(Bongda24h) - Không có nỗ lực tuyệt vời của Israel trước gấu Nga tại Ramat Gan thì người Anh đã phải ôm hận. Giờ đây nụ cười và niềm vui đã trở lại với những NHM bóng đá Anh. Thế nhưng nếu nhìn đến một tương lai xa hơn không hiểu tuyển Anh sẽ làm nên trò trống gì khi mà giải đấu nào họ cũng được đánh giá là” ứng cử viên nặng kí nhất”rồi chỉ mang lại những nỗi thất vọng khuôn nguôi.Thắng lợi của Israel đã khiến ĐT Anh từ cõi chết sống dậy
Người Anh luôn tự hào rằng họ là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại với nền văn hóa anglo-saxon truyền thống đậm đà bản sắc với sông Thames, điện Buckingham, tháp Big Ben và đài thiên văn Greenwich. Hiếm có dân tộc nào tự hào về bản ngã của mình như họ, thể hiện qua những hành động “không giống ai” như muốn tách biệt mình với phần còn lại của thế giới. Người Anh đi xe bên trái và thiết kế vô-lăng bên phải, người Anh gọi tầng một ngôi nhà là “tầng trệt” và tầng hai là “tầng một”… Tất cả nhằm tôn lên cái “Tôi” - cá nhân của những người Ăng-lê truyền thống.
Thực tế đã chỉ ra những thất bại đau đớn của người Ăng-lê. Từng là một siêu cường quốc với cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ 17 đưa Anh trở thành bá chủ thế giới. Từng là cái nôi của chủ nghĩa thực dân với diện tích thuộc địa rộng gấp hàng trăm lần mẫu quốc trài dải từ Tây sang Đông, nơi mà người Anh cao ngạo tuyên bố với thế giới “Mặt trời không bao giờ lặn trên đất nước Anh”… Tất cả giờ đã là quá khứ. Có thể đảo quốc sương mù sản sinh ra bóng đá thật đấy nhưng những người Brazil mới có công phát triển nó thành môn thể thao vua. Họ kiêu hãnh không chịu ngồi cùng chiếu với các quốc gia khác trong ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh để rồi sau đó chạy dài xin tham dự.
Trong tâm trí người Anh vẫn giữ niềm kiêu hãnh vì sản sinh ra bóng đá, vì sở hữu CLB lâu đời nhất, nhưng cao ngạo để làm gì khi mà gần nửa thế kỷ không một lần đăng quang ở giải vô địch thế giới, thậm chí chưa một lần đứng trên đỉnh châu Âu. Sự kiêu ngạo giết chết họ. Bước vào giải đấu lớn nào, người Anh cũng tự cho mình là ứng cử viên lớn nhất cho chức vô địch trong sự tung hê của giới truyền thông và sự kì vọng của người hâm mộ nhưng rút cục “ứng cử viên lớn nhất” lại thường xuyên chẳng làm nên trò trống gì . Kể từ EURO 1996 trên sân nhà, chưa một lần Tam sư vượt qua tứ kết một giải đấu lớn. Thành tích ấy rõ ràng tệ hơn rất nhiều khi so sánh với những ông lớn Brazil, Pháp, Đức… thậm chí là những Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc… Thất bại cay đắng ở Moscow, những vấn đề của Tam sư mới được bóc trần. Những ngôi sao mệt mỏi và rệu rã vì cày ải trên quá nhiều đấu trường, sự kì vọng quá lớn, giới truyền thông can thiệp quá sâu vào đội bóng, sẵn sàng tung hô các cầu thủ như những vĩ nhân nếu chiến thắng và xỉa xói không thương tiếc trong trường hợp ngược lại… Nhưng vấn đề chính lại nằm ở băng ghế chỉ đạo.
