M.U: Đáng lo!
Thứ Năm 05/11/2009 14:41(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên Sẽ là rất thiếu công bằng nếu cho rằng, sau khi Ronaldo ra đi, Nhà hát của Sir Alex đang dần cạn kiệt những ý tưởng lãng mạn. Họ vẫn thắng, vẫn chơi một thứ bóng đá được xem là đẳng cấp, và vẫn trừng phạt mọi sai lầm dù là nhỏ nhất của đối thủ dưới cơ.
Nhưng những chiến tích có phần xấu xí của Man Utd đang khiến người ta phải đặt ra một câu hỏi: Vì sao Quỷ đỏ lại phải thay đổi như thế, và trong một thời gian dài đến vậy? Có cảm giác như M.U đang sống nhờ những phút đá bù giờ, và cảm thấy hài lòng khi chứng kiến trận đấu kết thúc nhờ những bàn phản lưới nhà của đối phương. Vẫn biết, đẳng cấp và kinh nghiệm đã giúp họ tạo ra thói quen chắt chiu từng cơ hội nhỏ nhất. Nhưng với một đội bóng lớn, điều đó chắc chắn không thể kéo dài. Trước khi nói tới yếu tố may mắn, những gì Man Utd thể hiện ở vòng bảng Champions League chính là biểu hiện của cảm giác gặp khó khăn trong việc kiểm soát trận đấu.
|
Liệu Alex Ferguson có thực sự thoả mãn với thành tích của MU trong mùa giải này? |
Ở Anh, Man Utd đã cần tới cú đá đập người 1 cầu thủ Wolfsburg để Giggs mang về chiến thắng. Và trong trận hoà CSKA, điều đó đã tái hiện khi cú sút của Valencia khiến Shchennikov trở thành tội đồ ở phút bù giờ thứ 3. Trước đó, những nhà VĐ nước Anh cũng đã trải qua 2 chiến thắng 1-0 khá nhạt về mặt chuyên môn trước Besiktas và CSKA, những trận đấu mà á quân châu Âu chỉ có được các bàn thắng ở những phút cuối. Những chiến tích kiểu như vậy lan toả cả tới Premiership. Chưa ai quên cú đá phản lưới nhà của Diaby ở Old Trafford, mở ra cuộc lội ngược dòng cho thầy trò Ferguson trước Arsenal. Đó là còn chưa kể đến ít nhất 2 bàn khác cũng được dán mác “kính biếu” từ Bolton và Sunderland.
Những chuyên gia về bóng đá có thể cho rằng, có rất nhiều nhà vô địch luôn có số trận thắng 1-0 nhiều hơn mọi kết quả khác trong 1 mùa giải. Điều đó đúng, và M.U chính là một ví dụ như thế ở mùa trước. Tuy nhiên, ai cũng thấy rõ điểm khác biệt giữa các trận thắng đó với thời điểm này. Mùa vừa qua, đội bóng của Ferguson không có rất nhiều trận chơi theo kiểu huỷ diệt, nhưng họ lại thể hiện được sự thực dụng khủng khiếp mỗi khi dẫn bàn. Điều đó nói lên sự chủ động và những tính toán đáng nể của một nhà cầm quân đầy trải nghiệm. Nó khác hẳn với những cuộc rượt đuổi, những cú lội ngược dòng, và cả bản năng sát thủ chỉ bùng lên khi bảng điện tử báo bù giờ.
Những CĐV mới toanh của M.U có thể sẽ thấy buồn cười, nếu ai đó gọi Alex Ferguson là một biểu tượng của bóng đá tấn công. Nhưng điều đó là có thật, và điều đó cũng đã được khắc sâu trong những tâm hồn ở Old Trafford. Những con người đã tạo nên một M.U đầy say đắm thủa nào vẫn còn đó (Giggs, Scholes, hay Neville), nhưng họ đã không còn đủ sức để vực dậy niềm cảm hứng mà những Cantona, Becks, Cole, Ince, Hughes, Kanchelskis... đã từng tạo nên.
Khi M.U không tấn công, điều đó chưa chắc đã là vấn đề của Ferguson. Nhưng khi họ đã luôn thể hiện một bộ mặt xấu xí để chiến thắng, thì phải chăng đó là vấn đề của cả một thế hệ? Đã từ lâu lắm rồi, Man Utd không còn sản sinh được những lứa cầu thủ đủ sức làm thay đổi cả một đội bóng.
Có thể xem đó là nguyên nhân dẫn tới sự xuống dốc về cảm hứng. Nhưng đã không nhiều người nhắc tới chuyện đó, khi mọi thứ được giải quyết theo rất nhiều cách từ bộ óc siêu việt của Ferguson.
Phải, Ferguson đã là người luôn biết cách thay đổi, làm mới, và chiến thắng bằng những gì sẵn có. Nhưng quy luật lại nói: Không có gì mãi mãi!
Điều đó có đáng lo không?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)