Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

MU: Phải chăng sau đỉnh cao sẽ là vực thẳm?

Thứ Ba 23/09/2008 15:00(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Hòa Newcastle United 1-1, thắng Portsmouth 1-0, thua Zenit và Liverpool cùng với tỉ số 1-2, hòa Villarreal 0-0 và cuối cùng là hòa Chelsea 1-1, MU lại tiếp tục có màn khởi động không thể tệ hơn trong mùa giải thứ hai liên tiếp. Nhiều người đã đặt câu hỏi rằng phải chăng MU đang chững lại sau một mùa giải quá thành công, phải chăng bầy quỷ đã đánh rơi khát vọng chiến thắng sau một năm ngập tràn danh hiệu. Vậy đâu là câu trả lời chính xác cho những nghi vấn này.

Bài viết tham dự cuộc thi “Nếu bạn là chuyên gia”.

Đỉnh Nguyễn, K49XF, ĐHXD Hà Nội.

Câu chuyện bắt đầu từ đêm Moscow 21/5, một trận chung kết Champions League đầy kịch tính mà Manchester United là những người giành chiến thắng cuối cùng sau loạt luân lưu may rủi dưới cơn mưa tầm tã. Đội trưởng John Terry của Chelsea, người sút hỏng quả penalty định mệnh cuối cùng và dâng tặng cup cho “Qủy đỏ” sau đó nói trong nước mắt: “MU đã chiến thắng. Họ đã lên đến đỉnh rồi và sẽ bắt đầu suy thoái.”


Liệu sau thành công này sẽ là sự suy thoái?

Những lời phát biểu của Terry bị lãng quên sau một mùa hè sôi động với EURO, Olympic Bắc Kinh và một kì chuyển nhượng sôi động, nơi mà Chelsea của Terry kịp gia cố đội hình bằng những bản hợp đồng bằng vàng với Bosingwa, Deco và Big Phil để rồi giờ đây đang bất bại và yên vị ở vị trí thứ hai sau 5 vòng đấu. Còn MU thì ngược lại, sau khi chỉ đón nhận một mình Berbatov đến Old Trafford nhưng cũng phải tạm biệt rất nhiều cái tên ra đi theo chiều ngược lại, “Qủy đỏ” đang trình diễn một bộ mặt yếu ớt đến khó tin. Người ta bắt đầu đặt ra những dấu hỏi to đùng cho Ferguson và học trò của ông, chính xác thì thứ bóng đá mà MU đang chơi có màu gì? Thật khó định nghĩa chính xác thứ màu sắc đó nhưng có thể chắc chắn rằng những gam màu nhợt nhạt đó không thể là hay giống với thứ màu đỏ lộng lẫy và chói lọi mà “bầy quỷ” phô bày trong phần lớn thời gian của mùa giải trước mà đỉnh cao là đêm Moscow kì diệu, nơi Ferdinand và đồng đội giương cao chiếc cúp danh giá lần thứ 3 trong lịch sử sau 9 năm chờ đợi và đưa Ferguson vào "ngôi nhà của những huyền thoại" với 2 lần dành Champions League. MU ấy nay đâu rồi? Lối chơi đẹp mắt, quyến rũ và cũng không kém hiệu quả đâu rồi? Hơn lúc nào hết, những lời Terry nói trong đau đớn được nhắc lại. Vậy phải chăng đêm Moscow 4 tháng trước đã là đỉnh cao trong biểu đồ thành công hình Sin của MU và cú "đề-pa" lạc điệu của mùa giải mới chỉ là khởi đầu cho một giai đoạn thoái trào tất yếu sau một đỉnh cao, một sự đi xuống không thể tránh được mà sir Alex Ferguson và học trò phải chấp nhận?
 


Tham gia

Những người anti MU đang thích thú khi liên tưởng MU của hiện tại với câu chuyện của AC Milan và Barcelona. Trong suy nghĩ của họ, MU sẽ phải chấp nhận sự đào thải mang tính quy luật, giống như Milan đã sa sút sau chiến thắng ở Athens năm 2007 và thậm chí không kiếm nổi một vé dự Champions League mùa này, hay giống như Barca đã trắng tay 2 mùa liên tiếp và hoàn toàn đánh mất mình sau cú đúp La Liga và Champions League năm 2006. Thậm chí nếu nhìn xa hơn thì Real Madrid hay Bayern Munich cũng là những hình tượng lí tưởng để minh họa cho quy luật đào thải đối với những kẻ từng bước lên đỉnh châu Âu. Người ta kể rằng từ khi cúp C1 châu Âu mang tên Champions League năm 1992, không có câu lạc bộ nào bảo vệ được chức vô địch của mình, những nhà vô địch của mùa giải trước đều sa sút rất nhiều ở mùa giải kế tiếp, giống như một lời nguyền. Vậy phải chăng MU của Sir Fergie sẽ là nạn nhân kế tiếp cho một quy luật điên rồ không thể chống đỡ?


