Mùa giải 2005, cả V.League trông chờ vào tài ghi bàn của Văn Quyến, mùa 2007 là Lê Công Vinh. Tình hình vẫn không thay đổi khi bóng chưa lăn ở V.League 2008, cầu thủ nội duy nhất được đánh giá có khả năng cạnh tranh danh hiệu “Vua phá lưới” với các cầu thủ ngoại là “Quả bóng Vàng 2007” Lê Công Vinh.
Thế nhưng, chỉ sau vài vòng đấu, mọi chuyện đã thay đổi đến chóng mặt. Đầu tiên là cú hat-trick của Ngọc Thanh. Tiếp theo đó, Công Vinh, Thành Lương, Tăng Tuấn, Trọng Hoàng… liên tục nổ súng.
Chỉ đến những trận đấu cuối, thì sức công phá của các chân sút nội mới có dấu hiệu giảm đi.
Song điều quan trọng là các chân sút nội đã thực sự đóng vai trò quan trọng trong các đội bóng, chứ không đơn thuần là những kẻ đóng thế hoặc là người “ăn bóng rơi” từ các tiền đạo ngoại như trường hợp Minh Hải đá cặp cùng Kiatisak ở V.League 2004.
Tiền đạo Ngọc Thanh đang dẫn đầu danh sách ghi bàn của cầu thủ nội
Ở Hải Phòng, người ta đã thấy cặp tiền đạo nội Ngọc Thanh - Đặng Văn Thành đóng vai trò chủ chốt. Quang Hải ở K.KH, Việt Thắng ở ĐT.LA, Tăng Tuấn ở HAGL, Anh Đức ở B.BD, Công Vinh ở TCDK.SLNA, Thành Lương ở HN.ACB… đã chiếm được những vị trí chính thức trong đội hình. Chênh lệch đẳng cấp giữa các chân sút nội và ngoại đã được rút ngắn rất nhiều so với trước.
Điều đó được thể hiện một cách rõ ràng, khi ngày càng có nhiều bàn thắng đẹp mà tác giả là các chân sút nội. Bàn thắng của Kim Bình vào lưới HP.HN, bàn thắng của Quang Tình vào lưới Thể Công, bàn thắng của Vũ Phong vào lưới HAGL… Tính chính xác, ngẫu hứng đã hiện diện.
Thế nhưng, không chỉ các tiền đạo nội tiến bộ mà V.League đã được chứng kiến ngày càng nhiều các trung vệ nội có năng lực. Công thức 1 ngoại binh chơi ở vị trí trung vệ với mục tiêu khóa chặt các chân sút ngoại đã dần được thay thế bằng 1 nội - 1 ngoại. Thậm chí, cá biệt hơn là cả 2 trung vệ nội: Đình Phước - Như Thành ở B.BD và Anh Tuấn - Phước Tứ ở Thể Công. Thật thú vị khi đó là 2 đội bóng có hàng thủ tốt nhất hiện tại nếu xét theo số bàn để lọt lưới.
Ở hàng tiền vệ người ta đã thấy một cách rõ ràng rằng, không chỉ các tiền vệ ngoại mới là những người cầm trịch trận đấu. Ở Đà Nẵng, Hồng Minh mới là nhạc trưởng. Ở ĐT.LA, Minh Phương và Tài Em tỏ ra đáng tin hơn Issac. Ở Nam Định, Đức Dương chẳng kém gì Emmanuel.
Cuộc cạnh tranh vị trí giữa nội binh - ngoại binh ngày càng hấp dẫn. Ranh giới về trình độ được thu lại, và người ta có thể thấy một cách rõ ràng những vị trí mà các đội tuyển mộ nhiều ngoại binh đã không ảnh hưởng đến chất lượng cầu thủ nội, mà trái lại, điều ấy đã đẩy chuyên môn của những cầu thủ nội chơi trong các vị trí này đi lên.
Sự tiến bộ mạnh mẽ của các chân sút nội giúp chất lượng V.League được cải thiện. Điều đó lại một lần nữa tác động lên quy định của BTC về việc giới hạn cầu thủ ngoại. Công thức đăng ký 5 - thi đấu 2 hoàn toàn có thể chuyển thành 5 ngoại đăng ký và 4 thi đấu trên sân mà không ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của cầu thủ nội.
Ngoại binh thành công ở V.League bây giờ ngày một khó kiếm bởi một lý do đơn giản: nội binh đã có sự thay đổi đáng kể về chất lượng. Chính thế mà nếu không cẩn thận trong việc tuyển mộ, nhiều đội sẽ phải chịu cảnh mang về những ngoại binh chơi bóng còn thua nội binh.
Sự tiến bộ của nội binh còn kéo theo việc nhiều đội bóng bắt đầu chuyển sơ đồ 4-4-2 quen thuộc trước đây thành 5-2-3-1. Một ngoại binh đá cắm và 2 nội binh sẽ đóng vai trò những những tiền đạo cánh một khi đội bóng chuyển lối chơi sang 3 tiền đạo.
Một cuộc cách mạng đang âm thầm diễn ra. Theo dự đoán, đến một lúc nào đó, việc tuyển mộ ngoại binh sẽ không chỉ khoanh vùng ở các vị trí quen thuộc ở trục giữa như trung vệ, tiền vệ trung tâm, tiền đạo. Khi trình độ ngoại binh và nội binh cân bằng thì người ta cần ngoại binh ở những vị trí mà người ta thiếu cầu thủ. V.League đang đi theo hướng mà CSL (VĐQG Trung Quốc), J.League (VĐQG Nhật Bản), K.League (VĐQG Hàn Quốc) vẫn tuyển cầu thủ ngoại.
HLV ĐTVN H.Calisto:
“Tôi cho rằng thời gian đầu của V.League, để kéo chất lượng giải đi lên, nên cho phép nhiều cầu thủ ngoại ra sân hơn nữa. Ở các giải VĐQG của Anh, Ý, Đức… nhập khẩu ngoại binh không chỉ kéo chất lượng giải của họ được nâng cao mà các ĐTQG của họ cũng rất mạnh. Cạnh tranh giúp người ta phát triển”.
(Theo Bóng đá)