Chủ Nhật, 29/12/2024Mới nhất
Zalo

Kaka bị đem bán: Sự khốn cùng của triết lí Berlusconi

Thứ Năm 04/06/2009 13:51(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Việc bán đi Kaka cho thấy Milan đang làm những điều lớn lao, nhưng không theo đúng phong cách của nó kể từ khi Berlusconi trở thành chủ sở hữu của CLB vào năm 1986: bán đi những nhà vô địch.

Thời thế đã đổi thay

Vở kịch lớn đã kết thúc chỉ trong vài tiếng. Những nụ cười trên cửa sổ với chiếc áo Milan mang số 22, những tình cảm nồng cháy dành cho đội bóng và những lời tung hô tình yêu đẹp hơn tiền bạc của Berlusconi rốt cục chỉ để tạo ra những chương hồi của một vở bi hài kịch theo kiểu truyền hình nhiều tập của Berlusconi, nhưng đã lấy hết nước mắt và nụ cười của người hâm mộ. Những lời nói có cánh của cả 2 phía và những giọt nước mắt cá sấu rớt xuống đất. Những động tác tung hô lẫn nhau, hôn áo đấu của đội, ánh mắt đầy xúc động và các tifosi khóc vì họ nghĩ rằng Kaka đã được thuyết phục ở lại, nhưng tất cả chỉ là giả dối, bởi chỉ có những người trong cuộc hiểu rằng, Kaka đã được hứa là anh sẽ bị bán, với tốc độ nhanh nhất có thể, trong mùa Hè.

Những ngôi sao lớn để bán đi thường mất nhiều thời gian hơn thế, bởi có biết bao tình tiết, những lời tuyên bố, những cuộc thương lượng và mặc cả kéo dài cả tháng. Nhưng vụ Kaka kết thúc chóng vánh hơn nhiều. Chỉ cần dăm ba tiếng đối thoại trong một quán ăn hạng nhất, chỉ cần giải kết thúc đúng một ngày, sau khi vị HLV của đội vừa ra đi và thay thế bởi một người khác (Leonardo) chưa từng có một chút kinh nghiệm huấn luyện. Nhưng điều quan trọng để thấy vị thế của Milan trong vụ này là thế nào: Real không sang Milano để mua Kaka, mà chính Galliani phải sang Madrid để bán. Nhìn cái cảnh ông già 70 tuổi Galliani hết chạy sang Bordeaux để đề nghị đội bóng Pháp đừng mua Gourcuff (nhưng thất bại) và sau đó bay đến TBN để “bán món hàng” Kaka mà thấy tội nghiệp làm sao.

Kaka đã rời Milan và Pato cũng sắp ra đi?

Thời thế đã đổi thay quá nhiều: Berlusconi và Milan đã từ kẻ thao túng thị trường chuyển nhượng trở thành kẻ bị thao túng. Những lời bao biện của Berlusconi về vụ này, nếu có, không thể lừa phỉnh được ai: Milan chỉ cần tiền. Những năm tháng mua sắm các ngôi sao để bán hình ảnh và chiến thắng của họ trên truyền hình đã qua. Quyền lực của chính Berlusconi trên chính trường và bản thân Milan đã bị thách thức và do đó suy yếu. Một thời Milan mua về những Gullit và Van Basten, những cầu thủ hay nhất những năm 1980, bây giờ chỉ còn những Ronaldinho và Beckham, những ngôi sao thời “đại hạ giá”.
 
Bán Kaka chỉ vì tiền

Những năm tháng hoàng kim của Milan, Berlusconi luôn tự hào bởi một triết lí: Milan không bao giờ bán đi những nhà VĐ chỉ vì tiền. Chỉ có những cầu thủ dạng “lìu tìu” bị bán đi. Những ngôi sao lớn được giữ lại cho đến già, khi không thể đá được nữa. Shevchenko ra đi thì chẳng qua là vì anh muốn đến London để “cả nhà học nói tiếng Anh”. Nhưng bây giờ, niềm tự hào ấy không còn nữa.

Trong một mùa bóng mà mọi giá trị đảo lộn, khi Juve trở thành một CLB bình thường với việc sa thải một HLV lần đầu tiên sau 40 năm, khi những người như Mourinho hành xử như một kẻ võ biền và coi thường những giá trị vốn có của giải đấu, Roma có nguy cơ bị bán, thì Milan phải bán tống bán tháo ngôi sao lớn nhất và sáng giá nhất của nó cho một đối thủ khác. Bán đi cầu thủ ấy để tăng cường sức mạnh cho một trong những đối thủ lớn nhất của Milan, đầu hàng trước sự hung hăng về tiền bạc, và vụ mua bán ấy xảy ra chỉ vài ngày trước một cuộc bầu cử quan trọng mà đảng của Berlusconi không muốn thất bại (bầu cử quốc hội châu Âu vào ngày 6 và 7/6), là những điều chưa bao giờ xảy ra trong những năm tháng của Silvio vĩ đại.

Đích đến của Kaka là Real Madrid hay Chelsea, điều đó, xét cho cùng, không có gì khác nhau với các tifosi Milan. Họ đã phẫn nộ và gào thét đòi giữ Kaka lại hồi tháng 1. Nhưng bây giờ, họ im lặng và chấp nhận sự thật: Trong thời buổi của những cuộc chia tay không thể ngăn cản được vì biết bao lí do, thì nếu Ancelotti ra đi bởi ông muốn chứng tỏ mình, nếu Maldini kết thúc sự nghiệp vì tuổi tác thì Kaka ra đi là vì Milan cần tiền, cần rất nhiều tiền. Bằng chứng: họ sẵn sàng bán anh cho Man City từ tháng 1 với giá 105 triệu euro và không bán được chẳng qua là vì anh không muốn đến một CLB không được dự Champions League, và giờ không chấp nhận bất cứ cầu thủ nào mà Real định gá thêm (Sneijder và Robben) để chỉ mỗi lấy tiền mặt, ít hơn cái giá của Man City những 40 triệu euro.

Hỡi các công dân và cũng là các tifosi, phải hiểu rằng đây là một thương vụ cần thiết và hợp lí cho cả 2 bên. Cũng đừng trách Berlusconi nếu như ông không giữ được Milan như trước. Người đã luôn phải lấy truyền hình với những cô đào xinh tươi và những chuyện tán phét tầm phào của đàn ông ra để làm thủ thuật chính trị nhằm mông má hình ảnh của mình và của đội bóng đôi khi không thể trốn được hiện thực tàn nhẫn: ông đã già, Milan vẫn đá đẹp nhưng không còn chiến thắng và những ngôi sao phải bán đi vì két của Milan đã cạn kiệt sau hai thập kỉ.

Sự khốn cùng của Milan-Berlusconi

Shevchenko đi, đã có Kaka tỏa sáng. Nhưng bây giờ Kaka đi, Milan có ai? Điều đó có lẽ Berlusconi bây giờ chưa muốn nghĩ đến. Ông sợ hãi trước mức thâm hụt ngân sách có thể dẫn đến sự thâm nhập của những ông chủ Arab giàu có từ UAE hơn là những mất mát về mặt kĩ thuật của Milan thời kì khuất bóng những biểu tượng lớn. Sự thay đổi của thời đại cũng là ở chỗ ấy. Với 147 tỉ lira (tương đương với 75 triệu euro hồi năm 2001) nhờ bán được Zidane, Juve đã mua về Buffon, Nedved và Thuram, những người làm xương sống cho một Juve hùng mạnh trở lại đỉnh cao những năm đầu thế kỉ 21 của calcio. Nhưng 70 triệu mà Berlusconi có được thì chỉ để lấp lỗ hổng ngân sách những 148 triệu euro, từ quỹ lương phình to, từ những vụ mua sắm vô lí và từ những sai lầm ngu xuẩn trên thị trường chuyển nhượng những năm qua (từ Jose Mari, Javi Moreno đến Julio Cesar, từ Redondo đến Rivaldo, Ronaldo, từ Oliveira đến Emerson và Ronaldinho).

Phải, không có Kaka, Milan không chết, và triết lí của Milan là “ngôi sao không tạo ra đội bóng, mà chỉ có đội bóng tạo ra ngôi sao”. Trong 23 năm, Berlusconi đã cho Milan rất nhiều, đã biến chất bóng đá và chiến thắng của nó trở thành một giấc mơ của người Ý, những người cũng muốn được thành công như chính ông, nghĩa là đi lên từ tay trắng và thành đạt bằng mọi cách, kể cả bằng thủ đoạn. Nhưng Milan bây giờ đã sa sút, như chính calcio và nước Ý, như chính hình ảnh của Berlusconi giai đoạn này ở trong nước và trên thế giới, khi chìm trong những bê bối cá nhân và chỉ trích của công luận (nhật báo Anh Financial Times gọi Berlusconi là “mối nguy hiểm đối với nền dân chủ Italia”). Sa sút như cảm xúc của người viết bài này với Milan. Một thời là những bài viết vui vẻ và lạc quan. Bây giờ, buồn và trống rỗng...

Từng người bỏ ta đi...

* Carlo Ancelotti: Sau 8 năm, Ancelotti đã dứt bỏ băng ghế huấn luyện để tới Chelsea, nơi ông được Roman Abramovich vô cùng trọng vọng, chứ không phải ở lại để bị Berlusconi trút mọi lỗi lầm lên đầu mỗi khi đội nhà thất bại (dù lỗi không chỉ là của ông). Ancelotti đã đem về cho Milan 2 chiếc Cúp vô địch Champions League, vậy mà chẳng thấy Berlusconi có động thái nào tri ân, dù chỉ là một lời cảm ơn đơn giản.

* Paolo Maldini: Hậu vệ số 3 huyền thoại đã gắn bó cả sự nghiệp trong màu áo Đỏ - Đen. Vậy mà ngày anh từ giã sân cỏ, nhiều CĐV còn trương những tấm băng rôn lăng mạ anh. Berlusconi thản nhiên đứng nhìn tượng đài bị xúc phạm. Thế có gọi là tàn nhẫn?

* Kaka: Xin nhắc lại, Milan bán anh đi chỉ để đổi lấy một nắm đôla, trong khi đáng ra họ phải giữ anh lại và xây dựng anh trở thành một tượng đài mới thay cho Maldini. Giờ Milan biết lấy ai để làm biểu tượng đây?


(Theo Thể Thao Văn Hóa)

Có thể bạn quan tâm

Hành trình khẳng định mình trên thị trường sim số đẹp của Trần Thu Hiền

Hành trình khẳng định mình trên thị trường sim số đẹp của Trần Thu Hiền

Hành trình khẳng định mình trên thị trường sim số đẹp của Trần Thu Hiền

Trong một thị trường sim số đẹp cạnh tranh khốc liệt, làm thế nào để một cá nhân có thể tạo dựng được thương hiệu riêng và khẳng định vị thế của mình? Đó là câu hỏi mà nhiều người kinh doanh sim số đẹp, đặc biệt là những người mới bắt đầu, luôn trăn trở. Và câu trả lời có thể đến từ chính hành trình khởi nghiệp đầy thú vị của chị Trần Thu Hiền.

Tiger - Bia chính thức của Câu lạc bộ Bóng đá Manchester United

Tiger - Bia chính thức của Câu lạc bộ Bóng đá Manchester United

Tiger - Bia chính thức của Câu lạc bộ Bóng đá Manchester United

Tiger® Beer - thương hiệu bia cao cấp hàng đầu thế giới vừa trở thành bia chính thức của Câu lạc bộ Bóng đá Manchester United. Đây là sự kết hợp giữa thương hiệu bia bản lĩnh rạng danh trên toàn thế giới và một trong những câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng và thành công nhất trên toàn cầu, nhằm nâng tầm trải nghiệm và tăng cường gắn kết cho người hâm mộ khắp thế giới.

Gary O'Neil trước áp lực mùa giải: Những bước đi cần thiết để giành sự sống còn

Gary O'Neil trước áp lực mùa giải: Những bước đi cần thiết để giành sự sống còn

Gary O'Neil trước áp lực mùa giải: Những bước đi cần thiết để giành sự sống còn

Trong tháng 9/2024, Wolverhampton Wanderers (Wolves) đã phải đối mặt với nhiều thử thách lớn tại Premier League. Mặc dù không đạt được những kết quả tốt nhất, đội vẫn có những màn trình diễn đáng chú ý từ các cầu thủ chủ chốt.

Xem thêm
top-arrow
X