MU cũng đã từng vô địch Champions League năm 1999, nhưng sau đó
họ vẫn thành công

Để trả lời cho những câu hỏi ở trên, ta hãy lật lại những kí ức cũ, những câu chuyện mà nhân vật chính vẫn là MU và Ferguson, câu chuyện của một thập kỉ trước. Manchester United đã đi vào lịch sử khi giành cú ăn ba huyền thoại năm 1999, đội bóng của Fergie bị Bayern áp đảo và bị dẫn bàn trong hầu hết thời gian của trận đấu cho đến khi Sheringham và Solksjaer làm nổ tung Nou Camp bằng hai bàn thắng trong những phút bù giờ. Sau mùa giải quá thành công ấy, MU phải mất gần một thập kỉ để một lần nữa ngồi lên ngai vàng của châu Âu, nhưng bầy quỷ đỏ vẫn hoàn toàn thống trị mặt trận quốc nội với hai chức vô địch Premier League liên tiếp năm 2000 và 2001 để trở thành một trong số 3 đội đăng quang 3 năm liên tiếp ở giải VĐQG Anh. Đến năm 2002, Manchester trắng tay trên mọi đấu trường nhưng ở Champions League, MU vẫn đi tới bán kết trước khi bị loại bởi Leverkusen bằng luật bàn thắng sân khách. Như thế, không thể nói MU đã suy thoái sau đỉnh cao năm 1999, nếu nói đến sự suy thoái, đó phải là MU của 3 năm 2004, 2005, 2006 khi quỷ đỏ không giành nổi một danh hiệu đáng kể nào. Quy luật nào cũng có tính tương đối, không thể nói rằng một đội bóng sau khi bước lên đỉnh cao ở mùa giải trước sẽ ngay lập tức rơi tự do ở mùa giải sau đó, và càng không thể dùng những quy luật đó để phán quyết số phận của MU trong mùa giải 2008-2009 này.

Nếu cần có một lời giải thích thì nguyên nhân chính khiến Manchester United sa sút ở mùa giải này chính là vấn đề nhân sự. Một kì chuyển nhượng thiếu khôn ngoan vừa bị MU bỏ lại sau lưng, tăng cường Berbatov là cần thiết nhưng một mình Berba rõ ràng là không đủ cho MU, khi mà những con người vẫn còn hữu dụng là Eagles, Piqué, Simpson, Campbell… lần lượt rời bỏ Old Trafford dưới nhiều hình thức. Cuộc săn lùng tiền đạo Bulgari đã tiêu tốn của quỷ đỏ quá nhiều thời gian, tiền bạc và trí lực, Ferguson thậm chí chỉ nghĩ đến chuyện giải quyết ổn thỏa vụ Berbatov và vụ Ronaldo mà hoàn toàn không có bất kỳ mối quan tâm tới bất kỳ một ngôi sao nào khác. Manchester đang thiếu người, đó là sự thực, khi mà đội hình ra sân của quỷ đỏ liên tục thiếu những mảnh ghép bởi đủ mọi lí do. Hargreaves, Carrick, Ronaldo và Neville chấn thương, Nani, Ferdinand bị treo giò còn Anderson chỉ mới trở lại sau những ngày hè mệt mỏi ở Bắc Kinh. Vị HLV người Scotland thậm chí phải thường xuyên dùng "siêu dự bị" Fletcher cho vị trí tiền vệ trung tâm và thật khó để xoay sở tốt với một đội hình chắp vá, nhất là khi đối thủ của quỷ đỏ có những cái tên sừng sỏ như Zenit, Chelsea, Liverpool và Villarreal.


