Có thể một ngày Mainz sẽ trở lại hình thù vốn có của một đội bóng nghèo kiết xác với cuộc đua trụ hạng. Thậm chí, chuỗi ngày mơ mộng ấy sẽ chấm dứt vào cuối tuần này. Nhưng dù có thế nào, họ cũng sẽ trở thành một phần lịch sử Bundesliga với những điều kỳ diệu, những quy chuẩn mới mà người Đức sẽ còn nhắc đến rất lâu nữa.
Từ sân tập...
Ở Bayern, có thể kể ra cả ngày những vụ các “ngôi sao Hollywood” choảng nhau, xô xát nhau trên sân tập. Ngày xưa thì có Matthaeus ẩu đả với Lizarazu (năm 1999), ba năm sau lại là Lizarazu đấm Kovac, Kuffour dằn mặt Jeremies. Ngày nay thì có vụ Carlos Alberto đạp Naldo ở Bremen, Ziani đuổi đánh Misimovic ở Wolfsburg… Như một quy luật, cứ giàu lên là người ta lại… đánh nhau. Càng giàu thì càng đánh khỏe. Mà đánh nhau vì cái gì thì có nhiều nguyên nhân. Mâu thuẫn cá nhân, một pha phạm lỗi hay đơn giản chỉ là sự ích kỷ, ngạo mạn của những ngôi sao. Nhưng ở Mainz, chuyện đó hoàn toàn không xảy ra.HLV Tuchel đang xây dựng Mainz theo mô hình của Barcelona
Trong mỗi buổi tập, dù không ra quyết định phạt vạ, nhưng không ai đến muộn. Suốt 14 tháng nắm quyền, HLV Tuchel chưa phải xử bất kỳ cầu thủ nào, đặc biệt là những “án” liên quan đến tiền. Và để ngăn ngừa những án phạt, Tuchel lấy tình cảm của một người thày trẻ tuổi để dạy những học trò trẻ tuổi. Tất cả các buổi tập, Tuchel đều tạo ra không khí vui vẻ với quy định đầu tiên: khi gặp nhau, mọi người đều phải nhìn vào mắt nhau và chào bằng tên riêng (chứ không gọi tên họ như thông thường). Quy tắc đó Tuchel đưa ra để tất cả các thành viên phải tôn trọng lẫn nhau, giống hệt cách ứng xử của các sếp. Thứ hai, nghiêm cấm phạm lỗi trong các buổi tập. Theo Tuchel, những pha phạm lỗi dù vô tình cũng có thể dẫn đến sự rạn nứt, thậm chí là mẫu thuẫn không cần thiết. Chính những buổi tập như thế đã tạo ra sự trẻ trung, thoải mái cho các cầu thủ trẻ, những người luôn ghét sự gò bó vốn chỉ dành cho những ông già. Một không khí gia đình, thân thiết được tạo ra và nó quyết định đến sự hưng phấn, cảm xúc khi ra sân thi đấu. Cảm hứng ấy đến từ Tuchel, và đương nhiên ông phải tạo ra điều ấy. Hình ảnh HLV 37 tuổi leo lên hàng rào, dùng loa “mớm mồi” cho các CĐV hò hét ăn mừng là điều mà chỉ có Tuchel dám làm, bất chấp những lời chỉ trích
Sự hy sinh
Ai cũng biết mùa giải trước, tiền đạo Ivanschitz người Áo là linh hồn của Mainz. Thế nhưng mùa này, Ivanschitz đá 1 trận trọn vẹn (thắng Cologne 2-0) và 1 trận vào thay đàn em Holtby trận thắng Hoffenheim 4-2 (87’). Nếu ở Bayern, Schalke, Bremen… sẽ có hiện tượng “dỗi”, nhưng ở Mainz thì không. Ivanschitz chấp nhận sự thật chẳng dễ chịu ấy. Vì sao vậy? Trước mỗi trận đấu, khi có ý định để ai đó trên băng ghế dự bị, Tuchel luôn gặp riêng người đó trong phòng làm việc và nói rõ ý đồ. Với Tuchel, băng ghế dự bị không những chẳng phải thảm họa mà ông còn tạo ra cho các cầu thủ… khát khao ngồi dự bị. Đó là nguyên do tại sao Mainz có tới 6 bàn thắng từ 3 cầu thủ dự bị và đó đều là những ngôi sao đang chinh phục nước Đức: Schuerrle (3 bàn), Szalai (1) và Holtby (2).
