(Bongda24h) – Mỗi lần đội tuyển quốc gia tập trung lại là một lần người ta thấy một số cầu thủ viện đủ lí do để “né” chuyện lên tuyển, nào là mất hộ chiếu khi để trong ô tô, nào là chăm sóc vơ đẻ con ốm, nào là bận việc gia đình, tóm lại là có tới trăm ngàn lí do để các cầu thủ không phải làm nghĩa vụ quốc gia. Nhưng sự thực có bao nhiêu phần trăm trong những cái “cớ” ấy là thật thì chẳng ai biết.
Xã hội càng phát triển thì đồng tiền lại càng có sức nặng để đo mọi chuẩn mực, thậm chí có nhưng cái tưởng rằng không thể đụng đến như lòng tự hào được cống hiến và khát khao bảo vệ danh dự quốc gia cũng đang bị đồng tiền chi phối. Những cầu thủ vô danh thì muốn một lần lên tuyển để nhanh chóng đánh bóng tên tuổi, và biết đâu nếu thể hiện tốt sẽ có vô khối câu lạc bộ kéo nhau đặt gạch để có được sự phục vụ. Còn những cầu thủ đã “no nê” khi nhận được mức lương khủng từ các câu lạc bộ lại mắc hôi chứng sợ lên tuyển bởi lỡ chẳng may dính chấn thương, biết đâu họ sẽ mất đi những khoản lương thưởng cực lớn của các “thiếu gia “ V – League. Ôi đồng tiền nhỏ xíu vậy mà có mãnh lực quá lớn khiến người ta quên đi lòng tự hào, tự tôn của cả một dân tộc.
Liệu có bao nhiêu cầu thủ thực sự xúc động và tự hào về hình ảnh này?
Mỗi cầu thủ đều có lí do riêng để không lên tuyển, nhưng chẳng bao lâu sau tất thảy mọi người đều thấy đó chỉ là cái cớ bởi họ đâu có thực sự chuyên tâm cho “chuyện gia đình”. Lắm cầu thủ mồm thì xoen xoét chăm vợ ốm con đau nhưng sểnh ra là tụ tập ăn chơi thả cửa, tưởng như không làm tròn nghĩa vụ với cả một quốc gia thì ít ra cũng bù đắp xứng đáng vai trò của một người đàn ông trong gia đình bởi ai cũng biết tình nghĩa khó vẹn toàn. Nhưng xem ra tất cả chỉ là ngụy biện, lúc này trong đầu của những cầu thủ còn đang nghĩ tới những khoản tiền thưởng kếch sù và những tiếng nhạc xập xình với các em chân dài thì làm gì có chút nhỏ nhoi nào nghĩ về thể diện quốc gia.
Tôi rất thích đá bóng và thường đi đá với những cựu cầu thủ công an Hà Nội thế hệ trước. Khi được tôi cho hay tin lớp thế hệ hậu bối của các anh, các chú thi nhau cố cởi chiếc áo đội tuyển quốc gia, cố thoát khỏi màu cờ đỏ sao vàng thì tất cả chỉ biết lắc đầu. Các chú còn cho tôi biết ngày trước cái suy nghĩ “được lên tuyển nó sướng lắm, cảm thấy cái gì đó tự hào lắm, thậm chí đá mệt đến sắp gục đến nơi vẫn cố chạy để lọt được vào mắt xanh của huấn luyện viên chứ đâu như bọn ‘nó’ bây giờ, chỉ nghĩ đến mua nhà, mua xe thôi”.
Nghe những lời nói ấy tôi lại thấy buồn, buồn cho cả một thế hệ tài năng đâu kém những bậc cha chú đi trước, nhưng xét về lòng khát khao cống hiến thì có lẽ còn phải xách dép theo học dài dài. Ôi đồng tiền! Cũng chỉ là vật trao đổi do người xưa qui ước để làm chủ nó, thế mà bây giờ nó lại làm chủ cả con người.
- Như Đạt