(Bongda24h) - Euro 2008 lần này là kỳ Euro thứ 13 được tổ chức. Và như vậy cũng có nghĩa là đã 11 kỳ Euro trôi qua kể từ ngày Liên Xô bước lên bục cao nhất ở giải đấu khai mạc, những người yêu mến bóng đá “Nga” chưa được một lần nếm trải lại cảm giác hân hoan với đội bóng “con cưng” của mình. Kể cả sau gần 20 năm từ khi chia tách đất nước và chính thức mang cái “tên riêng” Nga, đội bóng bên bờ sông Volga cũng chưa một lần khiến những người yêu bóng đá quê nhà thực sự được sống trong bầu không khí cuồng nhiệt của bóng đá, chưa một lần khiến những vũ điệu “hồ thiên nga” được bay trên các giải đấu lớn, chưa một lần khiến biển Adốp êm đềm đón nhận sông Đông(*)… Thay vào đó, thành tích của đội tuyển bóng đá quốc gia Nga luôn “trồi sụt” theo một biểu đồ hình sin dường như đã được định sẵn, mà đỉnh của nó cao nhất cũng chỉ dừng lại ở vòng bảng tại mỗi giải đấu mà họ được quyền tham dự.
Bài dự thi: “Nếu bạn là chuyên gia”
Nguyễn Văn Trung: Số 42/171 Nguyễn Ngọc Vũ - Cầu Giấy - Hà Nội.
Đến với VCK Euro 2008 lần này, rất nhiều người yêu mến bóng đá Nga mang trong mình một niềm tin không nhỏ rằng đã có sự đổi khác. Vì điều gì ư? Bởi họ đã “cướp trắng” của đội bóng “xứ sương mù” - nơi được xem là cái nôi của bóng đá, tấm vé mời còn lại để đến với sân chơi Euro lần này một cách đầy may mắn; bởi họ đang được truyền cảm hứng vào lối chơi từ một vị HVL tài ba, một “bộ não” siêu việt bậc thầy mang tên Guus Hiddink; và bởi một chút gì đó duy tâm khi cho rằng họ đã phá được điềm gở từ cái biểu đồ hình sin đầy xui xẻo đã đeo đuổi theo bóng đá Nga suốt gần hai thập kỷ qua…
Guus Hiddink (trái) được cho là người phá vỡ chu kỳ… quỷ ám của bóng đá Nga? |
Khi hạnh phúc đã là quá khứ…
Chức vô địch năm 1960 của Liên Xô - thời… xa vắng! |
Sau quãng thời gian dài thành công, bóng đá Xô Viết bỗng nhiên “chững” lại với thời kỳ hơn 10 năm bất ngờ vắng mặt một cách khó hiểu ở sân chơi Châu lục này. Tại hai VCK Euro 1980 tổ chức ở “xứ sở mỳ ống” và Euro 1984 trên đất nước hình lục lăng, đội tuyển Liên Xô đều lỗi hẹn khi không thể vượt qua được vòng loại, điều mà trước đây những người Xô Viết lạc quan vẫn cho rằng “nằm ngoài lịch sử” bóng đá nước nhà…
Tuy nhiên, “quá tam ba bận”, Liên Xô đã không có lần thứ 3 liên tiếp phải lỗi hẹn với Euro như những lo lắng, bồn chồn của người hâm mộ. Hơn thế, tại Euro 1988 được tổ chức trên đất Đức, USSR đã thực sự trở lại là chính mình như những năm “vàng son” trước đây. Một sự trở lại ngoạn mục!... Đứng đầu bảng B, bảng đấu có sự hiện diện của “Cơn lốc cam” - Hà Lan, sư tử Anh cùng CH Ireland với kết quả thuyết phục (2 thắng - 1 hoà), USSR tiếp tục loại Italia ở bán kết và chỉ chịu dừng bước trước “những người cũ” với sự xuất sắc của bộ tứ Hà Lan lúc bấy giờ: Van Basten - Gulit - Rijkaard - Koeman. Cùng với vị trí thứ hai này, Liên Xô đã chính thức “tự phong” cho mình biệt hiệu ông vua “về nhì” với ba lần thất bại ở trận chung kết Euro! Một kỳ tích mà chẳng mấy người hâm mộ muốn thấy...
