Nếu tính theo thời điểm, trận bán kết lượt đi với Singapore ở Mỹ Đình đã tạo dựng một số cơ sở để kỳ vọng ĐTVN có thể làm nên điều gì đó tại giải vô địch Đông Nam Á lần này. Nhưng nếu phải lụy vào các con số, thuận theo sự phát triển có logic, tích lũy đầy tính chiều sâu, thì nó là câu chuyện dài tập của thầy trò Henrique Calisto.
1. “Điểm rơi phong độ” trong thể thao là khái niệm rất trừu tượng với người ngoại đạo. Phải có sự tính toán chặt chẽ, khoa học để vào thời điểm quyết định, đội bóng đạt được phong độ tốt nhất, nền tảng thể lực tốt nhất, tâm lý chiến tốt nhất và khát vọng thành công cao nhất. Đây là một khối lượng công việc cực lớn, nhưng ở ĐTVN, ngoài HLV Calisto, không một ai có thể tính toán, chia sẻ điều này với ông.
Calisto bắt đầu bằng những bài nhồi thể lực với bóng có một không hai. Ở đại bản doanh Hàm Rồng khi ấy, không một ai trong đội hiểu ông “Tô” đang làm cái gì mà cứ mang họ ra sân, bắt khởi động rồi cho thi đấu.
Việc rèn giũa những miếng đánh chiến thuật cũng được thực hiện bằng cách bắt cầu thủ phải di chuyển rất nhiều, không ngơi nghỉ. Ngày này qua ngày khác, thứ duy nhất mà cầu thủ biết, đó là cảm giác mệt lả sau mỗi buổi tập.
Thành tích mà ĐTVN đạt được tại AFF Suzuki Cup 2008 đến từ quá trình chuẩn bị tỉ mỉ và có phần hơi đặc biệt của HLV Calisto |
Cho đến khi các cầu thủ đạt được cảm giác như có thể chơi bóng 120 phút với tốc độ cao, họ mới hiểu rằng đã lãnh hội đầy đủ các ngón nghề nâng tầm thể lực của ông thầy người Bồ. Và nữa, khi các miếng phối, đập - nhả trở nên ăn ý như chân với tay, những ngón đòn “triệt hạ” đối phương trở thành phản xạ vô điều kiện, họ mới hiểu hết tác dụng của những bài lên lớp với bóng của thầy “Tô”.
Bài tập thể lực với bóng, trước HLV Calisto, chưa ai làm tốt như vậy. Nắm vững lý thuyết huấn luyện như GĐKT người Đức Rainer Wilfeld, người từng có thời gian dài gắn bó với BĐVN, cũng chỉ khẳng định: “Đừng biến các cầu thủ thành những VĐV điền kinh. Hãy dạy cho họ biết phải làm gì khi có bóng”.
HLV Calisto không những xây dựng cho học trò một nền tảng thể lực cực tốt, mà còn giúp họ nhận thấy phải xử lý như thế nào là tốt nhất khi nhận bóng. “Bọn em đá với nhau rất ăn ý và điển hình là trận giao hữu lượt về với Singapore. Đó là điều nhận thấy rõ nhất sau thời gian dài làm việc với thầy “Tô”. Về thể lực thì rất tốt”, tiền đạo Lê Công Vinh từng khẳng định như vậy khi đội bóng hội quân ở Trung tâm Thành Long để chờ ngày lên đường sang Thái.
2. Ngay sau khi nhậm chức, thuyền trưởng người Bồ đã khẳng khái: “Mục tiêu quan trọng nhất của tôi là AFF Suzuki Cup 2008”. Giải vô địch Đông Nam Á diễn ra vào tháng 12, ở đó ĐTVN đặt chỉ tiêu có huy chương và bất cứ ai (chứ chẳng riêng gì ông “Tô” đều sẽ nói thế). Về tiêu chí, HLV Calisto đúng.
Song thú thực, khi đội bóng chơi toàn hòa và thua, thì không phải ai cũng giữ được sự kiên nhẫn và tin vào “điểm rơi phong độ” của đội tuyển.
Sự nặng nề bao phủ đội bóng cho đến cận ngày lên đường.
Calisto đã bắt đầu và kết thúc chiến dịch chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup 2008 một cách khá đơn độc. Nó không giống với hồi ông làm ở ĐT.LA, khi có sự đảm bảo của ông chủ đội bóng và cũng phải nói rằng sức ép ở CLB không lớn bằng tại ĐTQG.
Nhưng những tính toán rất chi li của ông “Tô” là chìa khóa thành công cho “Gạch” trong suốt 1 thập niên qua. ĐT.LA luôn xuất phát rất chậm, thậm chí là ì ạch, để rồi bứt tốc ở những mét quyết định và cán đích đầu tiên.
Không thể nói HLV Calisto đã “dập khuôn” cách làm ở “Gạch” lên tuyển, nhưng nó là những kinh nghiệm tốt. Nói theo HLV Lê Thụy Hải thì: “Mỗi HLV chỉ có một cách làm bóng đá, đeo đuổi một trường phái nhất định.
Những tích lũy có chiều sâu của ĐTVN cuối cùng đã có lời giải. Kinh nghiệm lâm trận, sau những lần “đốt thử”… không kêu, với các đối thủ mạnh, đã có giá của nó.
Tuy nhiên, ngoài những yếu tố cần, thì để chiến thắng, đội bóng cần thêm khả năng tự xoay sở. Nhưng phương án trám vị trí hay thay người của Calisto tại AFF Suzuki Cup 2008 đã phát huy tối đa tác dụng. Đó có lẽ là điều khác biệt nhất giữa ông “Tô” và các đồng nghiệp.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)