David Villa - Vua phá lưới?
99% là David Villa sẽ làm khán giả ở trận chung kết trên sân Ernst Happel. Nhưng bất chấp chuyện đó, Chiếc giầy Vàng EURO 2008 nhiều khả năng vẫn thuộc về Villa. Bởi với 4 lần lập công, David Villa đang dẫn đầu cuộc chạy đua tới ngôi Vua phá lưới. Cơ hội cạnh tranh chỉ thuộc về những tuyển thủ Đức, trong đó Podolski (3 bàn), Ballack, Schweinsteiger, Klose (2) dĩ nhiên là nhiều hy vọng hơn cả.
David Villa sẽ giành danh hiệu “Vua phá lưới“
Song đó chỉ là trên lý thuyết. Bởi ai cũng biết một trận chung kết bao giờ cũng diễn ra trong sự chặt chẽ, cẩn trọng. Cơ hội cho Podolski, Ballack, Klose hay Schweinsteiger lập cú đúp hoặc hattrick chủ yếu chỉ tồn tại trên lý thuyết. Chẳng thế mà ngay từ bây giờ, rất nhiều nhà cái đã vội rao tỷ lệ chỉ 1/5 (đặt 5 ăn 1) cho khả năng Villa đăng quang.
Nhưng nếu đó là sự thật, EURO 2008 sẽ lại có một Vua phá lưới… kém thuyết phục. Nói vậy là bởi 4 bàn thắng mà David Villa ghi được đều thực hiện ở vòng bảng (3 vào lưới Nga, 1 trong trận gặp Thụy Điển), trong những trận đấu tương đối dễ dàng. Ở giai đoạn knock-out, nơi thể hiện rõ nhất đẳng cấp của một chân sút lớn, David Villa tịt ngòi dù anh không thiếu cơ hội.
Nếu Villa nhận giày Vàng, người ta không thể không liên hệ anh với Oleg Salenko - Vua phá lưới World Cup 1994 chủ yếu nhờ 5 bàn vào lưới Cameroon trong một trận cầu thủ tục. Gần hơn nữa là Klose tại World Cup 2002, người cũng ghi tất cả các bàn thắng ở vòng bảng. Tất nhiên, bàn thắng nào cũng quý nhưng một lần lập công ở giai đoạn knock-out rõ ràng khó khăn hơn nhiều. Danh hiệu của Villa sẽ thiếu thuyết phục vì thế.
Sự biến mất của những trung phong
Có một thực tế khiến người ta dễ hiểu vì sao một chân sút chỉ thành công ở vòng bảng vẫn đoạt Vua phá lưới: đó là sự biến mất của những trung phong điển hình tại EURO 2008.
Sự thịnh hành của lối chơi 5 tiền vệ đã khiến vai trò của các trung phong bị lu mờ. Như ở Bồ Đào Nha chẳng hạn, Nuno Gomes chỉ nhận nhiệm vụ “chim mồi” là chính. Tương tự là van Nistelrooy (Hà Lan). Phạm vi hoạt động của các chân sút trở nên quá rộng khiến cơ hội lập công của các tiền vệ, hậu vệ tăng lên nhưng bản thân tiền đạo lại ít dịp tiếp cận khung thành hơn. Tại EURO 2008, người ta nhắc nhiều tới khái niệm hậu - vệ - tấn - công, như Zhirkov hay Anyukov chẳng hạn. Đó cũng là hệ quả của lối chơi 1 trung phong, đề cao vai trò của các mũi giáp công từ tuyến hai, thậm chí từ hàng thủ. Mà tất nhiên, khi nhiệm vụ ghi bàn được chia đều, số lượng bàn thắng không tập trung vào một vài tiền đạo cũng là tất yếu.
Vậy nên đừng ngạc nhiên nếu David Villa lên ngôi Vua phá lưới. Và kỷ lục của Platini (9 bàn/EURO 1984) chẳng những không thể bị xô đổ mà ngay cả cột mốc 5 bàn từ 1988 cũng sẽ còn nguyên.
(Theo Báo Bóng đá)