Arsenal chỉ có một con đường: tấn công và phải ghi bàn bằng mọi giá. M.U thì có nhiều sự lựa chọn hơn. Hoặc là giữ sạch lưới. Hoặc là ghi 1 bàn để đánh gục hẳn đối thủ, bởi khi ấy, Arsenal phải cần đến 3 bàn (khả năng rất thấp) mới có thể đi tiếp. Dựa trên mục tiêu ấy, sơ đồ 4-3-2-1 có thể được Sir Alex Ferguson sử dụng khi mà ông nhiều lần thành công với nó trước đây.
Cách thức áp dụng hệ thống này của M.U có thể được chia ra 3 phần. Thứ nhất, hàng thủ chỉ có nhiệm vụ phòng ngự và 2 hậu vệ cánh sẽ hiếm khi dâng cao. Thứ hai, 3 tiền vệ cùng 2 cầu thủ hộ công sẽ tích cực đoạt bóng, giữ bóng và triển khai nhanh đòn phản công. Cuối cùng là vai trò của mũi nhọn, tận dụng sơ hở của hàng thủ đối phương để dứt điểm.
MU trông chờ vào sự tỏa sáng của Ronaldo vào đêm nay |
Tương tự ở trên đất Porto, nơi chưa có đội bóng Anh nào giành chiến thắng. Thực ra, M.U đã nhập cuộc với sơ đồ 4-4-2 (vì phải thắng), nhưng ngay sau bàn mở tỷ số của Ronaldo ở phút thứ 6, họ nhanh chóng chuyển sang 4-3-2-1 với vai trò mũi nhọn lại trao cho siêu sao người Bồ Đào Nha. Trận ấy, họ tổ chức tấn công với tốc độ rất bình thường, từng bước tiếp cận khung thành đối phương nhờ khả năng cầm bóng tốt của Rooney và Berbatov. Và khi mất bóng thì lùi về rất nhanh, bắt áp sát các tiền vệ đối phương và không ngại phạm lỗi khi cần thiết. Chính lối chơi chắc chắn, phòng ngự từ xa với số đông ấy đã giúp M.U rời Porto với chiến thắng lịch sử.
Chính trong hiệp 2 trận gặp Arsenal, M.U cũng sử dụng sơ đồ 4-3-2-1 với bộ ba Carrick, Fletcher và Anderson ở hàng tiền vệ trong khi Tevez và Rooney tích cực lùi về tranh cướp bóng. Ở phía trên cùng, Ronaldo chỉ có nhiệm vụ đợi những quả phất bóng dài, khống chế nhanh và sút xa. Từ một tình huống như thế, anh đã tung cú rocket uy lực nhưng tiếc thay xà ngang lại từ chối bàn thắng.
Vai trò quyết định của Ronaldo
Hiệp 1 trận lượt đi ở Old Trafford, Ronaldo đã cùng với sự dâng cao của O'Shea đã tận dụng triệt để điểm yếu ở cánh trái của Arsenal, vị trí của cầu thủ non kinh nghiệm và cả tài năng Gibbs. Trận lượt về, vai trò của Ronaldo có thể sẽ rất khác. Cụ thể hơn, anh sẽ đóng vai trò trung phong cắm.
Nhân cơ hội Ronaldo tuyên bố "giấc mơ Real Madrid của tôi đã chết", HLV Ferguson đã không tiếc lời ca ngợi cậu học trò cưng: "Chỉ có thể nói về Cristiano như sau - tuyệt vời. Nhiều người cho rằng cậu ta xuống phong độ và ghi bàn kém hơn mùa trước. Nhưng cần hiểu rằng, sau khi ghi 42 bàn, cậu ta là đối tượng chăm sóc kỹ càng nhất của mọi hàng thủ, hậu vệ. Trong hoàn cảnh ấy, cậu ta vẫn có thể tung vài cú dứt điểm đáng sợ. Hãy chỉ ra một cầu thủ chạy cánh tuyệt vời như thế trong vòng 30 năm trở lại đây?". Lời nhận định của Sir Alex không hề sai. Tại Champions League mùa này, Ronaldo đã 32 lần bị phạm lỗi, nhiều hơn bất cứ cầu thủ nào khác ở vòng bán kết. Và anh cũng là cầu thủ có nhiều cú dứt điểm nhất, tổng cộng là 44 lần dứt điểm.
Phản công bằng bóng dài Nếu cứ mãi mê tìm kiếm bàn thắng, Arsenal có thể phải trả giá vì đòn phản công bằng bóng dài của M.U. Những năm 60, phản công bóng dài nghĩa là phất bóng lên cho 1 tiền đạo duy nhất, phá bẫy việt vị và dùng tốc độ băng xuống. Đòn phản công của M.U còn khủng khiếp hơn bởi họ không hề phụ thuộc vào 1 cầu thủ. Ở phía trên, những Rooney, Ronaldo hay Tevez sẽ băng xuống để đón những đường chuyền của hàng tiền vệ hoặc 2 hậu vệ cánh là Evra và O'Shea. Điểm đáng sợ của đòn phản công nằm ở các tiền vệ trung tâm. Những Anderson, Carrick và Scholes (hoặc Fletcher) không chỉ giỏi trong nhiệm vụ thu hồi bóng. Họ còn là bậc thầy của những đường chuyền dài nhanh và có độ chính xác cao. Carrick nổi bật với những cú chọc khe đâm thằng trung lộ. Anderson giỏi chuyển hóa nhanh từ phòng ngự sang phản công chỉ bằng 1 đường chuyền. Scholes, dù không còn đạt phong độ đỉnh cao, vẫn tỏ ra nguy hiểm ở những đường mở biên. |
(Theo Thể Thao Văn Hóa)