Chuyện của “tên hề”…
Claudio Ranieri đã tỏ ra rất hồ hởi trước trận Chelsea - Juventus. “Đó sẽ là một trận đấu đầy cảm xúc với tôi”. Đây sẽ là lần đầu tiên ông quay trở lại Stamford Bridge, sau cái ngày thứ Tư, mà người Italia vốn nổi tiếng lạnh lùng này đã lần đầu tiên rời đường pitch trong nước mắt sau trận thắng Leeds 1-0, để rồi phải tới 16 ngày sau mới nhận được quyết định sa thải.
Ngày trở về của Ranieri, rất trớ trêu, lại là lúc mà cái guồng máy Abramovich đã khởi động từ chính việc sa thải ông, đang thể hiện sự lệch lạc hơn bao giờ hết. Scolari, HLV thứ tư dưới “đế chế Abramovich” đã ra đi, Guus Hiddink đến “chống cháy” và phong độ của Chelsea vẫn chưa hết chuệch choạc. Đó là cơ hội của Ranieri. Không chỉ để ông đưa Juventus đi tiếp, mà còn để ông phỉ báng vào những giá trị phù du mà Abramovich đã theo đuổi, những người Anh đã theo đuổi.
Báo chí Anh đã gọi Ranieri là “Clowni” (tên hề) trong những ngày đầu ông ở Chelsea. Bây giờ, khi Premiership đã quá giống một cái rạp xiếc, người ta lại cực kỳ vất vả trong việc tìm ra một HLV đẳng cấp như Ranieri để dẫn dắt Chelsea, Portsmouth, Newcastle, Tottenham… Nếu Juve đánh bại Chelsea, “Clowni” sẽ biến Abramovich và toàn bộ hệ thống tư duy “phải hoàn hảo” của bóng đá Anh thành trò hề.
…Và chuyện của Ngài đặc biệt
Mourinho ra đi cũng cay đắng, nhưng khác với Ranieri, ông vẫn nhận được sự kính trọng của số đông. Ngày về của Mourinho cũng không phải là để khẳng định những giá trị chưa được thừa nhận đúng mực, mà là để tiếp tục nhấn mạnh cái biệt danh Special One ông đã từng có ở nơi đây. Thêm một lần chiến thắng Alex Ferguson vĩ đại sẽ là liều thuốc quý cho sự tự cao vốn luôn dào dạt ở người đàn ông này.
Nhưng giữa ông và Ranieri vẫn có một điểm chung: đều là những người bị sa thải khỏi nước Anh. Dù được tán đồng bởi tư duy sai lầm của số đông (Ranieri) hay chỉ là sở thích nhất thời của một người (Mourinho), thì họ vẫn là những ký ức méo mó của nền bóng đá này. Nếu Ranieri là nạn nhân của giới truyền thông cực đoan (có chút gì giống với Avram Grant), thì Mourinho là nạn nhân của mâu thuẫn cùng cực giữa ông chủ 1 CLB và HLV, món “đặc sản” của Premiership, vốn cũng được tạo ra từ sự chủ quan của các nhà cầm quyền. Việc ông chiến thắng MU cũng sẽ chà muối vào một vết thương khác của CĐV Anh, không kém gì Ranieri.
Có lẽ bây giờ, Ranieri và Mourinho đang là những HLV được người Anh xếp vào diện “muốn thắng nhất”. Không phải vì thù hằn trong quá khứ, mà bởi nếu thua những con người ấy, sự lệch lạc trong cách làm bóng đá đầy cảm tính bấy lâu nay của họ sẽ lồ lộ.
Nếu thua 2 con người ấy, không chỉ có Chelsea, mà toàn bộ châu Âu sẽ cười vào mũi nước Anh, những kẻ đang tự phong cho mình vai trò “thống trị”.
(Theo Bongda)