Tương tự là trung vệ Niko Bungert. Trụ cột hàng thủ này đang được quay vòng với Bo Svensson, nếu không muốn nói là “lui vào dự bị”. Trận gặp K’lautern, Bungert bất ngờ được chọn sau những ngày tháng dự bị mòn mỏi, chỉ vì Svensson có dấu hiệu cúm. Thế nhưng trận đó Bungert lập công giúp Mainz thắng 2-1. Florian Heller, người đá chính bên cánh phải cả mùa trước nay cũng dự bị rất vui vẻ. Đó là liệu pháp tâm lý, tinh thần mà không phải ai cũng làm được.
Cấu trúc chiến thuật và mô hình Barca
Trước khi tiếp đón Mainz tại Munich, tiền vệ T.Mueller của Bayern phát biểu đầy tự tin: “Họ có đội hình chất lượng, nhưng chúng tôi hoàn hảo hơn”. Thực tế diễn ra là một thảm họa. Bayern thua 1-2 với bàn danh dự nhờ chính đối thủ đá phản lưới. Có lẽ, đã đến lúc T.Mueller và cả Bundesliga lại phải thừa nhận điều rất cũ: sức mạnh một đội bóng ở một trận đấu không phụ thuộc vào giá trị và ngôi sao mà phụ thuộc vào chiến thuật.
Trước mỗi trận đấu, Tuchel luôn họp đội và đưa ra cái gọi là “kế hoạch đối thủ”, chỉ rõ điểm yếu và điều các cầu thủ phải tuân theo chi tiết đến từng bước chạy, thời điểm tăng tốc. Từ đầu mùa Tuchel dùng 19/26 cầu thủ, trong đó có tới 11 cầu thủ ra sân từ ghế dự bị. Ở 7 trận thắng vừa qua, Tuchel cũng dùng 7 đội hình khác nhau, 5 sơ đồ chiến thuật trong đó nổi bật là cách dùng 3 “số 6” (có thể hiểu là 3 tiền vệ phòng ngự), sử dụng sức trẻ và quân số đông làm chủ khu giữa sân, rồi tận dụng tốc độ, khả năng phối hợp của Szalai, Schuerrle, Holtby mà ra đòn ở những thời điểm đối thủ sơ hở với những pha tấn công nhuyễn, nhanh, ăn ý, nhẹ nhàng và đẹp mắt. Chính Tuchel đã thừa nhận, đấu pháp của Mainz có thể không giống, nhưng cách tấn công mà ông áp dụng được học từ Barca. Ông còn nói vui rằng, Mainz đang có tới… 3 Messi. Vậy thì Mainz thắng là phải.
Là người của Mainz, hiểu các cầu thủ trẻ, nhìn thấy tài năng của họ, không ai khác là HLV Klopp (hiện là HLV Dortmund) và Tuchel, giống như Guardiola (Barca). Họ cũng tìm kiếm cầu thủ trẻ ở khắp châu Âu và cam kết về sự phát triển và lợi ích. Người chịu trách nhiệm tìm kiếm là Volker Kersting, và chính ông này đã tìm thấy Schuerrle ở Ludwigshafen, “lãnh địa” của K’lautern.
Để có thành công cần rất nhiều yếu tố. Một đội bóng yếu như Mainz còn cần nhiều hơn. Và câu chuyện về Mainz sẽ còn dài nếu mạch thắng của họ cứ dài mãi…
(Theo báo Bóng Đá)