Fletcher (áo đỏ) thường xuyên được vào sân ngay từ đầu vì
sự thiếu hụt lực lượng ở MU

Điệp khúc thường được những người chống MU nhắc đi nhắc lại là khát vọng của "Quỷ đỏ" đã mất đi sau một mùa giải thành công mọi mặt và câu chuyện Ronaldo nằng nặc đòi ra đi trong mùa hè được coi là dẫn chứng sống động nhất. “Ronaldo đã có đủ danh hiệu rồi”, “R7 không còn động lực để thi đấu nữa”, “R7 muốn đến Real để kiếm tìm những cảm hứng mới”… Những phán xét kiểu như thế vẫn dội xuống Old Trafford mỗi ngày và không một lời phản biện nào hợp lí hơn là câu chuyện của chính người thuyền trưởng Alex Ferguson. Tại sao 23 năm rồi mà Ferguson vẫn ở đó? Tại sao Sir Fergie không nghỉ hưu khi tuổi 70 đã cận kề? Tại sao ông vẫn không từ bỏ niềm đam mê nhai kẹo cao su và tận hưởng những chiến thắng cuối tuần sau hơn 2 thập kỉ ngập tràn vinh quang với 12 chức VĐQG, 5 FA cup và 2 Champions League? Nhiều người nói Ferguson tham quyền cố vị nhưng giữa lòng tham và khát vọng là một khoảng cách mong manh mà đôi khi ngay cách gọi tên nó cũng phụ thuộc tư duy chủ quan của từng người.

Nếu Ferguson không tham lam thì MU của ông có tạo được một vị thế như hiện nay hay không? Nếu Ferguson không giàu khát vọng thì ông có thể nâng cao chiếc cup châu Âu lần thứ hai hay không? Trước mắt Ferguson vẫn còn những mục tiêu cần hướng tới, xô đổ kỉ lục 24 năm dẫn dắt MU của sir Matt Busby, đánh đổ thành tích 18 lần đăng quang ở giải VĐQG của Liverpool để tiếm ngôi đội bóng giàu thành tích nhất nước Anh và giành thêm một Champions League để trở thành HLV đầu tiên đăng quang 3 lần ở đấu trường này. Ferguson vẫn nguyên vẹn khát vọng chinh phục sau 23 năm và ông sẽ truyền khát vọng ấy cho học trò của mình, giống như nụ cười tươi trẻ không bao giờ tắt trên môi người "hiệp sĩ xứ Scốt" vẫn truyền cho "Quỷ đỏ" sức sống mãnh liệt bất chấp không gian và thời gian. Ronaldo đã cam kết ở lại để chinh phục QBV châu Âu cũng như danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFA và không thể nói rằng anh không còn khát vọng nữa. Đội hình của MU hiện tại còn rất trẻ và do đó khát vọng chinh phục của họ không thể nhanh chóng mất đi chỉ sau một mùa giải, nhất là khi dẫn dắt họ vẫn là người hiệp sĩ trung thành Ferguson.


Điều quan trọng là MU vẫn được dẫn dắt bởi hiệp sỹ lừng danh, Sir Alex

Nếu nhìn những màn trình diễn của MU trên sân Stamford Bridge cuối tuần qua, mặc dù vẫn chưa thật thuyết phục nhưng có thể nhận ra rằng so với 5 trận trước đó, quỷ đỏ đang chơi tốt dần lên. Berbatov đang hòa nhập khá nhanh, Ronaldo trở lại với những bước chạy quen thuộc trong khi Neville chơi xông xáo bên cánh phải. Hơn nữa, kiếm được một điểm từ tay Chelsea thời điểm này không phải là vấn đề quá tệ hại đối với MU, quan trọng là MU đã cho thấy những dấu hiệu tốt cho sự trở lại. MU vốn khởi đầu mùa giải không tốt và màn khởi động chuệch choạc đầu mùa giải này cũng không quá khó để được chấp nhận.

Người ta thường kể một huyền thoại về Alexander Đại Đế. Alexander là con của vua Macedonia, một vùng đất thuộc Hi Lạp ngày nay. Thuở nhỏ, Alexander thường dạo chơi trong vườn, mỗi khi nghe tin vua cha vừa thắng trận và chiếm được một thành trì, Alexander không vui mà ngửa mặt lên trời than rằng “sau này còn thành trì nào cho ta chinh phục nữa”.  Cuối cùng, Alexander lớn lên và chinh phạt cả châu Âu, số thành trì ông chinh phục được nhiều hơn cha mình gấp bội và người đời gọi ông là Alexander Đại Đế, vị tướng lỗi lạc bậc nhất trong lịch sử nhân loại.

