay của một vài đội khác.
Nhưng học gì từ Quân khu 4?
Người viết đã từng nghe một vị Phó Tổng giám đốc của Viettel trong một buổi lễ tổng kết thành công của đội bóng trẻ Thể Công, đã khá ngạc nhiên và cũng ngỏ ý khâm phục việc các cầu thủ Quân khu 4 chỉ được thưởng khoảng 50 triệu đồng/1 trận thắng và lương cao nhất cho cầu thủ nội cỡ Đình Luật cũng chỉ 8 triệu đồng. Ông cho rằng nó giống với câu chuyện cổ tích.
Người viết cũng nghe và đọc khá nhiều những người làm bóng đá từ Bắc chí Nam thán phục Quân khu 4.
Nhưng tuyệt nhiên, không có ai dám làm như Quân khu 4. Không đội bóng nào mảy may nghĩ rằng họ sẽ cho các cầu thủ “mất Tết”. Không có đội bóng nào khua cầu thủ dậy từ lúc 1h30 (ngủ trưa) rồi cho họ ra sân tập từ lúc 2h chiều. Không có đội bóng nào mà các cầu thủ chỉ được ăn gần 3 chục ngàn/bữa/người trong khi với mức ăn 50.000 đồng người/bữa thì mới nói tới chuyện dinh dưỡng. Và càng không có đội bóng nào dại dột tới mức giảm lương, cắt thưởng của các cầu thủ xuống ngang bằng với QK4 để cầu thủ của họ biết quý trọng đồng tiền hơn.
QK4 đơn giản là một trường hợp đặc biệt, đội bóng ngoại trừ các cầu thủ ngoại thì tất thảy đều là những người lính, lại mới xuất hiện lần đầu ở V-League. Nôm na là họ như một ốc đảo giữa một thực tại, rằng bóng đá chuyên nghiệp phải là sự đầu tư.
Không phải ngẫu nhiên khi mà những đội bóng giàu truyền thống ở mỗi nền bóng đá quốc gia Âu châu đều là những đội bóng giàu có, thậm chí là giàu nhất, hay những đội bóng đăng quang ở đấu trường châu lục cũng là những đội bóng đứng trong tốp đầu xét về số tài sản, tiềm lực tài chính.
Và việc V-League đã có những đội bóng nhà giàu phải rớt hạng, nhưng chưa từng có một đội bóng nhà nghèo nào lại đăng quang ngôi vô địch như đã nói ở trên cũng không phải là điều ngẫu nhiên khác.
Với những hoàn cảnh của riêng nó, Quân khu 4 không phải là câu chuyện cổ tích, mà là một thực tế, nhưng trong tương lai nhiều khả năng sẽ phải thay đổi vào một thời điểm nào đó, cho phù hợp với quy luật của nó.
Có đầu tư mạnh mẽ và có tiềm lực hùng hậu là điều kiện cần, và có cách đầu tư hợp lý và có HLV giỏi, quản trị đội bóng là điều kiện đủ, để tạo nên vị thế. Nên khi nó là cuộc chơi của tiền bạc thì đó cũng là chẳng phải là điều trái với tự nhiên.
Ở đây, sẽ chỉ có những vấn đề khi chúng ta nhìn sâu hơn về cách đổ tiền, tiêu tiền và kiếm tiền của cuộc chơi này, khi mà bóng đá giờ đây vẫn chưa có khả năng sinh lời, hay cách thưởng cho mỗi trận đấu lại như một sự mặc cả để cầu thủ nỗ lực và thậm chí, có cả những đội bóng tin rằng chỉ cần đổ tiền ra là họ sẽ lọt tốp.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)