Nhiều chuyên gia, CĐV đều bất ngờ vì ở TPHCM các tuyển thủ Việt Nam chỉ lác đác có vài đợt tấn công có tổ chức, đa phần những tình huống ghi bàn và dứt điểm đều mang dấu ấn cá nhân. Chẳng phải họ không biết phối hợp, cái chính là một số cầu thủ đã dùng chiếc áo ĐT Việt Nam như một công cụ để nâng cao giá trị bản thân.
Trước trận đấu Việt Nam - Turkmenistan, trong lúc cùng các phóng viên đề cập tới phong độ yếu kém của đội chủ nhà, ông Quách Thành Lai, GĐ trung tâm Thành Long đã đưa ra câu phát biểu rất thẳng: “ĐT Việt Nam thi đấu với phong độ kém ở giải TPHCM không có gì bất ngờ. Cả đội toàn những đôi chân tiền tỷ đấy, chẳng ai dám mạo hiểm căng sức ở giải giao hữu đâu…”.
Phát biểu của ông Lai gây sốc, nhưng có cơ sở của nó. Soi xét lại 3 trận thua Myanmar, SV Hàn Quốc và Turkmenistan, ngoài hạn chế về chuyên môn, chưa trận nào các cầu thủ thi đấu với tinh thần quyết tâm cao. Trong những pha tranh cướp, hiếm tuyển thủ nào dám xả thân lấy bóng như khi còn thi đấu ở CLB, họ làm như vậy vì muốn giữ gìn an toàn cho đôi chân bạc tỷ.
Tất cả các tuyển thủ khoác áo đội tuyển đều vì tập thể? |
Đã thành lệ ở các CLB, cứ cầu thủ ở đội tuyển về với đôi chân khỏe, đương nhiên sẽ được hưởng ưu đãi từ phía CLB khi đã có mác “tuyển thủ”. Chính vì vậy, rất nhiều cầu thủ không ngần ngại bỏ qua những pha tranh chấp nguy hiểm để giữ cho được đôi chân lành.
Chắc chắn khán giả không bao giờ đồng tình với điều này, nhưng mặt nào đó chúng ta cũng phải thông cảm cho các tuyển thủ. Kể từ khi tập trung ngày 8/9 cho tới khi kết thúc giải TPHCM, các tuyển thủ chỉ nhận được chưa đầy 10 triệu tiền lương từ VFF. Có thể vì lý do này, nhiều người buộc phải thi đấu cầm chừng để giữ chân, vì cuộc sống chính vẫn nằm ở CLB
Sẽ là không quá nếu đưa ra nhận định, đợt tập trung ĐT Việt Nam vừa qua chẳng khác nào “phiên chợ” cầu thủ. Nhiều cầu thủ sắp hết hạn hợp đồng nhanh chóng chuyển hoá việc khoác áo ĐT Việt Nam, như là phương tiện để tự định giá trên thị trường chuyển nhượng, còn người vừa có được CLB mới cũng tận dụng tối đa số lần có mặt trong đội hình chính làm bóng giá trị của mình.
Vì quyền lợi cá nhân, nên ở giải đấu vừa qua lối đá tập thể gần như không còn tồn tại ở ĐT Việt Nam. .
Mỗi khi có bóng trước vòng 16m50, các cầu thủ cứ thi nhau sút xa để tìm kiếm cho mình cơ may ghi tên vào bảng thành tích. Chỉ cần ghi bàn thắng, họ sẽ đạt được 2 mục tiêu: tăng giá trị chuyên môn, dễ đưa ra yêu sách với các CLB đang săn đón.
Có quá nhiều thứ thu được từ lối đá ích kỷ cá nhân, chẳng trách khi nhìn lại cả 3 trận đấu, các tình huống tổ chức tấn công dựa trên sức mạnh tập thể của ĐT Việt Nam có thể đếm được trên đầu ngón tay.
Ở các trận đấu tại giải TPHCM, nhiều người hâm mộ tỏ ra bức xúc vì lối chơi thiếu tính đồng đội của một tiền đạo luôn thường xuyên có suất đá chính trong ĐT Việt Nam. Tìm hiểu kỹ mới biết, tiền đạo này đang nằm trong tầm ngắm của CLB “đại gia” khu vực miền Trung, nhất cử nhất động của đối tượng đều được quan sát rất kỹ lưỡng. Chẳng trách, mỗi khi có bóng tiền đạo này cứ hùng hục sút bóng tìm kiếm may mắn.
Chắc chỉ có mỗi ĐT Việt Nam mới xảy ra tình trạng cá nhân tận dụng tối đa cơ hội khoác áo đội tuyển, để tự làm giá cho chính bản thân mình!
ĐT Việt Nam vừa thua vỡ mặt ở giải TPHCM, người hâm mộ và lãnh đạo VFF cũng đang cạn dần sự kiên nhẫn. Nhưng phía trước vẫn còn trận đấu gặp Singapore và 3 trận đá ở T&T Cup để HLV Calisto lo giữ ghế “thuyền trưởng”.
Cơ hội vẫn còn, nhưng HLV Calisto phải sớm tìm ra được lời giải cho 3 bài toán khó: Triệt hạ tình trạng cục bộ địa phương, hàn gắn những rạn nứt và quan trong nhất là tìm ra những cầu thủ có khát khao cống hiến cho ĐTQG đưa vào đội hình.
Chỉ có làm được như vậy, ĐT Việt Nam mới mong trình diễn được một diện mạo mới ở những đợt “thử lửa’ sắp tới!
(Theo Dân Trí)