(Bongda24h) – Chuyện kể rằng tân HLV Bora Milutinovic trong ngày đầu tiên tiếp quản ĐT Iraq đã dành thời gian vàng ngọc của mình để chụp ảnh với từng cầu thủ trong đội bóng. Tất nhiên, đó không phải hành động biểu hiện sự hâm mộ với các học trò vừa lên ngôi ở châu Á, càng không phải động thái bộc lộ tình cảm của ông, mà mục đích đơn thuần của Bora là để nhớ mặt thuộc tên từng người trong đội bóng. Đó là một trong muôn vàn câu chuyện hiếm gặp trong làng bóng đá, nhưng có thật ở ĐT Iraq.
Ở châu Á, đội tuyển Iraq còn có một tên gọi khác là “Những con sư tử Lưỡng Hà”, bởi các cầu thủ của họ nổi trội với thể lực bền bỉ, thể hình to lớn, chơi mạnh mẽ và khôn ngoan. Thế nhưng, những chú sư tử mất nanh ấy sẽ không có cơ hội “gầm gào” tại Nam Phi mùa hè 2010 khi nhà ĐKVĐ châu Á đã chính thức bị loại khỏi vòng “thẩm định” World Cup. Có một chút tiếc nuối pha lẫn với thất vọng dành cho thầy trò Bora, nhưng đó dường như là điều tất yếu phải xảy ra.
Các cầu thủ Iraq không thể tập luyện ở quê nhà vì lý do an ninh
Từ khi vô địch AFC 2007, Iraq dần đánh mất phong thái, sự tự tin và tính ổn định của mình vì hàng loạt thay đổi về mặt nhân sự, mà ở đây là HLV trưởng đội bóng. Cảm giác thỏa mãn với chính mình, ngủ say trong chiến thắng khiến Iraq ảo tưởng về khả năng của họ, trước khi trượt dài không thể cứu vãn. Và rồi sự can thiệp quá sâu của chính phủ khiến ĐT nước này bị FIFA cấm tham dự các giải đấu chính thức một năm về trước.
Nỗi thất vọng lên đến đỉnh điểm khi Iraq đại bại ở “Gulf States Cup” – giải đấu Vùng Vịnh được tổ chức 2 năm một lần bởi cộng đồng các quốc gia A-rập (họ bị loại ngay vòng 1). Bây giờ, cơ hội làm lại từ đầu đang mở ra trước mắt Iraq, tại chính Confederations Cup và những đối thủ Nam Phi, New Zealand và Tây Ban Nha, nhà vô địch châu Âu. Nếu Iraq tạo nên bất ngờ, lọt vào bán kết với tư cách tốp 2 đội mạnh nhất bảng A, niềm tin sẽ trở lại với cầu thủ và những NHM. Cũng có thể, Bora Milutinovic – Gã du mục thích khám phá những chân trời mới – sẽ tìm được bến đỗ cho sự nghiệp HLV của mình.
Ở tuổi 64, Milutinovic vẫn còn đong đầy tham vọng sức trẻ. Nổi tiếng với khả năng khơi dậy phong độ cao của các cầu thủ chỉ trong khoảng thời gian ngắn, Bora là người duy nhất từng đưa 5 ĐTQG khác nhau góp mặt tại World Cup: Mexico, Costa Rica, Mỹ, Nigeria và Trung Quốc. Bốn trong số đội bóng ấy lọt tới vòng đấu loại trực tiếp, trừ Trung Quốc. Sau 2 năm nghỉ ngơi, Bora mới lại quay về với nghiệp huấn luyện, nhưng bản hợp đồng của ông sẽ chính thức mãn hạn sau kì Confederations Cup lần này.
Bora Milutinovic mạo hiểm với mạng sống khi tới Iraq
Trong ngày Iraq công bố lễ ra mắt của Milutinovic vào tháng Tư, ông đã tới thủ đô Bát-đa với sự hộ tống của 10 vệ sĩ chuyên nghiệp. Mặc dù rất muốn thăm thú đó đây, nhưng Bora buộc lòng phải dành phần lớn thời gian ở Iraq để… chơi cờ trong đại sứ quán Serbia vì lý do an ninh.
Một tháng sau, một cầu thủ 18 tuổi bị bắn chết ở ngoại ô Bát-đa bởi viên đạn lạc của cảnh sát chống bạo động trong khi đang ăn mừng chiến thắng cùng đội nhà. Tuy nhiên, những bất ổn về an ninh và chính trị cũng không ngăn cản được Bora thực hiện quyết tâm lèo lái chiến hạm Iraq vượt qua bão cát sa mạc. Nguy cơ làm bạn với Thần chết luôn treo lơ lửng trên đầu Bora, thậm chí ông còn nói đùa trong một cuộc trả lời phỏng vấn: “Tôi có cảm giác Chúa sẽ gởi e-mail cho mình và nói: ‘Bora, đến lượt ông phải đi rồi!’”
Trong buổi ăn tối thứ năm vừa rồi, Bora đã mượn chiếc iPhone của người trợ lý để chỉ cho các học trò điều thần kỳ gì sẽ xảy ra nếu họ thành công. Những khoảnh khắc khi Iraq đăng quang AFC 2007, giây phút đánh bại đối thủ truyền kiếp A-Rập Xê-Ut và cảnh tượng nhảy múa ăn mừng giữa một người lính, một viên cảnh sát và người dân tại thủ đô Bát-đa giống như phép màu thần kỳ, đưa người với người xích lại gần nhau hơn.
CĐV Iraq ăn mừng bên súng và lính Mỹ khi đội nhà vô địch năm 2007
Khác với các ĐT còn lại, Iraq chỉ có duy nhất một phóng viên theo chân họ tới Nam Phi để ghi lại những hình ảnh tại Confederations Cup 2009. Tuy nhiên, các hãng truyền thông ở quê nhà đã sẵn sàng đưa hình ảnh “nóng hổi” của họ tới người dân, theo hãng tin Reuters cho hay. Đây là cơ hội Iraq để lại dấu ấn, sau những gì đã thể hiện ở World Cup 1986 và Olympics Athens 2004 (huy chương đồng).
Sau lần góp mặt ở World Cup 1986, Iraq bị cấm thi đấu ở rất nhiều cuộc đua tại châu Á và cộng đồng A-Rập do chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Nhưng thành công tại Athens 2004 và chức vô địch châu Á 2007 một lần nữa chứng minh sức sống mãnh liệt của đội bóng nước này. Để chuẩn bị cho Confederations Cup 2009, thầy trò Bora đã phải tập luyện ở Qatar, vì lý do an ninh không đảm báo ở quê nhà. Nhưng “cái khó ló cái hay”, Iraq hứa hẹn sẽ lại làm nên bất ngờ giống như những gì đã thể hiện năm 2007.
Iraq – hình ảnh tiêu biểu của chú sư tử bất khuất Á châu.
- N.#