Phong độ thiếu ổn định là điều dễ nhận thấy nhất ở các ngoại binh. Timothy, Samson rồi Lazaro, Mota đều có giai đoạn 1 thi đấu cực kì ấn tượng nhưng lại xuống dốc không phanh ở nửa sau mùa giải. Đối với những người cũ, việc giữ được phong độ còn khó chứ chưa nói đến việc tỏa sáng. Cuối cùng, tất cả cũng chỉ ghi nhận được sự thành công của một số ngoại binh như Lee Nguyễn hay Leandro.
Kỳ vọng lắm, thất vọng nhiều
Ai cũng thấy tiếc cho T&T HN hay Thể Công khi chứng kiến Timothy chơi bóng như “lên đồng” trong màu áo CS.ĐT. Cầu thủ người Nigeria từng bị cả 2 đội bóng Thủ đô từ chối tiếp nhận. Và rồi, anh đã chứng minh đó là quyết định sai lầm khi tỏa sáng trong gần hết giai đoạn đầu của mùa bóng tại CS.ĐT. Bộ đôi Timothy - Samson trở thành “hung thần” của mọi hàng thủ với hiệu suất ghi bàn cực cao của mình.
Tương tự thế, Lazaro cũng tạo tiếng vang khi thi đấu tưng bừng trong mầu áo QK4. Hiệu suất ghi bàn ổn định của cầu thủ này là yếu tố quan trọng giúp đội bóng quân khu thăng hoa trong giai đoạn đầu của mùa bóng. Thế nhưng, ở giai đoạn 2, lần lượt Timothy, Samson rồi Lazaro, những cái tên từng được đặt rất nhiều hy vọng đã tịt ngòi, sa sút và mất hút cùng sự đi xuống của đội bóng. QK4 còn suýt xuống hạng trực tiếp.
Merlo Gaston, đồng Vua phá lưới với 15 bàn cũng là một nỗi thất vọng lớn. Ngay sau khi mùa giải kết thúc, SHB.ĐN cũng chẳng mặn mà trong việc giữ lại Vua phá lưới ngoại của mình. Merlo không thể sánh với Almeida, dù cho tiền đạo Almeida luôn bị chê là vụng trong những pha xử lý bằng chân. Merlo còn kém hơn thế. Những pha ghi bàn của cầu thủ này hầu hết đến từ những pha không chiến hoặc những tình huống dứt điểm bằng chân đơn giản. Không ai đánh giá cao trung phong của SHB.ĐN dù anh đồng dẫn đầu danh sách dội bom.
Nhưng khổ vì ngoại binh nhiều nhất có lẽ phải kể đến T&T HN ở giai đoạn 1. HLV Triệu Quang Hà mất ghế một phần cũng vì Orlando, Alex hay Junior, những cầu thủ đá “phủi” còn khó chứ chưa nói đến chơi bóng chuyên nghiệp. Dĩ nhiên, việc T&T HN đã tụt xuống cuối BXH khi lượt đi kết thúc cũng có thể quy kết một phần cho chất lượng ngoại binh kém cỏi.
Hầu như các đội bóng ở nhóm xuống hạng đều sở hữu trong tay những ngoại binh kém chất lượng. Đội bóng TP.HCM khó khăn về tài chính nên không thể chọn được những ngoại binh ưng ý. HLV Lư Đình Tuấn đã hơn một lần phải than thở về ngoại binh. Thậm chí, ngay đầu mùa giải, họ đã phải nói lời chia tay với Salatiel vì chấn thương. M.NĐ cũng ở trong hoàn cảnh tương tự với những cái tên cũ rích như Philips hay Amaobi và tất cả những cầu thủ này đều không đáp ứng được kì vọng.
Hàng cũ xuống giá
Chưa khi nào những ngoại binh kỳ cựu tại V.League lại đồng loạt xuống phong độ như mùa giải năm nay. De Jesus, thậm chí là cả Rogerio, Helio, Philani đều ít nhiều gây thất vọng. Chân sút hàng đầu của XM.HP là De Jesus vật lộn gần hết giai đoạn 1 và tịt ngòi trong suốt nửa mùa giải đầu. Anh bỏ lỡ nhiều hơn trong những tình huống đối mặt, mất bóng nhiều hơn ở những pha tranh chấp tay đôi. Leandro vẫn là nhạc trưởng trong những pha bóng tấn công của Đội bóng đất Cảng, vẫn là tiền vệ ngoại xuất sắc nhất V.League 2009, nhưng ngay bản thân HLV Vương Tiến Dũng cũng phải thừa nhận rằng, cầu thủ này đã suy giảm ít nhiều so với chính anh ở mùa giải trước. Và đó cũng là một phần lý do khiến XM.HP có nhiều hơn những trận thua trên sân nhà.
