Những nhà vô địch Đông Nam Á 2008 là thế hệ Vàng của bóng đá Việt Nam. Không phải bàn cãi thêm về điều đó, vì họ đã làm được những điều mà các thế hệ trước không thể.
Nhưng điều đáng bàn là có khá nhiều cầu thủ trong số họ không phải là những cầu thủ xuất sắc nhất ở những vị trí mà họ đảm đương, nếu so từng cá nhân đơn lẻ. Đó là điều từng được nói đến và được thừa nhận.
Bởi thế, việc tập thể ấy vươn lên trở thành thế hệ Vàng không phải là một kết quả tự nhiên. Nó có những yếu tố mang tính chất cấu kết và nâng tầm. Thông qua quá trình theo dõi và so sánh, có thể cho rằng đã có 3 yếu tố đặc biệt
1. Sự đoàn kết
Chúng ta luôn nói bẻ gãy một chiếc đũa bao giờ cũng dễ hơn bẻ một bó đũa. Đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2008 thực sự là một bó đũa.
Hun đúc nên một thế hệ Vàng cần có nhiều yếu tố chứ không chỉ tài năng cá nhân
Nói về bó đũa ấy, ở Bangkok, trước giới truyền thông quốc tế, ông Calisto nói Việt Nam là một tập thể đoàn kết, tất cả đá vì nhau và ai cũng cảm thấy tự hào được đứng trong hàng ngũ. Ông không phóng đại điều gì cả. Nhìn cách các cầu thủ sinh hoạt và thi đấu với nhau trên sân, có thể khẳng định 3 “vụ” cầu thủ lao vào nhau trên sân tập đã được bỏ lại phía sau. Trận đấu với Singapore, khi Quang Thanh để thủng hành lang trái, Phước Tứ chơi như phi thân để bịt rò. Rồi đến Như Thành lại làm điều đó cho Phước Tứ.
Nếu các cầu thủ không có tư duy chiến thuật tốt, đội tuyển sẽ không thể vận hành nhuần nhuyễn và đạt kết quả tối ưu như chúng ta đã chứng kiến. Nhưng tư duy chiến thuật không phải là cái tự nhiên có, nó được hun đúc nhờ việc các cầu thủ đã từng khoác áo đội tuyển nhiều năm, trình độ huấn luyện ở các CLB cũng đã được cải thiện, và nhờ bàn tay của ông thày người Bồ.
3. Vai trò của HLV
Cho tới lúc này người ta vẫn không thể tưởng tượng nổi, làm sao một đội bóng tiềm ẩn rất nhiều bất ổn, có dấu hiệu lục đục nội bộ và không có nhiều cá nhân xuất sắc, bỗng nhiên mọi thứ trở nên gần như hoàn hảo.
Dấu ấn của Calisto thực sự được bộc lộ ở chỗ này. Ông có 2 tôn chỉ đặt ra cho công việc của mình: một là xây dựng đội bóng thành một gia đình, mọi thành viên không thể tách rời, kể cả ông cũng luôn phải ở cùng đội, đi cùng xe, ăn cùng phòng; hai là nâng cấp tư duy chiến thuật. “Cầu thủ Việt Nam không yếu về thể lực mà hạn chế về tư duy chiến thuật”, ông nói và làm. Hơn 2 tháng huấn luyện đội tuyển, ông đưa nó lên hàng đầu còn thể lực chỉ lồng ghép, kiểu tập thể lực với bóng thông qua cường độ, khối lượng vận động.
Không phải chỉ có ông Calisto mới phát hiện được điều này, nhưng cũng không phải mọi người đều làm được, khắc phục được nó. Thất bại của các đời thày ngoại trước, kể cả khi họ có quân tốt trong tay và bóng đá ĐNA nói chung suy yếu trong một vài thời điểm, chính là một bằng chứng.
Dĩ nhiên, khả năng vượt trội của ông Tô không phát lộ từ sớm, nên không phải ai cũng nhận ra điều đó, trong đó có cầu thủ, các trợ lý, giới truyền thông cùng các nhà chuyên môn. Những ai có niềm tin, cũng chỉ là tin chung chung rằng đã lựa chọn thì hãy cứ kiên nhẫn và chờ đến sau AFF mới phân giải.
Nhưng đến giờ thì chúng ta, kể cả những người trước đây hoài nghi HLV, đều tin tưởng vào tài năng của ông Calisto. Thậm chí, còn có thể khẳng định, bí quyết để “thế hệ sắt” thành Vàng, hay việc tại sao những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Đức Thắng, Đỗ Khải… lại mãi chỉ là thế hệ Bạc cũng là chuyện có và không có ông Calisto.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)