(Bongda24h) - Như vậy là Đức đã chính thức gặp Bồ Đào Nha ở tứ kết. Một cuộc chạm trán rất được mong đợi giữa hai trường phái bóng đá có thể xem là đối lập nhau khi lối đá thực dụng với những giá trị truyền thống về tính kỷ luật, tinh thần thép và một lối chơi khoa học mang đặc trưng của “cỗ xe tăng” Đức sẽ có cơ hội để đối chọi với lối chơi hoa mỹ đậm chất La tinh được lấy cảm hứng từ những kỹ thuật gia bậc thầy của những sọc “vàng - xanh” Châu Âu. Tuy nhiên, tất cả những điều đó dường như vẫn không thể che dấu được chút tiếc nuối gợn lên trong lòng người hâm mộ khi trận “chung kết của nhánh một” lại đến sớm hơn dự định…
Bài dự thi: “Nếu bạn là chuyên gia”
Nguyễn Văn Trung, Số 42/171 Nguyễn Ngọc Vũ - Cầu Giấy - Hà Nội.
Bản lĩnh của người Đức vẫn là thứ vũ khí đáng sợ… |
Rơi vào một bảng đấu có thể xem là khá “nhẹ nhàng” ở VCK Euro lần này khi chỉ phải gặp những Ba Lan, Áo và Croatia nhưng những gì Mannschaft thể hiện đã khiến rất nhiều những fan hâm mộ phải buồn lòng. Ngoại trừ trận đấu đầu tiên gặp Ba Lan là có lửa, ở hai trận đấu còn lại với Croatia và Áo đã cho thấy một bộ mặt hoàn toàn khác của những cỗ xe tăng. Họ thi đấu chậm chạp, rời rạc và thiếu sự gắn kết. Sự tự tin, bản lĩnh cùng sức mạnh ý chí lớn lao vốn là điểm mạnh nhất tạo nên cái tên gọi đầy chất thép: “những cỗ xe tăng” không hiểu sao lại tan biến đi cho dù mùa hè ở Áo cũng chẳng đến mức gắt gao, nóng bỏng?
Nhìn lại quá khứ, từ lần đầu tiên tham dự VCK Euro năm 1972 đến nay cũng đã có không ít những thời điểm đội tuyển quốc gia Đức khiến cho những người yêu mến phải lo lắng cho mình bởi những màn khởi đầu tồi tệ. Nhưng rồi cuối cùng, họ cũng vẫn đem đến được cho những người hâm mộ cảm giác hân hoan ngập tràn trong sung sướng, họ cũng vẫn khiến những đối thủ phải ganh tỵ khi vẫn đang là vua của giải đấu danh giá này (vô địch Euro nhiều nhất với 3 lần). Tiêu biểu là ở VCK Euro 1992 tổ chức tại Thụy Điển, mặc dù Đức với bộ mặt “nhợt nhạt” đã vượt qua vòng bảng đầy may mắn với chỉ 3 điểm(1), tuy nhiên ở giải đấu đó họ đã vào đến tận trận chung kết và chỉ để tuột mất chức vô địch vào tay hiện tượng năm đó - Đan Mạch. Vì thế lần này, khởi đầu từ vòng bảng dù vẫn còn những “trục trặc” nho nhỏ nhưng người Đức là vậy, bóng đá Đức là vậy, vẫn cứ tiến đều đều cho dù là chậm. Ngay cả nguyên lý hoạt động của “cỗ xe tăng” - biệt danh của họ, cũng chỉ ra rằng chẳng phải từ những bước chậm chạp ở màn khởi động ban đầu, để rồi sau đó sẽ vững chải tiến lên?... Và ai cũng hiểu rằng một khi “xe tăng” đã tiến, là rất khó để có thể bị đánh lùi!
Tuy nhiên, nhắc đến đội tuyển Đức với nhiều tin tưởng như thế không phải chỉ để ngồi nếm trải lại vị ngọt của những thành tích đã có trong quá khứ. Nhắc đến điều đó một phần cũng vì muốn những “chiến binh áo trắng” có thể hiểu rằng phía sau họ là cả một quả khứ hào hùng, một bức tường lịch sử vẻ vang mà họ chỉ có thể dựa vào như điểm tựa để đi lên và xây cao thêm chứ đừng để ngủ quên trên đấy… Và cũng bởi trước mặt họ lúc này đây là thách thức không nhỏ đến từ phía Tây Nam bán đảo Iberia, những thách thức thực sự đến từ người Bồ khi mà đội tuyển màu áo “Bã trầu” đang thể hiện được một phong độ rất cao với lối chơi ngày càng gắn kết. Bồ Đào Nha đã cho thấy với những thế hệ cầu thủ trẻ đầy tài năng và khát khao, họ đang rất muốn lấy lại những gì đã lỡ để tuột tại chính sân chơi này bốn năm về trước.