ĐT.LA, về lý thuyết, vẫn có trong tay những ngoại binh thuộc “hàng tuyển” như Antonio Carlos hay Tshamala. Thế nhưng cả 2 lại trở thành nỗi thất vọng lớn với HLV Jose Luis. Bộ đôi cầu thủ này không còn thể hiện được phong độ cao như trước và Tshamala lại thường xuyên dính chấn thương. Đáng buồn hơn, số ngoại binh ĐT.LA lấy về để bổ sung lại toàn “hàng dạt” kém chất lượng như Bolima, Everton Rocha hay Jorge Silva.
Những cái tên cũ đã không còn giữ được thương hiệu. Almeida của SHB.ĐN cũng vụng về hơn và phải nghỉ thi đấu gần hết giai đoạn 2 vì chấn thương. Philani của B.BD cũng ở trong tình trạng tương tự với cái đầu gối có tật. Họ đang rớt giá thê thảm, điều mà không nhiều người nghĩ tới khi các CLB vung tiền tỉ để giữ chân họ.
Những đốm sáng lẻ loi
Không nhiều cái tên ngoại để lại ấn tượng. Chỉ có thể kể đến Lee Nguyễn của HAGL, Leandro của XMHP hay sự xuất hiện của Cristiano và Francois ở T&T HN.
Lee Nguyễn gần như cáng đáng cả hàng công của Đội bóng phố Núi. Có tốc độ, kĩ thuật, dứt điểm tốt và cả sự bùng nổ ở những pha đột phá là thế mạnh của cầu thủ Việt kiều này. Thế nhưng, đốm sáng lẻ loi ấy cũng chẳng thể phát huy được nhiều khi xung quanh anh, các vệ tinh lại không xứng tầm để có thể phối hợp ăn ý. Nó cũng là nguyên do khiến Thonglao không đạt được phong độ như khi trở về khoác áo ĐTQG Thái Lan.
Leandro tuy có giảm sút xuống phong độ nhưng không ai có thể phủ nhận, cái chân trái của anh vẫn là “đặc sản” ở V-League. Những cú “chém bóng” tầm xa như đặt vào chân đồng đội hay những pha sút phạt thần sầu đạt đẳng cấp thế giới vẫn là những món đặc sản mà Leandro dành tặng các CĐV đất Cảng. Khi V.League và thậm chí là chính XM.HP đều lựa chọn lối chơi thiên về tốc độ và thể lực thì Leandro chính là cầu nối mềm mại nhất của thứ bóng đá Latin, đậm chất kĩ thuật.
T&T HN ở giai đoạn đầu than trời về lực lượng ngoại binh bao nhiêu thì ở giai đoạn 2, HLV Nguyễn Hữu Thắng lại có thể hả hê bấy nhiêu. Cristiano, cầu thủ từng có thời gian khoác áo T&T HN trở lại và nhanh chóng bắt nhịp, phát huy được đẳng cấp của mình. Chơi ở vị trí trung vệ, Cristiano không chỉ là thủ lĩnh hàng phòng ngự của đội bóng Thủ đô mà còn là tay dứt điểm cừ khôi trong những pha âm thầm lên tham gia tấn công từ tình huống bóng chết. Cựu cầu thủ của Benfica chính là điểm sáng lớn nhất trong chuỗi trận ấn tượng của T&T HN. Bên cạnh đó, phải kể đến những đóng góp của Francois Edene, cựu cầu thủ Thể Công. Sự ăn ý của cầu thủ này với Công Vinh đã giúp hàng công của T&T HN phát huy tối đa hiệu quả và băng băng tiến về đích. Những đường chuyền dọn cỗ cho Công Vinh giúp tiền đạo của ĐTVN tiến sát tới danh vị Vua phá lưới.
So với mùa giải trước, lực lượng ngoại binh năm nay dồi dào hơn nhưng lại chưa thỏa mãn những đòi hỏi về chất lượng. Trong gần 70 cầu thủ ngoại đã được đăng ký tại V.League, có đến gần 2/3 là cầu thủ Brazil, còn lại là từ châu Phi; trong đó, Cameroon, Nigeria, Ghana vẫn chiếm đa số. Khoảng 10 người còn lại đến từ Argentina, Romania, CH Czech, Thái Lan, Mỹ... Đa dạng nguồn hàng, tha hồ để các CLB lựa chọn nhưng đến khi kiểm định thực tế lại rất ít trong số ấy tương xứng với số tiền bỏ ra.
Đến ngay cả những mặt hàng được giới thiệu là hàng tuyển, từng khoác áo đội Olympic Brazil như Jackson của TP.HCM thì sân chơi V.League vẫn cho thấy sự khắc nghiệt khi không thể tôn cầu thủ này lên thành sao. Hàng ngoại, giá ngoại nhưng đa phần trong số ấy vẫn chỉ đạt đến tầm chất lượng nội. Đó có lẽ cũng là lý do khiến các CLB ở V.League đã phải nhanh chóng xúc tiến việc tìm kiếm ngoại binh cho mùa giải mới ngay khi mùa giải cũ còn chưa kết thúc. Họ đã biết “xót” những đồng tiền mình bỏ ra và muốn có sự chọn lựa kĩ càng để không phải “mua mớ rau nhưng trả tiền cân thịt”.
(Theo báo Bóng Đá)