Mùa giải này, lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ qua, tỷ lệ cầu thủ người Đức trong danh sách đăng ký của 18 câu lạc bộ ở Bundesliga vượt quá bán. Với rất nhiều người Đức, việc giải vô địch quốc gia của họ ghi nhận sự gia tăng là một tín hiệu hết sức đáng mừng.
“Lính lê dương” đổ bộ
Cách đây tròn mười năm, Bundesliga chứng kiến một bước ngoặt lớn, khi tỷ lệ cầu thủ người Đức “tụt dốc” từ 56,6% ở mùa giải 1999-2000 xuống còn 50,3% ở mùa giải 2000-2001. Khi đó, cầu thủ ngoại nhập xuất hiện tại Bundesliga như một làn sóng lớn, giống hệt làn sóng người nhập cư vào nước Đức sau thời điểm chiến tranh thế giới lần thứ hai khép lại. Một năm sau đó, lần đầu tiên giải vô địch quốc gia Đức chứng kiến “thảm họa”, khi lực lượng “lính lê dương” đã lấn át những cầu thủ nội. Tỷ lệ cầu thủ người Đức ở 18 câu lạc bộ thuộc Bundesliga giảm xuống con số dưới 50% và “chạm đáy” vào mùa giải 2003-2004 ở mức chỉ vọn vẹn 41,6%. Với nhiều nhà quản lý, con số vô cùng khiêm tốn đó sẽ mang đến những hậu quả hết sức khó lường cho bóng đá Đức trong tương lai, khi Bundesliga bị biến thành một giải đấu “Liên hợp quốc”.Kevin Grosskreutz: Tài năng trẻ nổi bật của Bundesliga
Sự xuất hiện ồ ạt của lực lượng cầu thủ ngoại tại Bundesliga giống như một con dao hai lưỡi. Một mặt, đội ngũ “lính đánh thuê” này, đến chủ yếu từ Nam Mỹ, Đông Âu và châu Phi, sẽ mang đến cho giải vô địch quốc gia Đức những sắc thái mới, đa phong cách hơn. Chính họ đã giúp Bundesliga trở nên mềm mại, kỹ thuật và phóng khoáng hơn, hay nói cách khác là hấp dẫn hơn, so với thời kỳ trước đó mà cầu người Đức chiếm tỷ lệ áp đảo. Tuy nhiên, mặt khác những cầu thủ ngoại đến Bundesliga “kiếm cơm” ồ ạt đã khiến cơ hội của các cầu thủ Đức, đặc biệt là lứa cầu thủ còn ở dạng tiềm năng, bị mất đi đáng kể. Họ không được ra sân thường xuyên để rèn luyện và tích lũy, do đó cũng không thể trưởng thành. Về lâu dài, điều này sẽ dẫn đến nguy cơ bóng đá Đức, cụ thể hơn là đội tuyển quốc gia Đức, bị thiếu hụt tài năng.
Người Đức lại vươn lên
Việc các cầu thủ ngoại lấn lướt ở Bundesliga trong vòng mười năm qua thực tế là một cuộc khủng hoảng thế hệ của bóng đá Đức. Ngay từ cuối những năm 1990, các nhà quản lý bóng đá Đức đã khởi động một chiến dịch đào tạo trẻ quy mô lớn, với sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Liên đoàn bóng đá Đức và các câu lạc bộ chuyên nghiệp. Vài năm trở lại đây, chương trình bài bản và dài hơi ấy đã bắt đầu cho ra đời những quả ngọt, mà Thomas Mueller, Toni Kroos hay Holger Badstuber ở Bayern, Kevin Grosskreutz hay Mario Goetze ở Dortmund, cùng một dàn các cầu thủ trẻ đầy tài năng ở Schalke, Leverkusen, Mainz... là những ví dụ. Không chỉ tỏa sáng ở World Cup 2010 vừa qua, lứa cầu thủ mới đã giúp bóng đá Đức thống trị các giải trẻ của bóng đá châu Âu, từ U-15, U-17 cho tới U-21.
Mặc dù đã giảm về mặt tỷ lệ song lực lượng cầu thủ ngoại ở Bundesliga vẫn có ảnh hưởng rất lớn. Trên thực tế, đội ngũ “lính lê dương” chỉ giảm về mặt số lượng, nhưng lại có chiều hướng gia tăng về mặt chất lượng. Từ chỗ “nhập khẩu” cầu thủ một cách ồ ạt, nay Bundesliga đã có sự chọn lọc nhất định. Chỉ tính riêng mùa Hè vừa qua, Bundesliga đã đón một loạt tài năng ngoại quốc, từ Raul Gonzalez, Klaas-Jan Huntelaar và Manuel Jurado ở Schalke, Wesley ở Bremen, Mauro Camoranesi ở Stuttgart cho đến Simon Skjaer và Diego ở Wolfsburg. Song song với quá trình này là một loạt “lính lê dương” hoặc đã luống tuổi, hoặc tài năng chỉ ở mức hạn chế, đã bị đào thải sang các giải vô địch quốc gia khác, từ “cao cấp” như Serie A của Italia cho đến một loạt giải đấu thuộc các quốc gia Đông Âu.
Với những thay đổi lớn trong mùa giải 2010-2011, niềm vui của người Đức gần như được nhân đôi, khi tỷ lệ cầu thủ Đức ở Bundesliga đã tăng lên mức trên 50%, còn chất lượng cầu thủ ngoại thì được nâng lên đáng kể.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)