(Bongda24h) - Người Anh tự hào họ là quê hương của môn bóng đá hiện đại, vỗ ngực giải VĐQG của họ là giải bóng đá mạnh nhất, hấp dẫn nhất hành tinh. Thế nhưng, có một thực tế ĐT Anh lại chẳng thể hiện được nhiều trên bình diện quốc tế. Trong lịch sử 137 năm tồn tại của mình (trận đấu chính thức đầu tiên là với Scotland năm 1872), Tam sư mới chỉ bỏ túi được danh hiệu duy nhất là chức vô địch World Cup 1966… diễn ra trên sân nhà, cùng một bàn thắng gây tranh cãi đến tận bây giờ của Sir Geoff Hurst. Dù vậy với Fabio Capello người Anh đã hoàn toàn có thể mơ ngay từ bây giờ…
Phan Đức – 206 C Đội Cấn – Hà Nội
Dưới thời Capello, Sư tử Anh đã có được cú khởi đầu tốt nhất trong lịch sử tại các vòng loại World Cup (toàn thắng cả 4 trận đầu tiên). Không những thế, với tỉ lệ thắng trận lên tới 80% (đá 10 trận, thắng 8, hòa 1), chiến lược gia người Italia cũng chính là HLV có hiệu suất chiến thắng cao nhất trong lịch sử ĐT Anh. Người ta vẫn nói “đầu xuôi đuôi lọt”, song sự ra mắt của Capello có lẽ còn phải xứng đáng dùng đến từ “hoàn hảo". Dù vậy, thật ra những con số thống kê trong mơ ấy lại cũng chẳng gây ấn tượng bằng những gì Capello đã thể hiện trên băng ghế huấn luyện.
ĐT Anh đã chơi ấn tượng hơn nhiều dưới thời HLV Capello |
Chẳng thể phủ nhận, dưới thời những người tiền nhiệm của Capello như Sven Goran Eriksson hay McClaren, xét về mặt tên tuổi ĐT Anh vẫn là một trong những ĐT mạnh nhất thế giới. Dẫu vậy, thành tích họ giành được lại chẳng được bao nhiêu (nếu không muốn nói là có phần thất vọng). Đâu là nguyên nhân?
Có thể thấy, cả Eriksson và McClaren đều đã đi vào một số vết xe đổ y hệt nhau: loay hoay giữa bài toán Gerrard và Lampard, hay không nhạy bén về mặt chiến thuật, con người…. Dưới thời Eriksson, ĐT Anh gần như đóng đinh với một loại sơ đồ 4-4-2. Trong khi McClaren lại chọn người giống như một cái máy được lập trình sẵn, chứ không căn cứ vào phong độ (ví dụ như trường hợp của Beckham, HLV này nhất quyết bỏ qua Becks bất chấp tiền vệ này chơi hay dở ra sao). Và thật đáng mừng khi tất cả những sai lầm ấy đều đang được Capello khắc phục triệt để.
Triết lí của “cáo già người Italia” là chọn cầu thủ dựa trên phong độ hiện tại. Bởi thế, gần như Capello không bỏ qua bất kì tài năng từ những “đứa trẻ” như Theo Walcott, Ashley Young, Agbonlahor cho đến các cầu thủ đã có thời điểm bị xem là thời đã qua như Owen, Carlton Cole, Beckham (Capello thời gian vừa qua luôn theo sát Beckham, và đã không bỏ qua màn trình diễn tuyệt vời của anh tại Milan). Chính điều này đã mang đến một động lực cạnh tranh mạnh mẽ trong nội bộ Tam sư, giúp ĐT Anh luôn ra sân với phong độ và tinh thần cao nhất.
Không những thế, Capello còn tỏ ra là bậc thầy trong lĩnh vực chiến thuật. Chỉ sau 1 vài trận đấu, ông đã nhận ra có thể sử dụng đồng thời cả Gerrard lẫn Lampard, nhưng vấn đề là không thể để 2 người cùng chơi ở vòng tròn giữa sân. Quyết định đẩy Gerrard ra cánh của Don Fabio là lời giải tuyệt vời cho bài toán mà cả Eriksson lẫn McClaren đã loay hoay, mò mẫn cả một thời gian dài. Sự nhạy bén của Capello còn thể hiện ở những điều chỉnh chiến thuật. Điển hình như quyết định bất ngờ sử dụng Theo Walcott trong trận đại thắng Croatia 4-1 ngay tại Zagreb (Walcott đã lập hattrick).
Bóng đá Anh có thể tin tưởng vào Capello |
Vẫn biết ĐT Anh vẫn còn đó những điểm yếu cố hữu (vị trí thủ môn), đồng thời để bước lên đỉnh cao còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bên ngoài như may mắn, chấn thương… (ở EURO 2004 ĐT Anh mất Rooney, còn ở World Cup 2006 thì mất Owen, đều do chấn thương). Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, cũng như với danh tiếng của “thương hiệu” Capello trong quá khứ, các CĐV của Tam sư đã có thể tự tin mà nói: “In Capello we trust!”.