Từ năm 1983 đến nay, chỉ có 2 HLV đem về cho CLB của mình 2 chức VĐQG liên tiếp tại Anh. Một người là Sir Alex Ferguson danh tiếng, người thứ hai là chính Mourinho. Theo phân tích của chuyên gia Victor Vago trên tạp chí Champions của UEFA, J.Mourinho thực sự là một HLV bậc thầy, có nhiều điều đáng để giới cầm quân trong làng bóng đá đỉnh cao học hỏi.
Điều đầu tiên cần khẳng định về Mourinho: bóng đá phức tạp bao nhiêu, thì bản thân ông phức tạp bấy nhiêu. Bằng không, Mourinho đã chẳng đáng gọi là Người đặc biệt. Nếu như có một chỗ tạm gọi là đơn giản, là nguyên tắc huấn luyện quen thuộc của Mourinho, thì đấy không phải là sơ đồ 4-3-3, mà chính là cốt lõi của sơ đồ ấy: 3 tiền vệ đảm trách khu vực giữa sân để hướng đội bóng đến chỗ an toàn, đến sự cân bằng giữa công và thủ. Ở Chelsea, đội hình của Mourinho thường là 4-5-1 chứ không phải 4-3-3, cho dù 2 tiền vệ cánh trong sơ đồ 4-5-1 có thể trở thành tiền đạo cánh bất cứ lúc nào.
Đội bóng của Mourinho có thể ghi nhiều bàn thắng, có thể tấn công nhiều hơn phòng ngự, nhưng đặc điểm nổi bật nhất vẫn là sự chắc chắn, sự an toàn trong phòng ngự. Chelsea an toàn kể cả khi đang tấn công, vì số lượng tiền vệ mà ông bố trí ở khu vực giữa sân. Họ luôn giữ vững cự ly an toàn và tạo thành phòng tuyến giữa sân, che chắn thật tốt cho hàng phòng ngự. Khi Mourinho đưa Chelsea lên ngôi vô địch Premiership ngay mùa đầu tiên ông cầm quân, Chelsea chỉ thủng lưới 15 bàn trong 38 vòng đấu - một kỷ lục! Và kỷ lục về việc ít lọt lưới ấy được ghi nhận trong hình ảnh chung là sức tấn công của Chelsea rất mạnh mẽ.
Nói cách khác: Mourinho thành công nhờ hệ thống phòng thủ an toàn, nhưng người ta lại cứ mải lo phân tích sức tấn công hủy diệt của Chelsea, phân tích về sức tàn phá của trung phong Didier Drogba cùng những cầu thủ chạy cánh Arjen Robben, Joe Cole, Damien Duff…!
Cứ cho rằng thói quen sử dụng cặp tiền đạo của Inter không thích hợp với sơ đồ ưa thích 4-3-3 của Mourinho. Cứ cho rằng Inter còn thiếu các cầu thủ chạy cánh tuyệt vời để Mourinho có thể chơi 4-3-3. Nhưng chẳng lẽ Inter sẽ thất bại đơn giản chỉ vì Mourinho không thể bố trí sơ đồ 4-3-3? Phải nói ngược lại: giới hâm mộ Inter sẽ có nhiều hy vọng, vì nguyên tắc “an toàn” của Mourinho rất thích hợp với triết lý bóng đá của Inter. Gần nửa thế kỷ trước đây, Inter nói riêng cũng như bóng đá Italia nói chung đã nổi tiếng thế giới về kiểu phòng ngự Catenaccio. Sơ đồ đấu pháp của cách phòng ngự nổi tiếng ấy chính là 4-3-3. Có nghĩa, sơ đồ 4-3-3 thực chất chẳng có gì mới. Nhưng cách vận dụng sơ đồ 4-3-3 của Mourinho dĩ nhiên phải mới so với sơ đồ 4-3-3 của HLV huyền thoại Helenio Herrera trong những năm 1960. Mới ở chỗ: từ xuất phát điểm 4-3-3, Mourinho có thể chuyển thành 4-5-1, 4-4-2, 3-3-4, hoặc bất cứ sơ đồ nào thích hợp với từng thời điểm cụ thể (chỉ cần một cú thay người là đấu pháp của Mourinho sẽ có thay đổi lớn).
Nhưng hãy trở lại với đề tài về hy vọng của NHM Inter. Dưới sự chỉ dẫn của Mourinho, đội bóng của ông (bất cứ là đội nào) sẽ thủng lưới ở mức độ thấp nhất có thể. Nguyên tắc ấy mới chính là “kim chỉ Nam” rõ nét nhất trong suốt lịch sử Inter. Các hệ thống chiến thuật của Mourinho đều sẽ được lựa chọn trên nguyên tắc sao cho Inter thủng lưới thật ít, dù lối chơi của đội vẫn thiên về tấn công, thậm chí phải tấn công ào ạt (trong tình huống đang bị dẫn điểm chẳng hạn)!
Mourinho nói về hậu vệ
“Hậu vệ giỏi phải là các hậu vệ có khả năng chơi bóng với khoảng trống mênh mông sau lưng mình. Anh ta phải biết chơi bóng cách khung thành 40m”. Có nghĩa, nguyên tắc của Mourinho là các hậu vệ phải luôn vững vàng khi toàn đội đang tấn công. Nói cách khác, đội bóng của Mourinho có thể triển khai thế thủ ngay trên phần sân đối phương. Nguyên tắc là vậy. Đội hình nào cũng được!
(Theo Báo Bóng Đá)