Năm 1992 là kỳ Euro cuối cùng mà Nga tham dự với tư cách “chung” trên danh nghĩa CIS (Cộng đồng các quốc gia độc lập) sau khi có sự tan rã của Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết vào cuối năm 1991. Đây cũng là VCK Euro được xem là thần kỳ nhất trong lịch sử các VCK Euro với sự đăng quang “bất ngờ” của “những chú lính chì” Đan Mạch - những người “đóng thế” cho Tiệp Khắc (xin rút vì lý do nội chiến). Việc lọt vào danh sách 8 đội sau cùng tại Euro 1992 lần ấy trong bối cảnh tình hình rối ren của đất nước, theo nhìn nhận khách quan âu cũng đã là thành công cho bóng đá Nga.
… và hiện tại thì lắm chông gai!
Mặc dù đã “chia năm xẻ bẩy” thì vị thế của Nga - một quốc gia với diện tích lớn, dân số đông và một nền kinh tế mạnh vẫn gần như không đổi. Chỉ duy nhất thành tích của đội bóng là đã sang trang, một chương đen tối, ảm đạm hơn nhiều… Những thống kê đã cho thấy, kể từ khi thi đấu với danh nghĩa nước Nga, đội tuyển bóng đá nước này đã thể hiện một bộ mặt hoàn toàn trái ngược với những thành tích mà họ đã đạt được trước kia. Trong các giải đấu lớn ở cấp độ đội tuyển quốc gia (World Cup và Euro), cứ xen kẻ giữa hai giải đấu liên tiếp họ được quyền tham dự (và bị loại ngay ở vòng bảng) là y như rằng hai giải liên tiếp sau đó, họ lại không vượt qua được vòng loại(**). Thành tích yếu kém đó cứ đeo đuổi theo họ, lặp đi lặp lại mãi cho đến VCK Euro 2008 này mới thôi!
Nga không phải là Zenit và UEFA Cup cũng không phải là Euro! |
Tham dự Euro 2008 này, ngoài việc không phải chịu nhiều áp lực (do chỉ được xếp hạng tầm tầm, lại “quen” với việc bị loại ở ngay vòng bảng) thì điểm mạnh đáng nói nhất của đội tuyển Nga lần này có lẽ là họ được dẫn dắt bởi ông thầy người Hà Lan Guus Hiddink. Vị HLV này đã từng làm nên “điều không tưởng” khi góp công lớn đem về vị trí thứ tư cho đội tuyển Hàn Quốc tại WC 2002. Và vì thế mà những người Nga đang rất kỳ vọng vị HLV này sẽ một lần nữa làm được cho bóng đá Nga những điều như ông đã từng làm cho đội bóng Châu Á trước kia.
Tuy nhiên, xét đi thì cũng phải xét lại. Mặc dù không ai có thể phủ nhận được tài năng của Guus Hiddink(***) nhưng những gì ông đã làm được cho đội bóng “xứ kim chi” cũng phải dựa trên nhiều những lợi thế mà Hàn Quốc đã có được lúc bấy giờ. Trước tiên, là đồng chủ nhà với Nhật Bản nên Hàn Quốc (được xếp là “hạt giống”) rơi vào bảng đấu tương đối nhẹ. Thứ hai, việc được chơi trên sân nhà trước hàng vạn cổ động viên nhà là một lợi thế lớn của Hàn Quốc. Thứ ba, việc có được những quyết định có phần “ưu ái” từ trọng tài ở vòng loại 1/8 khi gặp Italia cũng là một thuận lợi không nhỏ giúp đội bóng này có thể đi xa. Thứ tư, là sự toả sáng đúng lúc, đúng thời điểm của các cá nhân trong đội bóng như Park Ji Sung, Seol Ki Hyeon, Lee Woon Jae, và đặc biệt là Ahn Jung Hwan… Và thứ năm, Hàn Quốc có được tâm lý thoải mái, không phải chịu nhiều áp lực vì việc vượt qua vòng bảng đã là thành công với họ. Đây rõ ràng là những “ưu thế” đóng vai trò quyết định trong việc có được thành tích kể trên của đội bóng xứ Hàn, những ưu thế mà đội tuyển Nga không thể “mang theo” trong lần tham dự Euro 2008 này.
