Trận đấu đẹp và hấp dẫn, nhưng hòa 2-2 với Roma rốt cục là một thất bại, vì khoảng cách với Inter không hề được thu hẹp lại (vẫn 9 điểm), trong khi cách biệt với Juve lại tăng thêm 2 điểm (từ 3 lên 5 điểm) và hơi thở của các đội bám ngay phía sau đã có thể cảm nhận được từ gáy Milan (Napoli chỉ còn kém 1 điểm, Genoa và Fiorentina 2, Lazio 4 điểm). Sau đêm Olimpico, Milan “6 sao” vẫn là một dấu hỏi lớn. Trong vòng 15 phút đầu của hiệp 2, họ đã chơi một thứ bóng đá đẹp đẽ của tấn công và cống hiến, ghi 2 bàn thắng từ những nỗ lực cá nhân tuyệt vời của một cầu thủ, trớ trêu thay là trẻ nhất và sung sức nhất đội, Pato, mới 19 tuổi, để rồi sau đó vứt đi thắng lợi. 75 phút còn lại là bóng tối, là sự hỗn loạn trong lối chơi. Họ thể hiện sự mong manh rạn vỡ ở những vị trí trọng yếu nhất: là hàng tiền vệ (không có một tiền vệ đánh chặn đúng nghĩa, cỡ Gattuso) và hàng thủ (bộ đôi Favalli-Maldini khốn khổ có tổng số tuổi lên đến 79). Những gì đang diễn ra với Milan bây giờ là bằng chứng để hiểu chính sách của Real Madrid những năm “Galactico”. Ai cũng kêu gào Real phải tăng cường hàng thủ, khi cả tuyến trọng yếu ấy nằm trong tay những hậu vệ mà tên tuổi của họ không đáng một cái nhíu mày. Rốt cục, Real có bổ sung ai đâu vì dường như sợ rằng có một trung vệ xuất sắc sẽ làm hỏng đi những bữa tiệc bóng đá mà các ngôi sao tiền đạo chỉ có cảm hứng nhảy múa một khi họ bị đẩy vào những hoàn cảnh phải đóng vai người hùng. Tất cả lên phía trên, hàng tiền đạo, nơi cống hiến và ghi bàn, tập trung hàng loạt siêu sao tấn công các loại từ khắp nơi trên thế giới trong một bộ sưu tập kì lạ. Milan bây giờ cũng thế. Hàng thủ không phải với những cái tên ít ai biến đến, nhưng đều đã sắp rụng răng, từ nhiều năm qua đá dối già và nay đã kiệt sức. Hai tuyến trên đầy chật các ngôi sao tấn công mà chỉ cần sự có mặt của Beckham như trong trận đêm chủ nhật là tất cả trở nên nháo nhào, hỗn loạn và dẫm chân lên nhau. Ronaldinho mờ nhạt một cách bất thường, ngược lại Kaka tỏa sáng đôi chút, Seedorf hy sinh tất thảy cho vị trí con thoi anh không quen thuộc. Chỉ có Pato là bùng nổ, vì anh là người duy nhất có vị trí và nhiệm vụ rõ ràng trên sân.
Tất cả đều nghĩ anh sẽ ra sân trong hiệp 2, nhưng trên thực tế, Ancelotti đã đưa anh ra đá ngay từ đầu. Nhưng xét cho cùng, chẳng ai ngạc nhiên về điều ấy. Milan mượn anh về từ đất Mỹ không phải là để cho anh đá vài phút một trận. Sức ép của những nhà tài trợ nặng kí hơn tất thẩy những nỗi lo ngại về sự mất cân bằng của đội bóng hay những thất bại nghiêm trọng về mặt chuyên môn dẫn đến những trận thua kinh khủng khi có anh. Becks sẽ đá chính nhiều trận nhất có thể, và không chỉ có thế, suốt 90 phút mỗi trận, từ nay cho đến khi anh trở về MLS, và các đối thủ của Milan có thêm những lí do mới để đánh bại họ: tập kích bằng sức mạnh cơ bắp vào tuyến giữa của Milan.Milan đi về đâu
Ancelotti, dưới sức ép của Berlusconi (đến lượt ông này chịu sức ép của vô số các nhà tài trợ), đã tung ra một đội hình tấn công nhất có thể, với Beckham, Pirlo, Seedorf chơi phía sau Ronaldinho, Kaka và Pato, nghĩa là trên thực tế hầu như không có tiền vệ. Kết quả là gì? Nhồi nhét các ngôi sao vào một đội hình thi đấu không đồng nghĩa với việc tự nhiên chiến thắng hay sự ngoạn mục đến ngay tức khắc. Thời đại Brazil những năm 1950 của Didi, Vava và Pele đã qua nửa thế kỉ. May mắn cho Milan là Roma vắng Totti, Menez và không có được phong độ, cảm hứng, lẫn sự dũng cảm và quyết đoán cần thiết để hạ gục một đội bóng thiếu cân bằng đến thế. Một đội bóng giàu quyết tâm và thể lực có thể nghiền nát Milan từ tuyến giữa. Tưởng tượng ra trận Inter-Milan như thế đêm 15/2…
(Theo Thể Thao Văn Hóa)
Milan “6 sao”: Khi nhóm nhạc “Beck” Street Boys bắt đầu ca
Thứ Ba 13/01/2009 16:33(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên