Trận đấu lịch sử giữa đội tuyển Việt Nam và Olympic Brazil đã làm lu mờ chuyến thăm của Chủ tịch FIFA Sepp Blatter, dù 2 sự kiện diễn ra đồng thời. Nhưng trên bình diện quốc tế, chuyến đi của nhân vật đứng đầu FIFA còn được nhắc tới nhiều hơn, bởi nó liên quan đến những sự kiện nóng bỏng nhất của bóng đá thế giới, như vụ “nô lệ triệu phú Cristiano Ronaldo”, vụ tranh chấp cầu thủ dự Olympic giữa các CLB và các LĐBĐ quốc gia...
Cuối tuần này, giải bóng đá Nam ở Thế vận hội Bắc Kinh 2008 sẽ được khởi tranh. Phát biểu từ Hà Nội, Blatter nhân mạnh rằng các CLB buộc phải “giải phóng” các cầu thủ dưới 23 tuổi dự Olympic. “Điều này đã được ghi thành luật và được Đại hội đồng FIFA thông qua vào năm 1998”.
Phiên họp Đại hội đồng năm 1998 là một kỷ niệm đẹp đối với Blatter, bởi khi ấy, ông đã chiến thắng ứng cử viên nặng ký Lennart Johansson để trở thành Chủ tịch FIFA. Thời điểm đó, Johansson đang là Chủ tịch UEFA, Liên đoàn châu lục có tiếng nói mạnh mẽ nhất. Vì thế, không ai mảy may nghi ngờ vào chiến thắng dành cho chính khách người Thụy Điển.
Thế nhưng, trước kỳ họp Đại hội đồng, Blatter đã đi một nước cờ cực độc khi tới vận động tranh cử ở hàng loạt có nền bóng đá kém phát triển ở châu Á, Trung Mỹ và cả châu Đại dương. Những Liên đoàn ấy hầu như không có tiếng nói trên trường quốc tế, nhưng ở Đại hội đồng FIFA, lá phiếu của họ lại có giá trị ngang bằng với lá phiếu của những Liên đoàn hùng mạnh ở châu Âu như Anh, Đức, Pháp... Và nhờ đó, Blatter đã thắng.
Tròn 1 thập kỷ sau sự kiện đó, Blatter lại có chuyến công du tới các quốc gia có nền bóng đá kém phát triển, mà Việt Nam là một điển hình. Ông đến, đem theo những lời hứa hẹn về những khoản tài trợ trị giá hàng trăm ngàn USD để phát triển cơ sở hạ tầng cho những quốc gia này. Và đương nhiên, cái mà Blatter nhận được sẽ là sự ủng hộ của các quốc gia đó trong mỗi kỳ họp Đại hội đồng, giống như một sự đánh đổi mà đôi bên cùng có lợi. Đó là lý do giải thích tại sao Blatter lại nhấn mạnh tới phiên họp Đại hội đồng FIFA năm 1998 trong cuộc họp báo ở Hà Nội, nơi chỉ cách Bắc Kinh chưa đến 4 giờ ngồi trên máy bay.
Có một điều cần nhắc lại, Messi, Diego hay Rafinha, những cầu thủ nằm trong diện tranh chấp giữa các đội tuyển Olympic với các CLB chỉ là nạn nhân trong cuộc chiến giữa Blatter với các CLB hàng đầu châu Âu. Phạm vi cuộc chiến cũng không chỉ bó hẹp trong giải bóng đá ở Olympic (đó chỉ là cái cớ), mà còn mở rộng ra nhiều vấn đề khác như việc hạn chế số cầu thủ nước ngoài, mức đền bù cho các CLB khi có cầu thủ dự các giải đấu lớn v.v...
Hồi đầu năm nay, Blatter tưởng như đã giành chiến thắng khi nhóm G14 bị xóa sổ. Song thực tế, tổ chức này vẫn tiếp tục tồn tại, dưới cái tên thậm chí còn danh chính ngôn thuận hơn: Hiệp hội các CLB châu Âu (ECA). Vì thế, Barca, Bremen hay Schalke thản nhiên coi nhẹ các phán quyết của FIFA đồng thời đâm đơn kiện lên Tòa án thể thao quốc tế CAS về trường hợp của những cầu thủ nêu trên.
Trong bối cảnh đó, Blatter buộc phải quay lại sử dụng những “ngón nghề” cũ, hòng tranh thủ sự ủng hộ của các LĐ nhỏ, núp dưới chiêu bài “hỗ trợ phát triển” thuộc dự án “Goal”. Nhưng liệu, những khoản tiền mà FIFA tài trợ có thực sự giúp cho bóng đá ở các quốc gia như Việt Nam tiến bước mạnh mẽ, hiệu quả của những dự án đó đã được kiểm chứng ra sao?
Chỉ sợ rằng đến một ngày nào đó, câu trả lời cho những câu hỏi ấy sẽ được đối thủ của Blatter sử dụng như một vũ khí để chống lại ông.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)