Nếu tính theo thời điểm, trận bán kết lượt đi với Singapore ở Mỹ Đình đã tạo dựng một số cơ sở để kỳ vọng ĐTVN có thể làm nên điều gì đó tại giải vô địch Đông Nam Á lần này. Nhưng nếu phải lụy vào các con số, thuận theo sự phát triển có logic, tích lũy đầy tính chiều sâu, thì nó là câu chuyện dài tập của thầy trò Henrique Calisto.
Bài 2: Điểm rơi
1. Sau 2 trận giao hữu với Singapore, HLV Calisto đã nhanh chóng nhận ra rằng: Đối phương thi đấu rất ít “vị”. Trận lượt đi tại Mỹ Đình (14/10), ĐTVN khi đó với những mảnh ghép chưa hoàn chỉnh đã để cho đối phương lấn lướt trong phần lớn thời gian thi đấu. Nhưng có một thực tế rằng Singapore tấn công nhiều song lại không thể ghi được bàn thắng.
Thành công của ĐTVN tại AFF Suzuki Cup 2008 có được nhờ những tính toán cực kỳ hợp lý của HLV Calisto. |
Những kinh nghiệm xương máu khi đối đầu với Singapore đã được HLV Calisto ghi chép rất đầy đủ. Do mất Duric và Wilkinson, nên Singapore không thể phát huy tối đa sức mạnh chơi không chiến. Chỉ cần chia cắt được Noh Alam Shah và Agu Casmir, đồng thời phong tỏa nhạc trưởng Shi Jiayi, chúng ta sẽ thành công (tiền đạo chủ lực - đội trưởng Indra thì đang rớt phong độ thê thảm). HLV Calisto đã biết tận dụng triệt để lợi thế là sự cổ vũ của gần 40 nghìn khán giả nhà để tấn công phủ đầu đối thủ vào buổi tối 17/12/2008.
Singapore chơi bóng mà “tim đập chân run” và phải cần đến rất nhiều may mắn, họ mới không bị thua trong trận lượt đi tại Mỹ Đình. Niềm kiêu hãnh của nhà vô địch bị tổn thương, biết chắc rằng Singapore sẽ trả đũa trong trận lượt về vài ngày sau đó, nên HLV Calisto chủ động cho đội bóng xuất phát chậm, thậm chí là cù nhầy ở Kallang Roar.
Và chúng ta đã thành công, bằng đòn xẻ nách cực kỳ hiểm của bộ ba: Tấn Tài - Công Vinh - Quang Hải, thời điểm mà đối phương đang chơi mất tập trung. Những đường đan bóng, bật - nhả, nhanh mạnh nhưng vẫn rất mềm mại, đã “kết liễu” Singapore ngay trên đất của họ. Mọi thứ đều được tính toán rất kỹ, như thể lập trình vậy. Nó đến từ cái đầu “siêu hạng” của Henrique Calisto!
2. Sự thật rằng, trong bóng đá, khi anh chịu xuất phát điểm ở thế “kèo dưới”, bao giờ cũng dễ đá hơn. Kết quả thi đấu nghèo nàn trong quá trình chạy đà cùng màn thể hiện chẳng mấy ấn tượng của ĐTVN ở vòng đấu bảng, đã vô tình tạo một lợi thế cực lớn cho thầy trò ông Calisto, khi đánh lạc hướng người Thái và Sing, những đội bóng luôn tự cho mình quyền phán quyết.
Mặc dù đã hạ Singapore, nhưng thật ra trong mắt người Thái, VN không có cửa để thắng ở Rajamangala.
Thái Lan với phong thái “ông chủ” đã vào trận như thể muốn bóp nghẹt chúng ta. Hơn 1/3 thời gian thi đấu chính thức, bóng hầu như chỉ lăn bên phần sân của ĐTVN.
Tuy nhiên, với sự đảm bảo của lá chắn thép Hồng Sơn, Thái Lan đã rơi vào “thiên la địa võng” của ĐTVN và họ “chết” bởi 2 pha tấn công nhanh, đúng với dự liệu của HLV Calisto. Hai pha lên bóng chớp nhoáng, đâm thẳng vào đúng tử huyệt của Thái ở khe hở giữa trung vệ và hậu vệ biên. Và xong! Chúng ta đã chạm được một tay vào chức vô địch sau khi “giải quyết” Thái Lan ngay tại Bangkok. Không một ai ở Rajamangala hôm đó hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Chỉ ông “Tô” và các học trò của ông biết: “Sự hợp lý đã mang lại thành quả”. “Tôi biết hàng thủ của Thái đang gặp vấn đề. Tôi để Tấn Tài và Vũ Phong, những cầu thủ rất nhanh, mạnh và giàu sức chiến đấu, đá chính ngay từ đầu là vì thế”, HLV Calisto tiết lộ.
Thái Lan thua vì quá ngạo nghễ. Hơn 50 nghìn khán giả ở Rajamangala trở thành “gánh nặng” cho đội bóng. Từ Thonglao, đến anh em nhà Sukha, tiền đạo Teeratep…, đều như đeo chì ở chân. Họ không thể cưỡng lại được sức mạnh tinh thần, cùng khát vọng chiến thắng của các đồng nghiệp VN.
Và bàn thắng của Công Vinh ở phút đấu bù cuối cùng trong trận lượt về là một bằng chứng cho thấy ĐTVN đã lên ngôi bằng những tính toán hợp lý đến từng milimet của thầy “Tô”.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)