Người “ngốn” nhiều tiền nhất từ ngân sách chuyển nhượng của Marseille mùa Hè này, tiền vệ Lucho Gonzalez đến từ Porto với giá 18 triệu euro, mang quốc tịch Argentina. Tiền vệ Stephane Mbia, được mang về từ Rennes với giá 12 triệu euro, là người Cameroon. Senegal là quê hương của Souleymane Diawara - trung vệ được mua với giá sáu triệu euro từ kình địch Bordeaux. Ngay cả thủ thành dự bị Elinton Andrade, đến từ Rapid Bucharest với mức phí rẻ mạt 200.000 euro, cũng là một người Brazil. Chỉ có Eduardo Cisse, miễn phí từ Besistak, là người Pháp. Tuy nhiên, cùng với sự ra đi của ba người Pháp khác là Ronald Zubar (3 triệu euro, sang Wolverhampton), Gael Givet (4 triệu, Blackburn) và đặc biệt là Djibril Cisse (8 triệu, Panathinaikos), Marseille gần như sẽ nằm dưới sự thống lĩnh của một đội ngũ lính lê dương đông đảo đến mức thừa mứa trong mùa giải mới.
Gabriel Heinze đang trên đường rời Real Madrid |
Sự có mặt của Heinze sẽ “gia cố” thêm cho chất “bê tông ngoại” ở hàng thủ Marseille. Trừ thủ môn Steve Mandanda và hậu vệ phải Laurent Bonnart, ba vị trí còn lại đều là “hàng ngoại nhập”: Taye Taiwo (Nigieria), Diawara (Senegal), Vitorino Hilton (Brazil) hoặc Heinze (Argentina). Chưa hết, sự bổ sung ồ ạt ở tuyến tiền vệ cũng hứa hẹn đem đến những biến động lớn. Mathieu Valbuena và Benoit Cheyrou có thể bị đánh bật ra băng ghế dự bị bởi những tân binh nước ngoài như Lucho và Mbia. Trên hàng tiền đạo, Marseille chưa tuyển thêm ai cả, nhưng có lẽ chỉ Ben Arfa là người Pháp có hy vọng được đá chính.
“Nhập siêu” leo thang
Vì vậy, không hề nói ngoa khi cho rằng ở Velodrome đang diễn ra một cuộc cách mạng về nhân sự theo kiểu “quốc tế hóa” giống như mô hình của Inter Milan. Davide Santon hay Mario Balotelli, những cầu thủ trẻ mang quốc tịch Italia, đang phải chiến đấu cật lực để giành suất đá chính giữa một rừng lính lê dương thiện chiến trong đội hình “Nerazzurri”. Ở Marseille, những tài năng triển vọng người Pháp như Elliot Grandin (1987) hay Gary Bocaly (1988) cũng đang đối mặt với những thách thức tương tự. Nhất là khi xu hướng “nhập siêu” ngày một leo thang như hiện nay.
Nếu vụ Heinze thành công, tương lai của ba “trung vệ nội” khác ở Marseille cũng sẽ bị đặt một dấu hỏi lớn. Đó là Julien Rodriguez, Cyril Rool và Pape M’Bow. Để đối diện với “khủng hoảng thừa” ở trung tâm hàng thủ (Marseille hiện có năm trung vệ, không kể Heinze cũng có thể đá ở vị trí này), thêm một, hoặc hai người Pháp nữa phải nói lời chia tay là nguy cơ dễ xảy ra. Đó là một viễn cảnh không mấy vui vẻ đối với những người ưa thích những giá trị truyền thống. Nhìn rộng ra khắp Ligue 1, xu hướng bán “nội”, mua “ngoại” cũng đang thịnh hành, khi cầu thủ được đánh giá là xuất sắc nhất của thế hệ trẻ Pháp hiện tại Karim Benzema đã nói lời chia tay với giải đấu. Đổi lại, Lyon “nhập” về Lisandro Lopez (lại là người Argentina) - một bản hợp đồng chưa chứng tỏ được gì nhiều trên đấu trường châu Âu.
Điểm sáng duy nhất: Bordeaux. Họ giành lại được một “viên ngọc quý” của nước Pháp - tiền vệ Yoann Gourcuff - từ tay AC Milan. Tuy nhiên, hàng công của đội bóng xứ rượu vang vẫn đang gần như dựa hoàn toàn vào những ngoại binh, với tiền đạo người Maroc Marouane Chamakh và Fernando Cavenaghi, chân sút Argentina. Song chừng đó vẫn chẳng thể so sánh được với một liên minh quốc tế đang hình thành từng ngày ở Velodrome.
Từ Inter đến Marseille : “Thế giới phẳng” Trong tiếng Pháp và tiếng Anh, International (viết giống nhau, nhưng phiên âm khác nhau) cũng mang nghĩa giống như “Internazionale” trong tiếng Italia: “Quốc tế”. Nếu chỉ hiểu đơn thuần trên phương diện ngôn ngữ, việc đội bóng xanh đen thành Milan trở thành một tập hợp lính lê dương thiện chiến như hiện nay là điều phản ánh đúng tên gọi của họ. Marseille đang đi theo con đường ấy, và cũng như Inter, họ phải đối mặt với những chỉ trích về vấn đề bản sắc. Thế nhưng nhìn nhận sâu xa, việc “Olympique Marseille” sắp biến thành “International Marseille” cũng chẳng phải chuyện gì quá to tát. Ở một đất nước mà những cầu thủ gốc Phi nhập quốc tịch nhan nhản như Pháp, việc các cầu thủ lục địa đen đang gây ảnh hưởng lớn lên đội bóng thành phố cảng miền Nam là quá đỗi bình thường. Huyền thoại Zinedine Zidane, cũng như Benzema, là một người gốc Algeria, Patrick Vieira vốn là một người Senegal còn Claude Makelele mang gốc Zaire…Họ đều là những cầu thủ đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến nền bóng đá Pháp. Nói rộng ra, trong thời đại toàn cầu hóa, khi mà mỗi giá trị của nhân loại đều len lỏi nhanh chóng đến từng ngõ ngách của một thế giới phẳng không biên giới, thì làn sóng những ngoại binh đang trở thành thủ lĩnh ở những CLB không cùng quốc gia với họ không phải là điều gì đó đáng ngạc nhiên. Vì vậy, đây là một xu thế không thể phê phán. Ai đó có thể nói rằng người ta nên nhìn vào tấm gương của Barcelona, đã giành chiến thắng trên mọi mặt trận mùa trước với hầu hết các cầu thủ TBN trong đội hình. Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại: Cầu thủ biểu tượng của họ hiện tại là Lionel Messi, một người Argentina. Vì vậy, hãy chấp nhận xu thế ấy, bởi tất cả đang sống trong một “Thế giới phẳng”… |
(Theo Thể Thao Văn Hóa)