Chỉ với niềm tin, liệu có làm nên điều kỳ diệu?
Câu trả lời là có! Chẳng như “truyện cổ Andersen” Đan Mạch và “Thần thoại Hy Lạp” tại hai kỳ Euro 1992, 2004 vừa qua đó thôi! Tuy nhiên, nếu đặt hy vọng vào đấy thì chẳng khác nào “lấy muối bỏ biển” hay “nằm mơ giữa ban ngày”, bởi những điều đó xét cho cùng cũng chỉ là số ít, là thiểu số, là rất hiếm hoi mà thôi… Còn với Nga, xét trên khía cạnh thực tiễn về thế - thời - lực hiện tại đang rất “chông chênh”:
Thiên thời?: Ngay ở trận mở màn với Tây Ban Nha đã cho thấy dấu hiệu của sự “không may” khi Nga bị từ chối bàn san bằng tỷ số bởi “cột dọc” khung thành. Việc không có được bàn san hòa đã buộc Nga dù không muốn cũng phải “giúp” Tây Ban Nha dễ dàng thực hiện lối đá phòng ngự - phản công theo ý mình. Thêm vào đó, việc rơi vào “nhánh đấu” có sự góp mặt của Italia, Hà Lan và Pháp thì dù có “sống sót” qua vòng bảng, Nga cũng chẳng hứa hẹn sẽ có thể “vào sâu”!
Đội tuyển Nga ao ước có được lợi thế này như Zenit!.. |
Nhân hoà?: Đây là yếu tố được xem là “u ám” nhất của đội bóng “xứ sở bạch dương” khi họ “mất” chân sút xuất sắc nhất đội tuyển Vladimir Beschastnykh(****) ngay trước khi giải đấu bắt đầu vì chấn thương. Hoạ vô đơn chí khi cũng vì lý do tương tự mà đội trưởng Arshavin cũng không thể ra sân trong một số trận đầu.
Không có cả ba yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hoà kể trên, rõ ràng là rất khó khăn cho “King Hiddink” để có thể dẫn dắt đội bóng vùng Xibia vượt qua được vòng bảng chứ chưa nói gì đến những điều kỳ diệu!
Phân tích thế để thấy được ngoài yếu tố “tình cảm”, có lẽ chẳng ai dám đặt cược vào cửa “thần kỳ” cho gấu Nga. Bởi thời của “Gấu cha vĩ đại” đã qua đi từ lâu, còn thời của “gấu con Misa” thì có lẽ vẫn chưa đến. Nói vậy, nghĩa là với đội tuyển bóng đá Nga, cho dù giữa hiện tại và quá khứ đã gần nửa thế kỷ trôi qua thì “đôi bờ” dường như vẫn còn xa cách lắm!
Ghi chú:
(*) : Sông Đông đổ ra biển Adốp. Ở đây là cách nói ngụ ý đội tuyển bóng đá Nga (sông Đông) chưa từng khiến những người yêu mến (biển Adốp) có được cảm giác “êm đềm” như đội tuyển Xô Viết đã làm được trước kia (vô địch Euro năm 1960).
(**) : Cụ thể là Nga được quyền góp mặt ở các giải đấu lớn như: WC 1994, Euro 1996, WC 2002, Euro 2004. Còn ở các giải đấu xen kẻ còn lại như WC 1998, Euro 2000, WC 2006 thì họ lỗi hẹn.
(***) : Tài cầm quân của ông phần nào được nói lên qua bảng thành tích ấn tượng: Cùng PSV Eindhoven đoạt Cup C1 Châu Âu (1988), Vô địch quốc gia Hà Lan nhiều năm liền (7 lần), đoạt Cup quốc gia Hà Lan (4 lần), Siêu Cup Hà Lan (1 lần); Hạng tư WC 1998 cùng đội tuyển Hà Lan; Hạng tư WC 2002 cùng đội tuyển Hàn Quốc; Vòng hai WC 2006 cùng Autralia…
(****) : Anh là người ghi được nhiều bàn thắng nhất cho đội tuyển Nga với 26 bàn sau 71 lần ra sân.