Chuẩn bị cho V-League 2007, ban huấn luyện CLB Đà Nẵng đã thực hiện một chuyến đi một tháng đến Brazil để săn lùng cầu thủ. Huỳnh Đức cũng là một thành viên theo đoàn, và anh đã kể về câu chuyện đầy thú vị ở đất nước Nam Mỹ này.
Tiền đạo Lê Huỳnh Đức trong màu áo Đà Nẵng. |
Điều đập vào mắt chúng tôi khi vừa tới sân bay quốc tế Rio de Janeiro là vô số cụm sân bóng đá. Thôi thì đủ loại, sân 11 người, sân mini năm người, nhưng loại sân dành cho bảy người thi đấu là nhiều nhất.
Giải thích với tôi về chuyện này, hướng dẫn đoàn anh Luiciano Douglas (con trai của HLV Luiciano đang làm việc tại CLB GĐT) nói: “Sân 7 người rất phổ biến ở Brazil vì dễ dàng tổ chức một trận đấu. Hơn nữa, người dân Brazil vốn chuộng kỹ thuật. Do vậy sân bảy người là nơi họ thỏa sức tung hoành về kỹ thuật và giúp mọi người phát huy được bản năng chơi bóng của mình”.
Sân bóng đá hiện diện ở khắp nơi trên đường phố, thậm chí trong công viên cũng tràn ngập những cụm sân. Dọc theo bãi biển, sân bóng đá cũng xuất hiện dày đặc. Không chỉ chơi bóng bằng chân, người Brazil còn chơi bóng đá bằng đầu, vai, đùi một cách khéo léo.
Không chỉ nam giới, các cô gái Brazil cũng cực khéo khi chơi bóng đá kiểu này. Nhìn họ vui đùa trên bãi biển, tôi có cảm giác hình như bất kỳ người dân Brazil nào cũng có thể chơi bóng đá một cách thuần thục, khéo léo. Trong một sân bóng có đủ mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ thi nhau rượt đuổi cùng quả bóng một cách hồn nhiên, suốt từ sáng đến tối. Thậm chí về đêm, bãi biển cũng rực sáng ánh đèn để mọi người chơi bóng đến chán chê rồi mới chịu về nhà ngủ.
Một tối nọ, vào khoảng gần 22h, Sandro (cựu cầu thủ Bình Định, An Giang) đến tận căn hộ chúng tôi ở để rủ xuống biển đá bóng. Ham vui, tôi liền đi theo. Nhiều cầu thủ nghiệp dư cứ ngỡ rằng tôi là khách du lịch, không biết đá bóng nên ban đầu họ có vẻ coi thường.
Vào cuộc chơi, tôi đá cũng không kém gì, dù rằng đó là lần đầu đá trên bãi biển. Đến lúc tôi chuyền bóng cho đồng đội ghi bàn nhiều lần, nhiều người mới hỏi sao tôi chơi chẳng kém họ. Đến lúc ấy, Sandro mới bật mí với những người đồng hương rằng Lê Huỳnh Đức từng là tuyển thủ VN. Nghe vậy, nhiều người ồ lên rằng: “Hèn chi anh ấy chơi khéo vậy”.
Sức sống của bóng đá ở Brazil mãnh liệt như vậy nên đội tuyển quốc gia của họ luôn khủng hoảng thừa lực lượng. Trông người mà cám cảnh cho sự hụt hẫng tài năng với bóng đá VN. Tôi cũng chợt buồn khi nhớ lại những sân bóng phong trào ở TP HCM đang ngày càng ít đi. Phải chăng điều đó là một trong những nguyên nhân chính khiến cho bóng đá thành phố đang ngày một nghèo tài năng.
Huỳnh Đức (Theo Tuổi Trẻ)