Sẽ thật khập khiễng nếu so sánh MU hay Ferguson với Alexander Đại Đế nhưng cái mà ta nghiệm ra từ truyền thuyết của Alexander là khát vọng chinh phục. Có khát vọng, con người ta sẽ có tất cả. Bằng khát vọng, Alexander đã chinh phạt cả châu Âu, người ta đã bay lên trời và bay ra ngoài vũ trụ bởi khát vọng được bay lên, Edmund Hillary đã trở thành người đầu tiên leo lên đỉnh Everest bằng khát vọng vượt lên những giới hạn của khả năng con người để ghi tên mình vào Guiness… Và với khát vọng mãnh liệt của Fergie, MU sẽ tiếp tục đi lên, sẽ thoát ra khỏi những quy luật khắc nghiệt nhất để đi vào lịch sử!

Tất nhiên, có người sẽ nói rằng: Chính Alexander Đại Đế cũng có lúc thất bại đó thôi, và triều đại của ông cũa đã sụp đổ. Điều đó hoàn toàn đúng, Alexander cuối cùng đã thất bại và lịch sử chỉ ra rằng không một đỉnh cao nào là vĩnh cửu cũng như không có triều đại nào là tồn tại mãi. Triều đại của Alexander ở Hy Lạp, triều đại của Julius Cezar ở La Mã hay gần hơn là triều đại của Napoleon Bonaparte ở Pháp… tất cả đã đi vào lịch sử như những mẫu hình thành công nhất về quân sự trước khi bị diệt vong. Nhưng không thể dùng những lí luận đó để kết luận rằng triều đại của MU sẽ suy vong sau đêm Moscow 21/5. Real đã đăng quang 5 năm liên tiếp ở Champions League giai đoạn 1956-1960, Ajax (1971 - 1973) và Bayern (1974-1976) cũng có chuỗi 3 năm liền vô địch châu Âu, vậy thì cú đúp Champions League và Premier League chỉ có thể coi là một thành công, chứ không thể coi là đỉnh cao nhất của một triều đại.


Đến Alexander Đại đế còn có lúc thất bại, huống chi Sir Alex?

Khi viết những dòng này, người viết chợt nhớ lại một câu nổi tiếng trong tác phẩm “Mùa lạc” mà người ta vẫn thường trích dẫn lại: “Ở đời này không có những con đường cùng mà chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có đủ sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Khát vọng của Ferguson sẽ tiếp tục dẫn đường cho MU vượt qua những khó khăn, sự trở lại của Ronaldo và sự hòa nhập của Berbatov sẽ cung cấp cho MU đủ sức mạnh để chinh phục mọi đỉnh cao, để vượt ra ngoài những giới hạn. Xin mượn lời của nhà văn Nguyễn Khải để kết thúc bài viết này.
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Hành trình khẳng định mình trên thị trường sim số đẹp của Trần Thu Hiền

Hành trình khẳng định mình trên thị trường sim số đẹp của Trần Thu Hiền

Hành trình khẳng định mình trên thị trường sim số đẹp của Trần Thu Hiền

Trong một thị trường sim số đẹp cạnh tranh khốc liệt, làm thế nào để một cá nhân có thể tạo dựng được thương hiệu riêng và khẳng định vị thế của mình? Đó là câu hỏi mà nhiều người kinh doanh sim số đẹp, đặc biệt là những người mới bắt đầu, luôn trăn trở. Và câu trả lời có thể đến từ chính hành trình khởi nghiệp đầy thú vị của chị Trần Thu Hiền.

Tiger - Bia chính thức của Câu lạc bộ Bóng đá Manchester United

Tiger - Bia chính thức của Câu lạc bộ Bóng đá Manchester United

Tiger - Bia chính thức của Câu lạc bộ Bóng đá Manchester United

Tiger® Beer - thương hiệu bia cao cấp hàng đầu thế giới vừa trở thành bia chính thức của Câu lạc bộ Bóng đá Manchester United. Đây là sự kết hợp giữa thương hiệu bia bản lĩnh rạng danh trên toàn thế giới và một trong những câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng và thành công nhất trên toàn cầu, nhằm nâng tầm trải nghiệm và tăng cường gắn kết cho người hâm mộ khắp thế giới.

Gary O'Neil trước áp lực mùa giải: Những bước đi cần thiết để giành sự sống còn

Gary O'Neil trước áp lực mùa giải: Những bước đi cần thiết để giành sự sống còn

Gary O'Neil trước áp lực mùa giải: Những bước đi cần thiết để giành sự sống còn

Trong tháng 9/2024, Wolverhampton Wanderers (Wolves) đã phải đối mặt với nhiều thử thách lớn tại Premier League. Mặc dù không đạt được những kết quả tốt nhất, đội vẫn có những màn trình diễn đáng chú ý từ các cầu thủ chủ chốt.

Xem thêm
top-arrow
X