Mainz đang là tiêu điểm của cả châu Âu thì ai cũng rõ. Nhưng phía sau thành công của Mainz là gì, thì chẳng phải ai cũng tường. Và khi đi sâu vào hậu trường của Mainz, một bức tranh khổng lồ hiện ra giữa sự bé nhỏ của một cái tên…
Đúng là Mainz chỉ là một đội bóng vô danh và chưa từng có danh hiệu nào đáng kể. Thế nhưng điều đó không có nghĩa Mainz được xây dựng trên nền tảng của những người vô danh. Trái lại, uy quyền phía sau Mainz cực lớn, thậm chí còn “khủng” hơn cả Bayern Munich. Nếu như Hùm Xám được gây dựng bởi những cựu danh thủ, thì Mainz được xây dựng bởi các nhà kinh tế và cả những chuyên gia hàng đầu ở từng lĩnh vực cụ thể, thậm chí là những chính trị gia.
Chủ tịch Harald Strutz là một cựu VĐV điền kinh, từng đoạt HCB môn nhảy 3 bước tại giải điền kinh toàn nước Đức, một luật sư và là thành viên cao cấp của Đảng dân chủ tự do Đức (do anh trai ông là Nghị sĩ Walter Strutz điều hành). Vai trò của Harald Strutz tại Mainz còn có ý nghĩa hơn cả Uli Hoeness ở Bayern. Chính Harald Strutz đã gây dựng nên Mainz hiện tại, đưa một đội bóng chỉ đá ở hạng nghiệp dư với một sân bóng xiêu vẹo cách đây 10 năm, trở thành đội bóng thứ 49 có mặt ở Bundesliga.Mainz đang viết nên câu chuyện thần thoại ở Bundesliga
Harald Strutz còn là chủ tịch có thâm niên liên tục lâu nhất ở một đội bóng chuyên nghiệp Đức với thời gian 22 năm. Với những đóng góp to lớn, Harald Strutz được LĐBĐ Đức (DFB) bổ nhiệm vào Hội đồng DFB. Và năm 2001, ông trở thành phó chủ tịch DFL (Hiệp hội bóng đá chuyên nghiệp Đức). Điều đó có nghĩa, Harald Strutz “chức to” hơn cả Uli Hoeness lẫn Beckenbauer.
Thành công lớn nhất của Harald Strutz là đã tìm thấy “cánh tay phải”, đó là Christian Heidel vào năm 1991. Đó là cựu cầu thủ nghiệp dư, từng làm chủ một đại lý xe hơi ở Mainz và hiện tại đang là một nhà kinh tế khét tiếng. Christian Heidel còn xây dựng bộ máy huấn luyện ở Mainz một cách quy mô và khá lạ lùng, khi đặt niềm tin vào Juergen Klopp và Thomas Tuchel, biến những người chưa từng làm HLV trưởng một CLB chuyên nghiệp nào trở thành những người nổi danh.
Khi nhận chức HLV trưởng ở Mainz, họ đều là HLV trẻ nhất Bundesliga, thậm chí Klopp lúc đó còn chưa có bằng HLV. Những phương án kinh tế, kế hoạch chuyển nhượng và kinh doanh được Heidel sắp xếp và Mainz vẫn vững mạnh theo từng năm, dù ngân quỹ của họ hạn hẹp, gần như chỉ sống nhờ những bản hợp đồng cho mượn và bán các ngôi sao.
Không chỉ tạo nên hệ thống huấn luyện, Heidel cùng với Harald Strutz còn thiết lập bộ máy lãnh đạo cực kỳ ổn định. Heidel từng nói: “Ở Bundesliga, chẳng có CLB nào phát triển như Mainz. Chúng tôi ổn định hàng chục năm qua và sự liên kết giữa các thành viên BLĐ là yếu tố cốt lõi”.
Năm 2008, Mainz đưa Dag Heydecker về làm Giám đốc marketing, người mà suốt 10 năm trước đó làm việc cho đội khúc côn cầu Mannheim Adler. Dag Heydecker nổi tiếng với câu nói: “Không có lỗ hổng tài chính nào mà không thể lấp đầy”. Tinh thần câu nói ấy phù hợp với tính cách của Mainz trên sân đấu. Và nó tạo ra tính hệ thống trong tính cách Mainz.
“Cánh tay trái” của Harald Heidel là bộ đôi PCT Juergen Doetz và Giám đốc tài chính Friedhelm Andres, những nhân vật rất có máu mặt. Nếu Doetz là GĐĐH của kênh truyền hình tư nhân SAT1, Chủ tịch hiệp hội phát thanh truyền hình tư nhân của Đức, thì Andres là Giám đốc tài chính, chuyên viên thuế và tư vấn đầu tư. Năm 2007, khi Mainz bị xuống hạng, Andres đã cứu đội bóng tránh khỏi cuộc khủng hoảng tài chính khủng khiếp và sau đó nhanh chóng hồi phục và trở lại Bundesliga (mùa 2009/10).Harald Strutz: Chủ tịch CLB Mainz
Ban lãnh đạo của Mainz bao gồm 9 người (không có Heydecker) và cả 9 thành viên đó đều ổn định suốt từ năm 1995 đến tận bây giờ. Người cuối cùng có tên trong danh sách này là Hubert Frederick, Giám đốc bộ phận đào tạo trẻ. Không thể tin nổi là suốt 15 năm qua, ban lãnh đạo của Mainz giữ nguyên trạng, một điều kỳ diệu đến mức những đội bóng lớn như Bayern, Bremen, Schalke… cũng không thể có được.
