“Tĩnh” của Tây Ban Nha
Các cầu thủ Tây Ban Nha rất cố định ở vị trí của mình, gắn kết với nhau bằng các đường chuyền, và thường chơi rất khoan thai. Lối chơi chủ yếu của Tây Ban Nha dưới thời HLV Aragones là chơi bóng chậm rãi, chuyền qua lại nhiều, và khi thấy khoảng trống ở tuyến trên thì bất ngờ chuyền nhanh lên phía trên để “kết liễu” đối phương. Lối chơi này thành công đỉnh điểm ở trận ra quân với Nga, với 4 bàn thắng ghi được có vẻ khá dễ dàng.
Cái tĩnh của người Tây Ban Nha ....
Đó cũng có vẻ là lối chơi ru ngủ đối phương, được Italia hay sử dụng. Nhưng Italia nhiều khi không tìm ra khoảng trống, họ quyết tâm đi tìm khoảng trống bằng cách tăng sức ép đột ngột trong một khoảng thời gian nhất định nhằm kết liễu đối phương (trong trận tứ kết gặp Tây Ban Nha vừa qua họ đã không thực hiện cách này), thì Tây Ban Nha không cho thấy họ biết hoặc dám làm điều đó. 2 trận đấu tiếp theo ở vòng bảng và trận tứ kết với Italia cho thấy Tây Ban Nha luôn kiên trì với lối chơi khoan thai, chỉ tăng tốc ở từng pha bóng cụ thể. Và khi đối thủ chủ động phòng ngự, những cơ hội thật sự rõ nét đã không đến dễ dàng như trong trận ra quân.
Ít nhất thì lối chơi đó cũng giúp họ hai điều: duy trì một phong độ tương đối ổn định, và bảo toàn thể lực rất tốt. Ngay cả khi đá với Italia, dù kiểm soát bóng nhiều hơn hẳn, tấn công nhiều hơn hẳn đối phương, các cầu thủ Tây Ban Nha lại di chuyển ít hơn đáng kể so với đối phương.
“Động” của Nga
Nga là điển hình số 1 ở EURO lần này về hình ảnh của một đội bóng tấn công tổng lực, luôn di chuyển, và di chuyển ở tốc độ cao. Không một đội tuyển nào ở giải lần này có lối chơi “động” như Nga: các cầu thủ thường xuyên hoán đổi vị trí theo nhóm tạm thời, và hầu hết mọi vị trí đều cố gắng tham gia vào lối chơi tấn công. Cũng không có đội bóng nào tấn công ở tốc độ cao như Nga, và bản thân các cầu thủ thường xuyên tăng tốc như họ.
... hay cái động của người Nga sẽ chiếm ưu thế
Cách mà Nga triển khai lối chơi, tạo ra cơ hội, ghi bàn, và chiến thắng đối thủ trước Thuỵ Điển rồi Hà Lan là thuyết phục, tới mức tạo cảm giác như những đợt tấn công của họ là thường trực khả năng bùng nổ, và không thể cưỡng lại được.
Nhưng trạng thái tâm lý truyền thống của Nga khiến người ta chưa thật sự yên tâm, dù Hiddink đã thay đổi được rất nhiều. 2 trận đấu thuyết phục trước Thụy Điển và Hà Lan, Nga đều là đội bóng dẫn bàn. Trong trận đấu với Tây Ban Nha, họ chỉ duy trì được sức ép khi đối thủ chưa nâng tỷ số lên 2-0, còn sau đó họ như để trận đấu tuột khỏi tay mình.
Vì rắc rối mà họ phải đối diện là trong khi dâng lên, những khoảng trống phía sau sẽ dễ lộ ra hơn, mà Tây Ban Nha thì rất nhanh nhận ra và khai thác những khoảng trống đó, nhờ khả năng chuyền bóng cực tốt của hàng tiền vệ. Sự vắng mặt của trung vệ Kolodin, người đã chơi cả 4 trận trước đó, sẽ tạo thêm thách thức cho hàng thủ của Nga.
Nếu Tây Ban Nha không tạo được khoảng cách 2 bàn ở thời điểm nào đó, họ sẽ phải khốn khổ với sức ép từ các đợt tấn công như sóng vỗ bờ của Nga và rồi sẽ sụp đổ. Với bài học mà Nga đã rút ra ở trận “lượt đi”, và cái cách họ chống phản công trước Hà Lan cho thấy người Nga đã phòng thủ tốt hơn nhiều, nên khả năng Tây Ban Nha tạo được cách biệt như vậy là cực khó.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)