Chắc chắn là rất nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam đang tự hỏi mình câu ấy. Bởi lẽ trong khi ĐTVN của Calisto đá 7 trận liền không thắng thì ĐT U.22 của Mai Đức Chung lại vừa trải qua một vòng bảng Mederka Cup vô cùng ấn tượng. 1.Sự thật, thầy nội Mai Đức Chung có giỏi hơn thây ngoại Calisto? Trước khi trả lời câu hỏi này, cần thiết phải thấy được sự khác biệt trong tư tưởng cầm quân và tính chất của những “tinh quân” mà ông Chung và ông “Tô” đang có.
Trong khi ông Chung xác định rằng những trận đấu mang tính chất tập huấn tại Mederka Cup là những trận các cầu thủ phải chơi hết mình thì cũng ở những trận đấu tập huấn, ông “Tô” lại bảo vệ quan điểm: “Chỉ có những người không thông minh mới nhìn vào kết quả đơn thuần”.
Điều này lý giải vì sao 2/3 trận đấu của ĐT U.22 tại Medekar Cup (gặp Myanmar và U.20 Mozambique), đội hình của ông Chung là một đội hình bất biến.Chỉ riêng trận cuối cùng mang tính chất thủ tục với Bangladesh là ông thay đổi 4 vị trí với mục đích cho “ngựa chiến” nghỉ ngơi. Trái lại, ông Calisto sau mỗi một trận đấu là lại xới tung đội hình lên với mục đích thử nghiệm càng nhiều càng tốt.
2.Nhưng sự khác biệt về tư tưởng cầm quân mới chỉ là một vế của vấn đề. Ở vế còn lại, rất dễ thấy là những “tài sản” mà ông Mai Đức Chung và ông Calisto đang có trong tay khác nhau một trời một vực.
Ông Chung sở hữu những cầu thủ tuổi 22, những cầu thủ rất trẻ, rất mới, và rất non. Vì trẻ mà họ luôn khát khao thể hiện, vì mới mà luôn khát khao học hỏi, vì non mà luôn ý thức được mình yếu và thiếu ở chỗ nào.
Trái lại, ở ĐTQG, ông Calisto lại đang sở hữu một lửa cầu thủ vừa giỏi vừa đắt. Nó là cái “giỏi” và cái “đắt” đặt trong một khủng hoảng nhân lực trầm kha đang diễn ra ở bóng đá Việt Nam. Mà vì “giỏi” và “đắt” nên phần lớn các cầu thủ này đều ý thức rất rõ giá trị của mình (dù nhiều người bảo đấy chỉ là “giá trị ảo”).
Ở đây, hãy thử phân tích kỹ trường hợp Lê Công Vinh, người mới có môt hợp đồng kỷ lục với mức tiền lót tay không dưới 8 tỷ đồng và mức lương không dưới 40 triệu đồng/tháng cùng T&T Hà Nội.
Khi đã nhận một mức lương lớn như thế, và mang trên mình một trọng trách lớn như thế, thử hỏi, trong màu áo ĐT, Công Vinh có dám lăn xả trong những pha bóng 5 ăn 5 thua? Nếu câu trả lời là “có”, thì khi chấn thương xảy ra, thử hỏi mức cống hiến của Vinh cho T&T Hà Nội, nơi nuôi sống mình và trả cho mình một mức lương kỷ lục sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? (Xem ĐT đá thời gian qua, rât nhiều nhà chuyên môn nhận xét rằng Công Vinh vì lo cho “cái chân bạc tỷ” mà không dám chơi hết cỡ, hết mình trong nhiều pha bóng). Cũng vì “giỏi” và “đắt” mà Công Vinh cùng những đồng đội của anh trong màu áo ĐTQG luôn mang trong mình những “lý luận bóng đá” riêng. Và khi cái “lý luận” ấy không đồng thuận với “lý luận” của HLV trưởng thì không phải lúc nào họ cũng giải quyết theo kiểu “nghe lời thầy”. Thế nên ở ĐTQG thời gian qua đã rộ lên những câu chuyện về cái gọi là “sóng ngầm” và “dây anh, dây tôi, dây chúng nó”… 3.Rõ ràng, nếu ông Chung đang thanh thản với những cầu thủ tuổi 22 trong sáng và giàu khát vọng thì ông Calisto lại phải đau đầu với câu hỏi “làm gì để hàn gắn các ông sao?” Thế nên từ những thành tích ấn tượng của ĐT U.22, nhìn lại chuỗi thành tích bết bát của ĐTQG, đừng nên đặt câu hỏi: Có phải Mai Đức Chung giỏi hơn Calisto? Thay vào đấy, hãy đặt câu hỏi: Có phải cái ghế của Mai Đức Chung dễ chịu hơn cái ghế của Calisto? Mà biết đâu bây giờ, khi đang gặp khó với một ĐTQG toàn “sao”, toàn “VIP”, chính Calisto cũng chạnh lòng nhìn về ĐT U.22 của ông Chung và mong muốn được sở lữu cái tuổi U.22 ấy. Cái tuổi mà con người ta có thể non về chuyên môn, ít về kinh nghiệm nhưng lại luôn vào sân với một con tim nóng và một đôi chân trinh bạch.
(Theo VTC)