Không HLV người Anh nào đạt đến tầm cỡ như Capello |
Nếu như người Ý có Dino Zoff, Trappatoni và Lippi; người Đức có Berti Vorgts, Rudi Voller và Klinsmann; người Hà Lan có Guud Hiddink, Frank Rijkaard và Van Basten; người Tây Ban Nha có Camacho và Aragones… thì người Anh chỉ có một Macca bé nhỏ. Chỉ có một sự nghiệp tầm tầm với một đội bóng trung bình cỡ Boro và thành tích tốt nhất là một lần lọt vào chung kết UEFA CUP (để rồi thảm bại 0-4 trước Sevilla) nhưng Macca lại được FA tin tưởng đơn giản bởi ông là người Anh và không còn người Anh nào xứng đáng hơn ông. Chính sách bảo thủ lựa chọn HLV theo quốc tịch của liên đoàn đang giết chết đội bóng của họ. Có thể người Ý, người Đức, người Hà Lan… cũng chỉ sử dụng HLV nội nhưng đó là bởi họ có những tên tuổi lớn ở trên. Trong khi đó, Tam sư chỉ có những tên tuổi cỡ Cubirshley, Pardew, Alladyce… .Tuyển Anh chỉ là “Hổ giấy”
Việc Israel bất ngờ giành chiến thắng trước gấu Nga là một món quà tuyệt vời cho “Macca và đồng bọn” nhưng liệu rằng niềm vui nho nhỏ đó có đủ để che lấp đi những vấn đề nảy sinh.
Giải Ngoại hạng luôn tràn ngập những cầu thủ nước ngoài |
Trước hết đó là sự vắng bóng của người Anh tại giải vô địch quốc gia của họ. Premiership là một giải đấu hàng đầu thế giới, 4 đại diện MU, Arsenal, Liverpool, Chelsea làm mưa làm gió ở Champions League nhưng MU thành công với Rooney cộng thêm Tevez, Ronaldo, Nani; Arsenal đắm say trong chuỗi bất bại mà không có một người Anh nào trong đội hình; Chelsea sống nhờ những bàn thắng của Drogba; Liverpool sẽ ra sao khi không còn Torres… Theo thống kê, tỉ lệ cầu thủ quốc tịch Anh ở giải ngoại hạng năm nay chỉ là 37%, tức là chưa bằng một nửa so với 15 năm trước, thời điểm Premiership thành lập. Hồi chuông báo động cho những nhà quản lý bóng đá. Các cầu thủ nhí tới từ khắp nơi trên thế giới tràn ngập các học viện trẻ và lấn át người bản xứ. Các HLV có xu hướng tìm kiếm cầu thủ từ Đông Âu, châu Phi, Nam Mỹ… vì họ tiềm năng hơn, rẻ hơn và dễ kiếm hơn. Quá trình toàn cầu hóa ảnh hưởng tới bóng đá một cách sâu sắc.
MU từ bỏ lối đánh biên truyền thống từng làm nên thương hiệu để theo đuổi vũ điệu Latin quyến rũ, Arsenal lãng mạn với những pha đan bóng ở cự ly ngắn, Chelsea tìm kiếm sự chắc chắn và khoa học của người Do Thái, Liverpool chuộng người Tây Ban Nha… Khi đó, những cầu thủ Anh truyền thống chỉ biết kick&rush không còn phù hợp và CLB đi tìm những cầu thủ ở nơi khác. Premiership ngày càng hoa mỹ, người hâm mộ hưởng lợi từ những trận cầu mãn nhãn nhưng đội tuyển quốc gia thì ngược lại. Joe Cole và Wright-Philips bị cùn vì không thường xuyên được ra sân. Crouch và Defoe không thể chơi hay khi luôn phải mài mòn băng ghế dự bị ở CLB… Khi những thất bại đến ngày một nhiều mà rõ nhất là nguy cơ làm khán giả cho EURO 2008, người Anh mới cuống cuồng kêu gọi giảm cầu thủ ngoại ở giải vô địch quốc gia. Đích thân thủ tướng Gordon Brown đôn đốc áp đặt quota ngoại binh. Premiership bùng nhùng trong một mớ mâu thuẫn giữa câu lạc bộ và đội tuyển.
Nhờ Israel, Anh đã gần như chắc chắc lọt vào VCK Euro 2008 nhưng nếu như họ không tự giải quyết được những vấn đề của chính mình mình, “Tam sư” cũng chỉ là một người khổng lồ bằng giấy mà thôi!
Bài viết dự thi: “Nếu bạn là chuyên gia”
Người viết : Nguyễn Văn Đỉnh
Địa chỉ : Lớp K49XF, Đại học xây dựng Hà Nội
Email : nguyendinh_kstn_dhxd@yahoo.com