Hầu hết các vị trí còn lại đều ở Mainz từ cuối những năm 80 thế kỷ trước, thậm chí PCT Peter Arens còn gắn bó với Mainz tới 26 năm (từ 1984). Chủ tịch Harald Strutz tuyên bố: “Bộ máy lãnh đạo của CLB sẽ tồn tại đến khi chúng tôi không còn tồn tại trên cõi đời này. Niềm tin, sự tôn trọng lẫn nhau là nền tảng trong mọi hoạt động của Mainz”. Trong triết lý bóng đá của Mainz cũng vậy. Tất cả hòa vào cùng một tập thể. Tất cả cùng buồn với những thất bại và cuồng say với những chiến công, dù rằng chính ban lãnh đạo của Mainz cũng hội tụ với đủ loại thành phần.
Mỗi nhân vật của ban lãnh đạo đã tạo cho Mainz những cá tính và nó thể hiện ngay trong từng công việc mà họ thực hiện. Từ câu chuyện về gánh nặng kinh tế, ngân quỹ, giải quyết các vấn đề chuyển nhượng, tới chính sách tài chính, đào tạo trẻ, quan hệ cộng đồng…
BLĐ MAINZ GỒM NHỮNG AI?
1. Chủ tịch: Harald Strutz (từ 1988)
2. Phó chủ tịch: Peter Arens (từ 1984)
3. Phó chủ tịch: Karl-Heinz Elsaesser (từ 1990)
4. Phó chủ tịch: Juergen Doetz (từ 1988)
5. GĐ tài chính: Friedheim Andres (từ 1989)
6. GĐ đào tạo trẻ: Hubert Friedrich (từ 1995)
7. GĐ truyền thông:Bernhard Geitel (từ 1988)
8. GĐTT: Christian Heidel (từ 1991)
9. GĐ tổ chức: Manfred Thoene (từ 1995)
GĐTT Christian Heidel: Người khác thường
Khác với mọi giải VĐQG khác ở châu Âu, các CLB Đức gần như dành riêng chức vụ GĐTT cho các cựu cầu thủ. Và đương nhiên hầu hết các GĐTT không có kinh nghiệm kinh doanh, nhiệm vụ hàng đầu của vị trí này.
Tại Stuttgart, Bobic đơn thuần là một cựu cầu thủ. Magath, GĐTT kiêm HLV trưởng Schalke cũng là một cựu cầu thủ. Rudi Voeller đơn thuần quản lý chuyên môn ở Leverkusen. Thậm chí, chủ tịch Stefan Kuntz của K’lautern cũng từng được đào tạo nghề cảnh sát chứ không phải kinh doanh… Trong làn sóng đó, chỉ có duy nhất Christian Heidel là vị GĐTT đích thực tại Bundesliga, xuất thân từ môi trường kinh doanh.
Trước khi được chủ tịch Strutz đưa về làm GĐTT của Mainz, Heidel từng làm đại lý xe hơi, từng kinh doanh các lĩnh vực về ngân hàng, thậm chí từng là chủ nhà băng. Với những kinh nghiệm đó, Heidel được coi như bộ não kinh tế của Mainz trong suốt gần 2 thập kỷ qua. Các chức danh GĐTT không được coi là một thành phần chiến lược phát triển kinh doanh, đảm bảo một kế hoạch lâu dài mà chỉ đơn thuần làm chuyên môn. Chức danh này gần như chỉ là người giúp việc cho chủ tịch và CEO (hoặc giám đốc điều hành).
Ở Bayern, vị trí của Nerlinger hiện tại cũng như vậy, ông chỉ học lớp tài chính cấp tốc trước khi thay chính Uli Hoeness. Nerlinger cho biết: “Tôi không cảm thấy bị lấp sau bóng của Hoeness”, nhưng thực tế Bundesliga chỉ có Uli Hoeness là một vị giám đốc thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho đội bóng.
Và bây giờ, các GĐTT thường xuyên đặt trên bàn mình tập hồ sơ dày 90 trang/cầu thủ, ngấu nghiến từ 07h30 đến 17h30 hàng ngày. Tại Bundesliga, chỉ có 3 GĐTT có bằng kinh doanh: Michael Meier (Cologne), Martin Bader (Nuernberg) và Max Eberl (M’gladbach), ngoại trừ Heidel là một chuyên gia kinh tế từ rất lâu rồi.
Làm một cầu thủ hoàn toàn khác một vị GĐTT. Có lẽ chỉ Mainz nhận ra điều đó từ cách đây 20 năm, và bây giờ Heidel là mắt xích quan trọng trong việc duy trì sự ổn định kinh doanh cho Mainz. Xét trên khía cạnh nào đó, Heidel là một GĐTT ngoại lệ “khác thường” của Bundesliga!
(Theo báo Bóng Đá)