… trong khi Bồ Đào Nha cũng tiềm ẩn nhiều bất ngờ |
Điều này là hoàn toàn có cơ sở khi mặc dù cùng được 6 điểm qua 3 trận đấu ở vòng bảng như Đức, nhưng cái cách mà đội bóng đến từ cực Tây Châu Âu có được 6 điểm đó là khác biệt hoàn toàn. Trong khi Đức phải vắt sức, trầy trật kiếm điểm ở trận đấu cuối cùng với Áo để tranh ngôi nhì bảng thì Bồ Đào Nha - với đội hình dự bị, lại thua nhẹ nhàng trong trận cầu giao hữu với đội chủ nhà Thụy Sỹ khi đã chắc ngôi đầu. Với những lợi thế về phong độ, về tâm lý và đặc biệt là các cầu thủ chủ chốt được nghỉ ngơi ở loạt trận cuối, Bồ Đào Nha dường như có vẻ đã rất sẵn sằng cho một cuộc “Cách mạng hoa cẩm chướng thứ hai” trong bóng đá mà trước tiên là ở trận tứ kết gặp Đức tới đây. Họ muốn để người Đức cũng như các đối thủ biết rằng có thể ở vòng đấu bảng họ nồng nàn như những thùng vang dán nhãn Porto, nhưng khi cần đến sức mạnh ở những lượt trận knock-out thì họ cũng có thể phát hỏa chẳng khác gì những thùng dynamic chính hiệu. Một lời cảnh báo không hề thân thiệt và có lẽ cũng sẽ không dư thừa cho đội tuyển Đức!
Ngay cả lịch sử đối đầu tại các VCK Euro dường như cũng đang có lợi thế nghiêng về phía Bồ Đào Nha. Nếu như không coi trận thua của đội tuyển Đông Đức ở vòng 16 đội tại kỳ Euro đầu tiên (1960) là thành tích của đội Đức vĩ đại thì trong hai lần có “duyên” gặp mặt, Đức cũng đang kém thế so với người Bồ. Trong khi ở Euro 1984, Đức hoà với Bồ Đào Nha ở lượt trận đầu tiên và sau đó không vượt qua nổi vòng bảng thì đến Euro 2000 tại Bỉ và Hà Lan, Đức cũng đã “phơi áo” trước một Bồ Đào Nha toàn thắng ở vòng bảng với tỷ số kinh hoàng 0-3. Ở giải đấu đó, đội tuyển Đức oai hùng đã ra về với chỉ 1 điểm có được cùng vị trí bét bảng đầy tủi hổ. Đó cũng là thành tích kém cỏi nhất mà đội tuyển Đức đã có tại tất cả các kỳ Euro mà mình tham dự… Tuy nhiên, người Đức cũng có lẽ cũng đã được an ủi phần nào khi ở lần gần đây nhất hai đội gặp nhau, “những cổ xe tăng” đã đánh bại người Bồ để giành lấy vị trí thứ 3 tại WC 2006 được tổ chức ngay chính tại quê nhà…
Hồi sinh hay sống mòn, Mannschaft? |
Tất cả những điều đó đã chỉ ra rằng dù trong quá khứ hay hiện tại, dù đang có được phong độ cao hay thấp thì những cuộc đối đầu giữa người Đức và người Bồ luôn nóng bỏng, hấp dẫn, gắt gao và đầy tính cạnh tranh không chỉ bởi tỷ số thường chênh lệch, bàn thắng thường nhiều mà còn bởi giá trị truyền thống của hai trường phái bóng đá “không đội trời chung” này. Khi mà Bồ Đào Nha đang có được những lợi thế nhất định, thì sự thức tỉnh của “những cỗ xe tăng” sẽ là yếu tố quyết định đến kết quả của trận đấu. Liệu có hồi sinh hay mãi sống mòn với phong độ dật dờ tại vòng bảng, Mannschaft???