Người xứ Nghệ thường tự hào rằng: “Bao giờ sông Lam nước hết, bóng đá Nghệ An mới hết người tài”. Từ mảnh đất nghèo khó này, nhiều nhân tài Nghệ An đã ra đi. Họ đi mà lòng trĩu nặng day dứt. Họ đến đội bóng khác với tâm lý “ở trọ”, bởi hồn luôn hướng về quê hương. HLV Hữu Thắng là một người như vậy.
Đam mê từ trong máu
Ở SLNA, HLV Nguyễn Hữu Thắng là một tượng đài. Nhưng Hữu Thắng đặc biệt bởi xung quanh anh không chỉ là những hào quang chiến thắng, mà còn có muôn vàn cay đắng. Anh đã rơi từ đỉnh cao xuống vực sâu một phần vì tính cách, vì đam mê của mình.
Sau này, người ta mới biết chuyện buồn của Hữu Thắng cũng vì nặng lòng với đàn em, vì bóng đá xứ Nghệ. Linh tính của một cầu thủ dư thừa sự trải nghiệm đã khiến anh đứng ngồi không yên. Trước khi Văn Quyến, Quốc Vượng, Minh Đức đi dự SEA Games 23, Hữu Thắng đã dặn: “Đứa nào làm bậy ta đập chết!”. Nhưng rồi sự cố vẫn diễn ra và sau đó, anh trải qua những ngày tháng đen tối nhất trong cuộc đời.Đội bóng SLNA luôn trong trái tim HLV Hữu Thắng
Tưởng chừng Hữu Thắng sẽ nguội lạnh với bóng đá. Hữu Thắng đến với bóng đá không phải vì tiền. Anh có thể “sống tốt” nhờ những việc chẳng liên quan đến bóng đá. Thế nhưng việc bất ngờ tái xuất cùng T&T HN đã một lần nữa khẳng định đam mê của anh.
Tình cảm quê hương
Việc Hữu Thắng tái xuất khiến nhiều người bất ngờ, bởi kinh tế không phải là quan tâm hàng đầu của anh. Nhưng khi Hữu Thắng thăng hoa cùng T&T HN, người ta lại nghĩ anh sẽ xây dựng cho mình một cơ đồ mới và rời xa mảnh đất Nghệ An. Hữu Thắng có thể làm được điều đó, bởi anh có tài, “bầu” Hiển có tiền. Ông Hiển từng tự hào tâm sự rằng: “Thật vui vì tôi có Hữu Thắng. Tôi sẽ xây dựng đội bóng bằng tư tưởng cậu ấy. T&T HN muốn gắn bó lâu dài với Hữu Thắng. Tôi sẽ ủng hộ Hữu Thắng tuyệt đối”. “Bầu” Hiển hứa cho nhà, tăng lương và trao quyền lực tuyệt đối để Hữu Thắng biến T&T HN thành một “thế lực”. Thật bất ngờ khi Hữu Thắng từ bỏ tất cả để trở về với đội bóng quê hương.
SLNA không thể sánh với T&T HN về tài chính. Nhưng đội bóng này luôn trong trái tim Hữu Thắng. Vấn đề của Hữu Thắng không phải là cái biên chế ở Sở VH-TT-DL, mà SLNA là một phần quan trọng trong cuộc sống của anh. Anh sẽ xây dựng lại SLNA như một cách để trả nợ ân tình. Bởi vì đưa SLNA bước lên đỉnh cao là khao khát của bất cứ cầu thủ xứ Nghệ nào, trong đó có Hữu Thắng.
SLNA và Hữu Thắng sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng cái Tình có thể là bệ phóng cho thành công. Và cũng vì cái Tình, theo gương Hữu Thắng mà một loạt cầu thủ xứ Nghệ bỗng thay đổi kế hoạch. Huy Hoàng không đến T&T HN. Hồng Tiến từ chối mời chào của các CLB khác. Họ chấp nhận chịu thiệt về tài chính để ở lại vì thủ lĩnh tinh thần của mình, vì bóng đá xứ Nghệ. Họ hiểu rằng, tiền không phải là tất cả, sống không chỉ nhận, mà phải biết hy sinh vì những điều cao cả. Và một lần nữa người ta thấy trong một nền bóng đá mà đồng tiền có quyền năng đặc biệt thì cái Tình vẫn có tiếng nói quyết định.
Ông Nguyễn Hồng Thanh: "Nhiều cầu thủ thương tôi"
Ông Nguyễn Hồng Thanh, người có biệt danh là “Khổng Minh xứ Nghệ” từng thổ lộ rằng: “Cầu thủ thương tôi và vì tôi. Những thời điểm khó khăn nhất cùng HN.ACB, tôi không hề than vãn với bất cứ cầu thủ SLNA nào. Ấy vậy mà họ vẫn nghĩ đến tôi, lo cho tôi”.
Người ta kể rằng, khi ông Thanh rời khỏi SLNA, gần như tất cả các cán bộ, cầu thủ đã rớt nước mắt. Sau mỗi trận đấu, điều các cầu thủ SLNA quan tâm nhất là “Đội của bác Thanh thắng hay thua”? Vì thế, mỗi lần đem quân về xứ Nghệ, ông Thanh thường tránh gặp học trò cũ. Ông lên khán đài, không tham gia chỉ đạo, nhưng cầu thủ SLNA vẫn thi đấu đầy “tâm trạng”. Họ quá nặng tình với “bác Thanh”.
Nhiều cầu thủ từng đi theo ông Thanh ra Hà Nội. Khi ông Thanh trở về SLNA, người đầu tiên “quy cố hương” là HLV Nguyễn Hữu Thắng. Và sau đó, có một phản ứng dây chuyền tại SLNA. Nhiều cầu thủ từ chối mọi lời mời chào để ở lại cùng “bác Thanh”, “anh Thắng”.
(Theo báo Bóng Đá)